Khó khăn khi tiếp cận
Những đứa trẻ phải học tiếng Việt trước, sau đó làm quen với tiếng Anh, một ngôn ngữ hoàn toàn mới, với hệ thống âm thanh và ngữ pháp khác biệt. Điều này khiến quá trình tiếp cận tiếng Anh trở nên chậm chạp và dễ gây nản lòng.
Tại Trường Tiểu học Thu Cúc 2 (huyện Tân Sơn), có 98% học sinh là người dân tộc. Có dịp tiếp xúc với em Sùng Trung Nguyên, dân tộc H’Mông, học sinh lớp 5A, hỏi chuyện học tiếng Anh, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Ui chao, học tiếng Anh khó lắm ạ!”.
Giờ học môn Tiếng Anh của học sinh Tường Tiểu học Thu Cúc 2.
Được khích lệ, nhiều em khi nghe cũng kể “khổ”. Em Hoàng Thị Ngọc Phương dân tộc Mường, học sinh lớp 4D tâm sự: “Em học trên lớp xong về nhà lại quên nhưng không biết hỏi ai vì ở nhà không ai biết tiếng Anh”. Đối với học sinh tiểu học, từ khi lên lớp 3, Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc, đó là cả một hành trình vượt khó.
Cô giáo Hà Thu Hằng, dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên ở Tân Sơn, hiện đang dạy môn Tiếng Anh tại Trường Tiểu học Thu Cúc 2 (huyện Tân Sơn) hiểu rõ được những khó khăn mà các em DTTS phải đối mặt khi học ngôn ngữ mới.
Cô chia sẻ: “Học sinh tại trường chủ yếu là DTTS nên các em thường nhút nhát, ngại giao tiếp bằng tiếng phổ thông, đặc biệt là học sinh người Mông. Các em thiếu tự tin khi gặp phải câu khó, sợ mắc lỗi khi trả lời. Mặc dù học ngoại ngữ đòi hỏi giao tiếp nhiều nhưng các em lại hay e dè và ngại ngùng. Khó khăn hơn khi gia đình các em không có điều kiện mua sắm các phương tiện, thiết bị phục vụ học tập, điều này đã làm hạn chế khả năng tiếp cận tài liệu học trực tuyến và các công cụ học tập hiện đại”.
Trường Tiểu học Thu Cúc 2 có 98% học sinh là người dân tộc Mông, Dao và Mường.
Thực tế cho thấy việc dạy và học môn Tiếng Anh trở nên khó khăn đối với những trường học có đông tỷ lệ học sinh là người DTTS. Tại Trường THCS Tân Phú (huyện Tân Sơn) có hơn 700 học sinh, trong đó 88% học sinh là dân tộc Mường. Nhiều em khi lên cấp THCS vẫn không thể nói một câu tiếng Anh hoàn chỉnh.
Thầy Dương Thế Hòa, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THCS Tân Phú cho biết: “Nhiều học sinh lên lớp 6 vẫn chưa biết giới thiệu bản thân bằng những câu tiếng Anh đơn giản, mặc dù kiến thức này các em đã được học từ chương trình tiểu học. Một phần do ảnh hưởng tiếng mẹ đẻ, các em thường phát âm sai, gặp khó khăn trong việc ghi nhớ từ mới”.
Phần lớn các em thiếu tài liệu bổ trợ như: Từ điển, sách tham khảo, trang thiết bị học môn Tiếng Anh ở nhà. Sau mỗi buổi học, các em hay quên bài và không biết tìm ai để hỏi cách phát âm chính xác. Bên cạnh đó, việc chưa tự học ngoài giờ, ngại giao tiếp bằng ngoại ngữ càng làm hạn chế sự tiến bộ. Tất cả những lý do trên khiến quá trình học tiếng Anh của các em trở nên hạn chế, kém hiệu quả.
Đa dạng cách truyền đạt
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đặc trưng về khẩu hình ngôn ngữ, các em cũng dễ nhầm khi phát âm một số từ tiếng Anh sang tiếng mẹ đẻ, nhớ không tốt nên thuộc rất ít từ vựng nhưng các thầy cô giáo tại các trường miền núi thuộc tỉnh Phú Thọ vẫn không ngừng nỗ lực tìm kiếm phương pháp giảng dạy phù hợp để giúp học sinh tiếp cận môn Tiếng Anh hiệu quả hơn.
