Đưa Tin học vào tổ hợp xét tuyển ĐH, ngành Công nghệ thông tin sẽ có thuận lợi

Đưa Tin học vào tổ hợp xét tuyển ĐH, ngành Công nghệ thông tin sẽ có thuận lợi
4 giờ trướcBài gốc
Năm 2025, môn Tin học lần đầu tiên được đưa vào môn tự chọn trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Đưa môn Tin học vào tổ hợp xét tuyển đại học sẽ tạo ra thay đổi tích cực
Với vai trò là Chủ biên chương trình môn Tin học của chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Hồ Sĩ Đàm cho rằng, khi tổ hợp xét tuyển đại học có môn Tin học sẽ tạo ra nhiều thay đổi tích cực.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Đàm chia sẻ: “Tin học được đưa vào môn tự chọn trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 là một dấu mốc quan trọng. Điều này thể hiện về vai trò, tầm quan trọng của năng lực tin học trong phát triển nguồn nhân lực thời kì công nghệ số”.
Là người gắn bó với môn Tin học ở phổ thông từ những năm 1980, khi Việt Nam còn chưa có giáo viên dạy môn Tin học, cũng chưa trường phổ thông nào có máy tính, Nhà giáo Nhân dân Hồ Sĩ Đàm không khỏi cảm thán: “Môn Tin học có lẽ là bộ môn có “số phận” gian truân nhất. Ai cũng thích, cũng cho rằng Tin học cần thiết, nhưng để triển khai, lại có vô vàn vấn đề khó khăn. Dù có nhiều chủ trương thúc đẩy môn Tin học nhưng thực tế vẫn có trường “xem nhẹ” bộ môn này”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Đàm - Chủ biên chương trình môn Tin học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Xuân Trung.
Thầy Đàm phân tích: “Môn Tin học vốn được xem là môn học chủ đạo trong thời đại công nghệ số nhưng lâu nay không đưa vào bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông, không có trong tổ hợp xét tuyển đại học... dẫn đến việc dạy và học môn này chưa thực sự được nhà trường, các cấp quản lý coi trọng, nên ít đầu tư, không có nhiều cơ hội phát triển, khiến chất lượng dạy và học rất thấp.
Khi đưa môn Tin học vào kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông như các môn học khác, sẽ tạo ra rất nhiều sự đổi khác trong việc dạy và học Tin học".
Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Đăng Hưng, Trưởng bộ môn Hệ thống thông tin, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội bày tỏ, việc đưa môn Tin học vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ có những tác động sâu rộng đến việc học tập và giảng dạy môn học này ở bậc phổ thông. Trước hết, sự thay đổi này sẽ thúc đẩy học sinh quan tâm và chú trọng hơn đến môn Tin học so với trước đây.
Một khi môn học này trở thành môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp sẽ giúp những em có đam mê và năng khiếu với môn Tin học có cơ hội để phát huy được nhiều hơn. Điều này giúp các em chuẩn bị được nền tảng kiến thức cho việc học đại học và thậm chí là chuẩn bị cho nghề nghiệp sau này.
Bên cạnh đó, đối với đội ngũ giáo viên Tin học, đây cũng là cơ hội để họ thay đổi. Thực tế trước đây môn Tin học trong trường phổ thông chưa thực sự được coi trọng, nên giáo viên môn học này cũng không có nhiều động lực để cập nhật kiến thức và đổi mới phương pháp dạy học. Việc đưa môn Tin học vào thi tốt nghiệp sẽ là cú hích để đội ngũ giáo viên Tin học tự thay đổi và cập nhật kiến thức hiện đại.
Ngoài ra, việc đưa Tin học vào kỳ thi còn có tác động lớn đến các trường học và hệ thống giáo dục. Để đảm bảo chất lượng giảng dạy, các trường học sẽ cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trang bị máy tính và phần mềm cần thiết để hỗ trợ việc dạy học. Điều này có thể tạo điều kiện để các trường nâng cao chất lượng giáo dục và thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số trong giáo dục.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Hưng, Trưởng bộ môn Hệ thống thông tin, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: NVCC.
"Một tác động quan trọng khác là nâng cao nhận thức về vai trò của Tin học và Công nghệ thông tin trong xã hội hiện nay. Khi học sinh phổ thông nắm vững các kiến thức tin học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, họ sẽ có kiến thức và kỹ năng công nghệ thông tin để tiếp cận công việc trong các ngành nghề khác nhau trong tương lai. Điều này sẽ góp phần vào việc xây dựng một lực lượng lao động có năng lực số đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong thời đại công nghiệp 4.0.
