Những bộ phim truyện lịch sử, nhất là lịch sử chiến tranh cách mạng luôn được khẳng định giá trị. Nhưng trong bối cảnh thị hiếu và cách thức tiếp cận các tác phẩm điện ảnh đa dạng như hiện nay, đòi hỏi việc phổ biến, đưa những tác phẩm này đến công chúng cũng cần có những sự thay đổi để phù hợp hơn.
Mới đây, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức đợt phim chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) và các ngày lễ Quốc tế Lao động (1-5), Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5). Trong đó, bên cạnh những bộ phim hoạt hình, phim tài liệu, điều khán giả mong chờ là những bộ phim truyện điện ảnh như: Đào, phở và piano; Hồng Hà nữ sĩ; Vầng trăng thơ ấu; Ngày độc lập; Mùi cỏ cháy; Giải phóng Sài Gòn; Người lính thầm lặng; Sao tháng Tám. Những bộ phim này sẽ được các Tổ chiếu phim lưu động đi chiếu phục vụ người dân ở các huyện: Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm, Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh từ ngày 30-4 đến 20-5, với tổng số 48 buổi chiếu. Có thể thấy, những bộ phim lịch sử được chiếu trong đợt này có một số phim được sản xuất, phát hành hơn 1 năm nay. Điều đó phần nào cho thấy sự nỗ lực rút ngắn thời gian đưa phim lịch sử đến với đại bộ phận công chúng. Cách thức đưa phim lịch sử qua kênh của các tổ chiếu phim lưu động đến với khán giả, nhất là khán giả vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là cần thiết, nhằm góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân. Cách làm này đã có từ lâu đời và gắn liền với những chặng đường của lịch sử điện ảnh nước nhà.
Một buổi chiếu phim phục vụ người dân ở huyện Khánh Vĩnh.
Trong bối cảnh ngày nay, điều kiện công nghệ thông tin phát triển bùng nổ; mạng xã hội đã trở nên phổ biến và không thể thiếu với mỗi người; các nền tảng số, trong đó có những nền tảng chiếu phim ngày càng phát huy tiện ích. Những yếu tố đó đòi hỏi cách giới thiệu, quảng bá và đưa phim truyện lịch sử đến với khán giả phải có sự thay đổi để khán giả, nhất là khán giả trẻ có thể dễ dàng tiếp cận với phim truyện lịch sử và phim lịch sử.
Trong khuôn khổ một khóa bồi dưỡng về văn học nghệ thuật diễn ra tại TP. Nha Trang, bà Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho biết, nếu nói khán giả bây giờ không mặn mà với phim truyện lịch sử là không chính xác. Bởi chúng ta chưa quan tâm nhiều đến việc đưa phim truyện lịch sử đến với công chúng một cách phù hợp. Lấy dẫn chứng về sự thành công của phim “Đào, phở và piano” bắt nguồn từ bài giới thiệu của một Tiktoker đã khiến cho cộng đồng mạng, nhất là những bạn trẻ đã đổ xô đến các rạp phim xếp hàng mua vé. Hay như việc chúng ta vẫn chưa mạnh dạn đưa những bộ phim lịch sử chiến tranh cách mạng đăng tải trên những mạng xã hội YouTube hay nền tảng chiếu phim trực tuyến Netflix…
Ý kiến này càng có cơ sở khi mới đây nhất, bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã thắng lớn với mốc doanh thu hơn 130 tỷ đồng. Thành công của phim trước hết về mặt nội dung, hình ảnh được đầu tư chỉn chu, bối cảnh địa đạo được phục dựng chân thực, âm thanh sống động, diễn xuất của dàn diễn viên để lại nhiều ấn tượng. Nhưng ở một khía cạnh khác, phim tạo sức hút với khán giả còn ở chỗ được phát hành đúng thời điểm cả nước chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trước đó, những đoạn clip ngắn giới thiệu về phim đã được xuất hiện ngập tràn trên rất nhiều trang mạng xã hội, tạo nên những “cơn sốt” đủ sức để gây nên sự tò mò, hiếu kỳ của khán giả. Truyền thông trên mạng xã hội là cách làm được các nhà sản xuất phim thương mại áp dụng từ lâu, nhưng với phim truyện lịch sử, nhất là những phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất lại còn khá e dè.
Hình ảnh giới thiệu về phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”. Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Để kéo gần khoảng cách giữa khán giả trẻ với phim truyện lịch sử, bên cạnh việc đầu tư nâng cao chất lượng phim cả về mặt nội dung, hình thức, tiết tấu, ngôn ngữ kể chuyện… phải phù hợp với giới trẻ. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý đến việc phát hành phim truyện lịch sử không chỉ để chiếu rạp hay phát sóng truyền hình, mà còn cần đưa lên các nền tảng xã hội như: TikTok, YouTube, Netflix, Galaxy Play, VieOn để giúp giới trẻ tiếp cận dễ dàng hơn. Cùng với đó, hoạt động của những tổ chiếu phim lưu động ở các địa phương cũng không nên thuần túy chiếu phim cho người dân xem, mà đã đến lúc cần đưa phim truyện lịch sử vào chiếu cho học sinh ở các trường kết hợp việc trò chuyện, chia sẻ nội dung phim hoặc các cuộc thi tìm hiểu về nhân vật lịch sử qua phim ảnh, để khơi gợi tình cảm, cảm xúc trong mỗi bạn trẻ. Phim truyện lịch sử, nhất là lịch sử đấu tranh cách mạng luôn đề cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và để khán giả hôm nay tự nguyện đến với phim lịch sử thì chúng ta cần đưa phim lịch sử đến gần hơn với khán giả.
GIANG ĐÌNH