Cô Hà Thu Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Thu Cúc 2 thường xuyên sử dụng hình ảnh, tranh vẽ, video ngắn để minh họa bài học, giúp các em dễ dàng hình dung và ghi nhớ từ vựng, cấu trúc câu. Cô Hằng thường tạo ra những giờ học sôi động, kết hợp giao tiếp liên tục để học sinh không cảm thấy căng thẳng, từ đó hào hứng tham gia.
“Việc quan tâm đến từng đối tượng học sinh giúp tôi lựa chọn phương pháp linh hoạt, đổi mới để phù hợp với khả năng tiếp thu của các em. Tôi khen thưởng những học sinh có tiến bộ hoặc tham gia phát biểu để khích lệ tinh thần học tập. Tôi cũng động viên và sửa lỗi nhẹ nhàng để tránh khiến các em cảm thấy mặc cảm, từ đó giảm bớt sự ngại ngùng, giúp các em học tốt hơn” - cô Hằng cho hay.
Học ngoại ngữ nói chung cần giao tiếp nhiều nhưng các em học sinh DTTS lại hay ngại ngùng.
Trong sách giáo khoa Tiếng Anh theo Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, ngoài các hoạt động của tiết học bao gồm các kỹ năng nói và viết, còn chú trọng nhiều đến ý tưởng của riêng cá nhân từng học sinh. Vì vậy, thầy Dương Thế Hòa, giáo viên Trường THCS Tân Phú thường hướng cho học sinh nêu lên ý kiến với mục đích làm cho các em trở nên tự tin cũng như tiết học giảm bớt căng thẳng.
“Tôi thường xuyên tổ chức cho học sinh làm việc theo nhóm hoặc cặp đôi để các em hỗ trợ lẫn nhau. Trong khi kiểm tra từ vựng, sẽ tập chung vào cách viết, nghĩa của từ và phát âm thay vì yêu cầu học sinh viết câu, đoạn văn. Tôi luôn khuyến khích học sinh về nhà sẽ học nhóm tại khu dân cư, lấy học sinh khá giỏi làm nòng cốt để kèm các bạn yếu. Đồng thời, tư vấn phụ huynh trang bị tài liệu tham khảo, khuyến khích các em nói tiếng Anh nhiều hơn” - thầy Hòa cho biết thêm.
Giờ học môn Tiếng Anh của thầy trò Trường THCS Tân Phú (huyện Tân Sơn).
Thầy Vi Văn Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phú nhấn mạnh: “Để giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp, tiếp cận tiếng Anh một cách thú vị, hiệu quả, nhà trường đã thành lập Câu lạc bộ Tiếng Anh, đồng thời cải thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị giảng dạy, bao gồm phòng học Tiếng Anh với đầy đủ máy chiếu và 44 cabin học tập.
Ngoài ra, trường cũng phối hợp với các tổ chức, cá nhân để tổ chức các lớp bồi dưỡng Tiếng Anh cho giáo viên và trang bị thêm tài liệu, thiết bị học hiện đại. Với sự nỗ lực không ngừng của cả thầy và trò, nhiều năm liên tiếp, trong cuộc thi Học sinh Giỏi cấp huyện, Trường THCS Tân Phú luôn có thành tích đứng đầu toàn huyện".
Dạy tiếng Anh cho học sinh DTTS là một nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy ý nghĩa. Khó cũng phải vừa dạy vừa gỡ, bởi đó là yêu cầu của đổi mới, hội nhập và phát triển. Để có thể nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh, ngành giáo dục cần đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất, tạo môi trường học tập thuận lợi.
Phương pháp giảng dạy cũng cần chú trọng phát triển năng lực và kỹ năng giao tiếp, thay vì chỉ tập trung vào kiến thức lý thuyết, từ đó tạo động lực và hứng thú cho học sinh DTTS trong việc học tiếng Anh.
Bảo Thoa