Việc đưa môn Tin học vào kỳ thi tốt nghiệp còn giúp học sinh nhận thức rõ hơn về an toàn thông tin và các nguyên tắc đạo đức khi giao tiếp trong môi trường số. Học sinh sẽ có kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ thông tin cá nhân và tuân thủ các quy định về bảo mật.
Nhìn chung, đây là một bước đi phù hợp và cần thiết, không chỉ giúp cải thiện chất lượng dạy và học môn Tin học mà còn đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội trong việc chuẩn bị lực lượng lao động sẵn sàng cho kỷ nguyên số" - thầy Hưng cho hay.
Tiến sĩ Phạm Xuân Lâm - Phụ trách Khoa Công nghệ thông tin, Trường Công nghệ (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết: "Khi môn Tin học trở thành một phần không thể thiếu trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong hệ thống giáo dục. Các trường học sẽ phải chú trọng hơn đến việc giảng dạy Tin học, từ việc cải thiện nội dung chương trình học đến đào tạo đội ngũ giáo viên có đủ năng lực để giảng dạy môn này.
Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển về cơ sở hạ tầng công nghệ trong các trường học, từ việc trang bị máy tính, phần mềm, đến việc nâng cấp kết nối internet, đảm bảo học sinh có thể tiếp cận và học tập một cách hiệu quả".
Tiến sĩ Phạm Xuân Lâm - Phụ trách khoa Công nghệ thông tin, Trường Công nghệ (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân). Ảnh: neu.edu.vn.
Theo thầy Lâm, Tin học không chỉ là một môn học hay một môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp mà thực tế, đó là một công cụ quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống và công việc hiện đại.
Trong kỷ nguyên số, công nghệ thông tin đã trở thành yếu tố nền tảng, hỗ trợ và nâng cao năng suất trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế, y tế, giáo dục cho đến các ngành công nghiệp, giải trí, truyền thông. Chính vì thế, dù cho sau này học sinh theo đuổi ngành nghề gì, kiến thức về Tin học vẫn sẽ vô cùng quan trọng và là một yêu cầu không thể thiếu.
Mọi ngành nghề trong tương lai đều sẽ có sự gắn liền với công nghệ. Ví dụ, trong ngành y tế, các bác sĩ sẽ cần biết cách sử dụng phần mềm quản lý bệnh nhân, trong khi kỹ thuật viên sẽ phải làm việc với các hệ thống máy móc hiện đại và dữ liệu số.
Trong lĩnh vực kinh doanh, mọi quyết định, từ việc phân tích dữ liệu khách hàng đến việc quản lý sản xuất, đều phụ thuộc vào khả năng sử dụng các phần mềm công nghệ thông tin. Đặc biệt, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, học máy, và tự động hóa sẽ càng làm tăng nhu cầu về kỹ năng Tin học trong tất cả các ngành nghề.
Hơn nữa, việc học Tin học ngay từ khi còn ở cấp trung học sẽ giúp học sinh phát triển tư duy logic, khả năng giải quyết vấn đề, và sáng tạo. Đây là những kỹ năng quan trọng không chỉ trong học tập mà còn trong công việc sau này.
Thực tế cho thấy, những người có nền tảng vững vàng về Tin học sẽ có lợi thế lớn trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm, bởi họ có thể làm việc hiệu quả hơn và nhanh chóng thích nghi với những thay đổi trong công nghệ.
Theo thầy Đàm, có thể trong năm đầu tiên, học sinh chưa có đầy đủ thông tin, ngại chọn môn Tin học để thi vì sợ điểm không cao, nên số lượng học sinh lựa chọn môn học này chưa nhiều.
"Tuy nhiên, sau khi có những trường đại học đưa môn Tin học vào tổ hợp xét tuyển, chắc chắn số thí sinh chọn môn Tin học trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ tăng cao theo từng năm” - thầy Đàm chia sẻ.
Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Đăng Hưng cũng bày tỏ: "Tôi cho rằng các trường đại học có đào tạo ngành liên quan đến Công nghệ thông tin sẽ cân nhắc để đưa các tổ hợp có môn Tin học vào đề án tuyển sinh năm 2025. Khi đó sẽ tạo điều kiện cho các em học giỏi môn Tin học có nhiều cơ hội để vào các trường đào tạo Công nghệ thông tin chất lượng cao.
Các em có thể dành thời gian để học tập và tích lũy kiến thức Tin học để chuẩn bị sẵn sàng cho việc học đại học ngành Công nghệ thông tin thay vì phải học sâu các môn ít liên quan hơn như trước đây.
