Đưa Thái Bình trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn

Đưa Thái Bình trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn
3 giờ trướcBài gốc
Những tiềm năng
Thái Bình - quê hương “chị Hai năm tấn” cái tên quen thuộc đã thấm nhuần trong lòng không chỉ mỗi người con Thái Bình mà trên cả chiều dài hình chữ S. Với đặc trưng tiêu biểu văn minh lúa nước vùng châu thổ sông Hồng, nơi đây chứa đựng nhiều giá trị chiều sâu văn hóa Việt với ý chí vươn lên mạnh mẽ của vùng đất anh hùng.
Trải qua quá trình hình thành, phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước và dân tộc, Thái Bình là một vùng đất thiêng “địa linh nhân kiệt” với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nổi tiếng, nổi bật là 2 di tích quốc gia đặc biệt: chùa Keo, khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần…
Lễ rước nước tại lễ hội đền Trần Thái Bình
Đây cũng là miền đất cội nguồn, là kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc, các loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng văn minh lúa nước sông Hồng, với những làn điệu chèo làng Khuốc; múa Giáo cờ giáo quạt làng Giắng; múa Bát dật xã An Khê; hát trống quân mượt mà đằm thắm cùng 2 di sản văn hóa phi vật thể trình diễn dân gian là múa rối nước Nguyên Xá, Đông Các và ca trù.
Thái Bình còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch khi có tới 54km bờ biển với nhiều bãi ngang rộng có các cồn nổi tự nhiên, hệ thống rừng ngập mặn, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước; nhiều làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP; nhiều vùng trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản,... Đây là lợi thế lớn để phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm, giúp tỉnh Thái Bình khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển du lịch vùng và cả nước.
Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch
Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 được phê duyệt tiếp tục quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Tập trung phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và quy hoạch của tỉnh.
Theo đó, Thái Bình đã và đang tập trung phát triển không gian du lịch trên cơ sở xác định huyện Thái Thụy, Tiền Hải là vùng lõi, địa bàn động lực do có vị trí quan trọng và là nơi tập trung nhiều tiềm năng, tài nguyên du lịch nổi trội; thành phố Thái Bình là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của tỉnh và là điểm xuất phát, kết nối các hướng phát triển không gian; các huyện còn lại là các trung tâm phụ trợ, kết nối, xây dựng các tuyến du lịch và cung cấp các dịch vụ du lịch khác.
Với tiềm năng, lợi thế về bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và tài nguyên thiên nhiên, Thái Bình đang phát triển các sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng, trải nghiệm. Trong đó, du lịch tâm linh được đánh giá là loại hình du lịch có nhiều thế mạnh. Với gần 3.000 thiết chế văn hóa cổ, nổi bật là 02 di tích quốc gia đặc biệt: Chùa Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư); khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà), du lịch tâm linh phát triển tại địa bàn các huyện Vũ Thư, Hưng Hà, Quỳnh Phụ,... thu hút đông du khách trong và ngoài tỉnh về tham quan, vãng cảnh, chiêm bái.
Di tích quốc gia chùa Keo - Thái Bình
Du lịch cộng đồng, trải nghiệm cũng là loại hình đang được quan tâm phát triển. Đây là loại hình tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách chủ yếu dựa vào nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngày 24/8/2022, UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025 và đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án nhằm khai thác thế mạnh về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của Thái Bình trở thành ưu tiên lựa chọn cho du khách; xây dựng và giữ vững thương hiệu nông sản Thái Bình trên thị trường trong nước và quốc tế thông qua hoạt động du lịch.
Những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều cuộc farmtrip, hội thảo nhằm giới thiệu tới các công ty lữ hành lớn, có uy tín trong nước về những điểm du lịch nổi bật của tỉnh. Đồng thời, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, thân thiện với môi trường, có thương hiệu, tính cạnh tranh cao, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Khai thác các khu sản xuất sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương, làng nghề truyền thống, đặt trong tổng thể phát triển du lịch, tạo thành điểm nhấn trong chuỗi liên kết trong bản đồ du lịch khu vực./.
M.Q
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/dua-thai-binh-tro-thanh-diem-den-du-lich-hap-dan-36319.html