Gửi tới chuyên mục "Chat với chuyên gia" do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp cùng Trường ĐH Luật TP.HCM, tổ chức, bạn đọc Luyến Lê (TP.HCM) hỏi:
Theo dõi việc vụ án đưa, nhận hối lộ tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai, tôi thấy một bị cáo nói tại tòa rằng: "Bị cáo chuyển tiền cho người cần hối lộ nhưng sau đó người này đã chuyển trả lại tiền. Vì vậy bị cáo cho rằng mình không phạm tội đưa hối lộ".
Vậy xin hỏi điều này có đúng không? Vì tôi thấy nếu vậy ai cũng thống nhất với nhau ra tòa rồi khai đã chuyển trả xong cả hai bên cùng không có tội.
Ảnh minh họa AI
Nghiên cứu sinh, Thạc sĩ Lê Vũ Huy, Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TP.HCM, trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 364 BLHS về tội đưa hối lộ, thì người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào dưới đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
- Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
- Lợi ích phi vật chất.
Lợi ích phi vật chất là những lợi ích không phải lợi ích vật chất. Ví dụ: Hối lộ bằng cách tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng; bầu, cử, bổ nhiệm chức vụ; nâng điểm thi; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài; hối lộ tình dục...
Tội đưa hối lộ có cấu thành hình thức, chỉ cần có hành vi đưa hối lộ bằng các lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất.
Chính vì vậy, người thực hiện hành vi đưa hối lộ bằng các lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì đã cấu thành tội phạm. Trường hợp người nhận hối lộ đã chuyển trả lại tiền không làm ảnh hưởng đến việc định tội danh đối với người đưa hối lộ.
Tiền dùng để đưa hối lộ được xem là phương tiện phạm tội nên sẽ bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
Theo Khoản 1 Điều 47 BLHS, tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với: công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội...
Khoản 2 Điều 106 BLTTHS quy định về xử lý vật chứng, vật chứng được xử lý như sau: Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy...
SONG MAI