Cuối cùng, theo tôi quyết định này góp phần nâng cao chất lượng tổng thể của ngành Công nghệ thông tin tại các trường đại học. Với đầu vào được đảm bảo về kiến thức và kỹ năng Tin học, các trường có thể điều chỉnh chương trình đào tạo để lược bỏ các nội dung kiến thức cơ bản học sinh đã được học ở phổ thông và tập trung hơn vào kiến thức chuyên môn sâu.
Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng đầu ra của sinh viên ngành Công nghệ thông tin mà còn góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động trong bối cảnh hiện nay".
Học sinh không cần học thêm các tài liệu không chính thống
Thầy Trần Đăng Hưng chia sẻ, môn Tin học là môn khá đặc thù khi hình thành đồng thời kiến thức và kỹ năng cho học sinh, trong đó có kỹ năng sử dụng các thiết bị kỹ thuật số và kỹ năng giải quyết vấn đề bằng máy tính.
Tuy nhiên, cũng giống như hầu hết các môn học khác, theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn Tin học cũng sẽ được thi tốt nghiệp dưới hình thức thi trắc nghiệm với hàm lượng kiến thức chủ yếu trong sách giáo khoa.
Ngoài việc học lý thuyết, các em cần tận dụng trang thiết bị của nhà trường và gia đình để thực hành, thực hành càng thành thạo càng tốt. Bên cạnh đó, sở thích và đam mê với Tin học cũng là một điều rất quan trọng, có đam mê mới có được sự kiên trì để rèn luyện kỹ năng Tin học.
Bên cạnh đó, các em cần thường xuyên cập nhật các thông tin về các xu hướng công nghệ trên thế giới, để kịp thời cập nhật các kiến thức mới nhất. Vì Công nghệ thông tin là lĩnh vực có sự thay đổi rất nhanh, nhất là những năm gần đây trí tuệ nhân tạo tạo sinh đã làm thay đổi rất nhiều cách sống, cách học tập và làm việc của con người.
Cuối cùng, sự tự tin là rất cần thiết, các bạn yêu thích môn Tin học và định hướng vào ngành Công nghệ thông tin nên sẵn sàng đăng kí tuyển sinh bằng tổ hợp có môn Tin học, điều này sẽ giúp các bạn thuận lợi rất nhiều trong quá trình học đại học.
Theo Nhà giáo Nhân dân Hồ Sĩ Đàm, để chuẩn bị tốt cho kì thi trung học phổ thông môn Tin học, học sinh cần tập trung vào 3 điều:
Thứ nhất, tìm hiểu kĩ lưỡng các văn bản hướng dẫn chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đề thi môn Tin học. Ví dụ, về nội dung thi, hình thức thi, dạng thức câu hỏi của đề thi, số lượng và thời gian làm bài. Làm thử đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Thứ hai, học tập nghiêm túc để đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông 2018, được thể hiện qua sách giáo khoa Tin học. Chú ý làm các bài tập đầy đủ, trước hết trong sách giáo khoa, sau đó lựa chọn thêm một số bài tập phù hợp trong sách bài tập để ôn luyện thêm. Học sinh hoàn toàn chủ động tự học, tự kiểm tra, đánh giá.
Thứ ba, nội dung thi hoàn toàn nằm trong chương trình, ở mức độ tinh giản, cơ bản phù hợp với học sinh phổ thông, không có bất cứ nội dung nào vượt ra ngoài phạm vi kiến thức, kĩ năng đã được quy định chính thức.
Do vậy, học sinh tránh bị chi phối nhiều, học thêm theo các tài liệu ôn thi không chính thống, không đảm bảo chất lượng.
Thầy Đàm cũng cho hay, hiện nay, trên thị trường, đang trôi nổi nhiều tài liệu dưới tiêu đề là hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bộ đề thi thử…
Các tài liệu này thường không rõ nguồn gốc, chưa qua thẩm định của cơ quan có thẩm quyền. Việc mở rộng nội dung, nâng cao độ khó đề thi một cách chủ quan là không có căn cứ. Giáo viên, học sinh, phụ huynh cần cẩn trọng, tránh áp lực phải ôn luyện, học quá nhiều kiến thức, kĩ năng nằm ngoài phạm vi yêu cầu.
“Hiện tại, chương trình Tin học chỉ yêu cầu học sinh chủ yếu là mức độ nhận biết, sau đó là mức thông hiểu, tỷ lệ bài tập yêu cầu về mức vận dụng, vận dụng cao khá thấp. Vì vậy, chỉ cần nắm chắc kiến thức, kĩ năng là hoàn toàn có thể thi đạt kết quả cao nhất” - thầy Đàm bày tỏ.
Trần Trang
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/dua-tin-hoc-vao-to-hop-xet-tuyen-dh-nganh-cong-nghe-thong-tin-se-co-thuan-loi-post245896.gd