Đưa TP Bắc Giang phát triển mạnh mẽ, đồng bộ hơn

Đưa TP Bắc Giang phát triển mạnh mẽ, đồng bộ hơn
12 giờ trướcBài gốc
Xin đồng chí cho biết, việc mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang hướng đến những mục tiêu dài hạn như thế nào?
Đồng chí Đặng Đình Hoan: Trước hết, việc nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng với TP Bắc Giang; sắp xếp đơn vị hành chính (SXĐVHC) cấp xã và thành lập các phường thuộc TP Bắc Giang là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và được tỉnh Bắc Giang cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 233 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc SXĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Đồng chí Đặng Đình Hoan, Chủ tịch UBND TP Bắc Giang.
Đây cũng là giải pháp để thực hiện các mục tiêu, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH và đô thị của tỉnh và TP Bắc Giang, tạo điều kiện tập trung các nguồn lực để quy hoạch, đầu tư mở rộng đô thị Bắc Giang theo hướng hiện đại; việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện nâng cao các tiêu chí của đô thị; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Đồng chí nhìn nhận ra sao về vận hội phát triển mới cho TP Bắc Giang mở rộng?
Đồng chí Đặng Đình Hoan: Đối với TP Bắc Giang, kể từ lần mở rộng địa giới hành chính sáp nhập 5 xã của huyện Yên Dũng và Lạng Giang vào năm 2010, sau 14 năm, với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng thì quy mô, không gian đô thị, các tiêu chuẩn về dân cư… hiện tại chưa phù hợp với các quy định của pháp luật và chức năng, vị trí, vai trò của TP trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Mặt khác, mô hình quản lý của chính quyền nông thôn hiện nay ở huyện Yên Dũng cũng bộc lộ những bất cập, làm hạn chế khả năng đột phá của địa phương.
Thi hành Nghị quyết số 1191/NQ-UBTVQH15 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sáp nhập được thực hiện trên cơ sở nhập nguyên trạng toàn bộ 191,74 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 177 nghìn người và 18 ĐVHC trực thuộc của huyện Yên Dũng vào TP Bắc Giang; đồng thời SXĐVHC cấp xã thuộc TP. Sau khi nhập và sắp xếp, TP có diện tích tự nhiên 258,29 km2, dân số hơn 371,1 nghìn người, với 31 ĐVHC (21 phường, 10 xã).
Việc nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng vào TP Bắc Giang thành một ĐVHC là phù hợp và hết sức cần thiết nhằm đến năm 2030 cơ bản hoàn thành mục tiêu SXĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; tạo tiền đề phát triển kinh tế đô thị Bắc Giang một cách mạnh mẽ và đồng bộ hơn, tiếp tục khẳng định vị trí “đầu tàu” trong việc thúc đẩy KT-XH của tỉnh cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, hướng đến đô thị loại I, là TP xanh, đáng sống.
Sau sáp nhập, mô hình, cấu trúc cũng như không gian phát triển đô thị của TP sẽ thay đổi. Đồng chí có thể chia sẻ về vấn đề này?
Đồng chí Đặng Đình Hoan: Theo Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Bắc Giang nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh và là nơi giao thoa giữa các trục phát triển kinh tế nội vùng, thông qua 5 cửa ngõ. Mô hình cấu trúc đô thị được phân bố thành 3 trung tâm bao gồm: Khu vực lõi TP Bắc Giang hiện hữu; khu vực thị trấn Tân An và khu vực thị trấn Nham Biền tạo thành 3 cực phát triển, kết nối thông qua các hành lang giao thông, tuyến đường vành đai. