Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường: Tạo môi trường sử dụng liên tục

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường: Tạo môi trường sử dụng liên tục
7 giờ trướcBài gốc
Giờ học tiếng Anh tại Trường Tiểu học Vạn Thắng (Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: NTCC
Khẳng định sự cần thiết, ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng Đề án quốc gia nhằm đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên chia sẻ nguyện vọng, giải pháp trong xây dựng cũng như triển khai Đề án này.
Cô Lê Thị Trường - giáo viên Trường Tiểu học Vạn Thắng (Ba Vì, Hà Nội): Cơ hội nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh
Cô Lê Thị Trường.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thông thạo tiếng Anh không chỉ là lợi thế mà còn trở thành yêu cầu thiết yếu đối với thế hệ trẻ. Đề án đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là bước đi chiến lược, nhằm tạo ra môi trường sử dụng tiếng Anh thường xuyên, thực chất, giúp học sinh hình thành thói quen, năng lực sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, học tập và cuộc sống.
Đề án này không chỉ giúp học sinh tiếp cận tri thức toàn cầu còn góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh một cách toàn diện, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa năng lực tiếng Anh của học sinh Việt Nam với các nước trong khu vực.
Với việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, triển khai Đề án tạo môi trường học tập ngoại ngữ thực chất hơn. Học sinh được tiếp xúc, sử dụng tiếng Anh không chỉ trong tiết học mà còn nhiều hoạt động khác của nhà trường (sinh hoạt dưới cờ, các chương trình văn nghệ, tiết sinh hoạt theo chủ điểm của lớp, thi viết báo tường bằng tiếng Anh, cuộc thi tiếng Anh các cấp...).
Đồng thời, thúc đẩy đổi mới trong phương pháp giảng dạy. Giáo viên được khuyến khích đổi mới cách dạy, lồng ghép tiếng Anh vào các môn học khác, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào tiết dạy. Thầy cô có cơ hội phát triển nghề nghiệp và thêm động lực nâng cao trình độ, kỹ năng sư phạm, năng lực sử dụng tiếng Anh trong các bối cảnh khác nhau.
Với học sinh, triển khai Đề án giúp các em có khả năng sử dụng tiếng Anh trong học tập, nghiên cứu và giao tiếp, tạo nền tảng cho việc du học, làm việc môi trường quốc tế. Đặc biệt, với học sinh tiểu học, tỷ lệ đạt bậc A1 sẽ cao hơn nếu trường học thực hiện Đề án.
Tuy nhiên, triển khai Đề án cũng sẽ gặp phải những khó khăn, như chênh lệch trình độ giữa học sinh các vùng, cơ sở vật chất còn hạn chế, giáo viên thiếu môi trường giao tiếp tiếng Anh,… Từ khó khăn trong thực tiễn, tôi đề xuất một số giải pháp sau:
Xây dựng môi trường học tập sử dụng tiếng Anh hằng ngày: Lồng ghép tiếng Anh vào các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt chủ điểm, bảng tin, phát thanh măng non, giờ hoạt động tập thể, cảnh quan nhà trường được trang trí bằng tiếng Anh…
Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng giáo viên: Tổ chức các lớp nâng cao năng lực chuyên môn, phương pháp dạy học tích hợp và năng lực giao tiếp tiếng Anh cho giáo viên.
Ứng dụng công nghệ thông tin: Sử dụng phần mềm học tiếng Anh, tài liệu số, dạy học qua các nền tảng trực tuyến để hỗ trợ học sinh và giáo viên.
Tăng cường hợp tác quốc tế: Mời chuyên gia, tình nguyện viên nước ngoài, giáo viên bản ngữ đến giảng dạy hoặc hỗ trợ sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh.
Xây dựng mô hình điểm: Các trường có điều kiện hơn nên làm mô hình mẫu để nhân rộng ra toàn địa bàn.
Tăng cường truyền thông tới phụ huynh học sinh về sự cần thiết và lợi ích của đề án.
Tôi mong rằng, Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT sẽ có định hướng cụ thể về lộ trình triển khai, tiêu chí đánh giá, tài liệu hướng dẫn thực hiện Đề án phù hợp với từng vùng miền; có chính sách hỗ trợ cho giáo viên tiếng Anh về chế độ, cơ hội bồi dưỡng nâng cao trình độ; trang thiết bị dạy học, phòng học ngoại ngữ, học liệu số… sẽ được đầu tư hơn nữa. Cùng đó, khuyến khích các địa phương phối hợp với tổ chức giáo dục trong và ngoài nước để có thêm nguồn lực hỗ trợ thực hiện Đề án.
Bà Ngô Vũ Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thực hành Sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội): Đầu tư cho giáo viên về vật chất, tinh thần
Bà Ngô Vũ Thu Hằng.
Giáo viên đóng vai trò chiến lược và quyết định trong việc thực hiện thành công Đề án dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai ở trường phổ thông. Để đạt mục tiêu đề ra, giáo viên cần được hỗ trợ và đầu tư cả về vật chất và tinh thần. Đặt mình vào vị trí giáo viên phổ thông, tôi cho rằng, thầy cô cần có những hỗ trợ cụ thể sau:
Thứ nhất: Được các cấp tạo điều kiện và cơ hội học tiếng Anh, từ đó có công cụ ngoại ngữ để dạy học. Không có ngoại ngữ, giáo viên không thể dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.
Hãy khuyến khích, có cơ chế, chính sách cho giáo viên đi học văn bằng hai tiếng Anh, giới thiệu các khóa học ngắn hạn bồi dưỡng tiếng Anh và dạy học bằng tiếng Anh cho giáo viên tham gia, đặc biệt các khóa học quốc tế dạng phi chính phủ (được tài trợ) và giáo viên có thể tham gia học miễn phí… Khơi gợi ý thức, tính chủ động, năng động và tích cực của giáo viên trong việc thực thi nhiệm vụ có tính sách lược này.
Thứ hai: Xây dựng, thiết kế sách giáo khoa song ngữ cho giáo viên. Năm 2014, Indonesia có sách giáo khoa song ngữ dùng ở trường công lập. Nhiều quốc gia tại Đông Nam Á đã thành công trong nâng cao phổ cập tiếng Anh và đông đảo người dân có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh.
Sách giáo khoa song ngữ (và sách giáo viên) là “công cụ lao động” đắc lực để giúp giáo viên bước đầu có thể dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai cho học sinh. Cần lưu ý cách tiếp cận giáo dục trong thiết kế sách giáo khoa để đảm bảo có hiệu quả trong sử dụng thực tế.
Thứ ba: Giới thiệu tài liệu, học liệu, chương trình được xây dựng bằng tiếng Anh cho giáo viên tham khảo, đặc biệt những học liệu điện tử và video có thể sử dụng được ngay. Tham khảo chương trình giáo dục bằng tiếng Anh của nước ngoài, nếu cần có thể mua và Việt hóa để phù hợp với bối cảnh, văn hóa, truyền thống đất nước…
Thứ tư: Tăng cường sinh hoạt chuyên môn và thi đua các cấp (cấp trường, cụm, thành phố…) thực hiện bài dạy sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai để giáo viên có cơ hội trải nghiệm, học hỏi lẫn nhau và vượt qua thách thức bản thân.
Thứ năm: Định hướng thái độ cởi mở trong đánh giá giáo viên, học sinh khi thực hiện các bài học bằng tiếng Anh; ghi nhận nhiều hơn là tìm lỗi trong các bài dạy. Đặc biệt, phải giúp giáo viên vượt qua hệ tâm lý có tính văn hóa của phương Đông: Sợ sai, thích chuẩn chỉnh. Không nên đòi hỏi quá cao về phát âm, đúng ngữ pháp khi nói của giáo viên, học sinh trong các giờ học sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Trước mắt, có thể ưu tiên vào giao tiếp nghe hiểu và từ vựng liên quan đến nội dung bài học (bên cạnh kiến thức, kỹ năng của môn học).
Thứ sáu: Đẩy mạnh vai trò môn Tiếng Anh trong nhà trường, cả về dung lượng và thời lượng, giúp học sinh có đủ nền tảng tiếng Anh với các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết để có thể giao tiếp được trong giờ học tiếng Anh. Khuyến khích tính tự chủ của nhà trường trong xây dựng chương trình giáo dục, ở đó chú ý hơn vị trí của môn Tiếng Anh - môn học vừa có tính mục đích và vừa có tính công cụ (giống như môn Tiếng Việt).
Thứ bảy: Khuyến khích tích hợp dạy học bằng tiếng Anh trong các giờ học bộ môn đi theo từng bước nhỏ: Tích hợp một phần, bán phần, dần dần tích hợp toàn phần - phù hợp với sự tiến bộ của giáo viên trong khả năng sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai để dạy học. Tránh yêu cầu ngay quá cao đối với giáo viên mà trở thành quá tải, quá sức và làm thui chột sự tự tin.
Thứ tám: Tăng cường hoạt động giao lưu, trao đổi giáo dục với trường, chuyên gia nói tiếng Anh. Tạo cơ hội giao lưu quốc tế, từ đó nâng cao năng lực tiếng Anh cho giáo viên và học sinh một cách tự nhiên. Không phải học trên lớp mới là bài học. Những hoạt động giao lưu cởi mở, phi nghi thức, không có tính bài bản chặt chẽ nhưng đẩy mạnh tương tác đa chiều lại là những “giờ học” hết sức thú vị, sinh động cho cả giáo viên và học sinh.
Cuối cùng, có kế hoạch và đầu tư kinh phí cho hoạt động yêu cầu giáo viên dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai.
PGS.TS Nguyễn Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Hóa (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế): Tăng cường giao lưu quốc tế
PGS.TS Nguyễn Thị Thủy.
Chia sẻ ý kiến được tập hợp từ các giáo viên dạy tiếng Anh Trường THPT Thuận Hóa, PGS.TS Nguyễn Thị Thủy, cho rằng: Đề án đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, giúp học sinh nâng cao khả năng giao tiếp và phát triển nghề nghiệp.
Đề án tạo ra cơ hội cải thiện chất lượng giảng dạy, thúc đẩy phương pháp học tập sáng tạo, hiệu quả. Các giáo viên có thể nâng cao năng lực chuyên môn, học hỏi phương pháp giảng dạy mới từ nền giáo dục tiên tiến, đồng thời tạo ra môi trường học tập thân thiện, khuyến khích học sinh học tiếng Anh.
Để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, ngoài các giải pháp liên quan đến cơ chế tầm vĩ mô từ Nhà nước, có thể quan tâm đến một số giải pháp cụ thể phù hợp cho các nhà trường như sau:
Đầu tiên cần nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên tiếng Anh thích ứng bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục. Đội ngũ giáo viên nên được bồi dưỡng thường xuyên, tiếp cận với các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực để tạo môi trường học tập thân thiện, khuyến khích học sinh học tiếng Anh một cách hứng thú. Trong các giờ học tiếng Anh phải giao tiếp tiếng Anh kể cả giảng bài hoặc tương tác giữa giáo viên - học sinh, học sinh - học sinh.
Đồng thời, tăng cường giao lưu quốc tế; trong đó chú trọng các chương trình giao lưu văn hóa, học thuật, hội thảo, trao đổi học sinh. Việc này không chỉ giúp nâng cao chất lượng dạy học mà còn tạo ra môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh.
Tiếp đến, quan tâm tạo môi trường học tập tích cực, khuyến khích học sinh tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh qua các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ tiếng Anh, hoạt động trải nghiệm phù hợp với điều kiện của đơn vị và địa phương để phát triển khả năng nói tiếng Anh một cách tự nhiên cho học sinh. Một số môn học khác (Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học) nên được giảng dạy bằng tiếng Anh. Có thể thí điểm đối với một số nhà trường ở vùng phát triển (thị trấn, thành phố), sau đó nhân rộng.
Việc kiểm tra và tuyển sinh cũng nên theo ngôn ngữ giảng dạy của môn học đó. Nếu môn học được dạy bằng tiếng Anh đồng nghĩa việc các bài kiểm tra và thi nên được thực hiện bằng tiếng Anh. Cuối cùng, cần cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập bằng tiếng Anh.
Hiếu Nguyễn (ghi)
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/dua-tieng-anh-thanh-ngon-ngu-thu-2-trong-truong-tao-moi-truong-su-dung-lien-tuc-post730701.html