A Lưới nổi tiếng với những sản phẩm đặc trưng như thịt bò vàng A Lưới, mật ong, chuối già lùn, ổi hữu cơ, dệt zèng… Để những sản vật này đến tận tay người tiêu dùng, nhiều phụ nữ vùng cao đã bắt đầu đưa những mặt hàng này lên các nền tảng mạng xã hội.
Livestream kích cầu tiêu thụ nông sản. Ảnh: M.H
Bà Hồ Thị Nga (trú tại xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, thành phố Huế) cho biết, năm 2018, bà thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch A Lưới. Những ngày đầu, hoạt động kinh doanh của HTX gặp nhiều khó khăn, khách hàng chủ yếu là người quen, vì thế doanh thu mỗi tháng chỉ khoảng vài triệu đồng.
Sau đó, bà Nga cùng nhiều chị em phụ nữ khác trên địa bàn huyện được Hội Liên hiệp Phụ nữ A Lưới hỗ trợ, tập huấn cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng bán hàng trên không gian mạng, bà đã tiếp cận với thị trường theo xu thế mới. Nhiều người bắt đầu sử dụng điện thoại thông minh để quay lại các đoạn video, chụp ảnh các sản phẩm, kèm theo lời giới thiệu, quảng bá các mặt hàng lên các nền tảng mạng xã hội, livestream bán hàng tại các hội chợ thương mại... Từ đó, tiếp cận được nhiều khách hàng mới, từng bước đưa những sản phẩm đặc trưng của A Lưới đến tay người tiêu dùng trên cả nước.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok và các nền tảng số công nghệ khác trong tương lai để giới thiệu, quảng bá những sản phẩm địa phương, mở rộng thị trường, thúc đẩy kinh doanh, tiếp cận với nhiều tệp khách hàng khác nhau trên cả nước để tăng thu nhập” - bà Nga cho biết.
Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Quỳnh Tường - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới cho biết, trên địa bàn hiện có 4 HTX do phụ nữ làm chủ và tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động. Lĩnh vực chủ yếu được lựa chọn là sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm đặc sản địa phương.
Để giúp chị em phụ nữ bước đầu tiếp cận với công nghệ để bán hàng, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới ban đầu đã mở được 1 lớp bán hàng trực tuyến với 50 người tham gia; trong đó, có đến 30 người ứng dụng công nghệ để đưa sản phẩm của mình vươn xa hơn trên thị trường. Việc này giúp rút ngắn khoảng cách tiếp cận với công nghệ số, ứng dụng công nghệ số giữa phụ nữ ở khu vực đô thị, vùng đồng bằng và phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà Tường cho rằng, chính nhờ được kết nối, sử dụng công nghệ hiện đại, tiến bộ và được tập huấn phương thức bán hàng online, nhiều phụ nữ ở địa phương đã tiết kiệm được thời gian, công sức cũng như tận dụng tối đa những tính năng hữu ích của công nghệ số mang lại vào sáng tạo, khởi nghiệp, kinh doanh... Nhờ đó, nhiều cơ sở kinh doanh, dự án khởi nghiệp đã tăng hiệu suất, nâng giá trị sản phẩm lên cao hơn.
Tuy nhiên, theo bà Tường trở ngại lớn nhất đối với phụ nữ ở vùng cao hiện nay là thiếu các trang thiết bị thông minh để tiếp cận công nghệ số. Nhiều điện thoại di động đã quá cũ, tốc độ xử lý chậm nên nhiều người bị mất khách hàng. Bên cạnh đó, nhiều gia đình chưa được phủ sóng internet nên hạn chế tham gia các hoạt động chuyển đổi số…
“Dự án "Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua áp dụng công nghệ” đã giúp phụ nữ A Lưới có cơ hội tăng tốc giảm nghèo. Thời gian đến, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới dự kiến mời các chuyên gia để mở từ 5 - 6 lớp tập huấn bán hàng qua nền tảng số, mỗi lớp khoảng 80 học viên. Đây hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu của chị em phụ nữ khi muốn đưa những sản phẩm trong vườn nhà của mình lên nền tảng số để cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống, thoát nghèo bền vững”, bà Tường chia sẻ.
Nguyễn Quốc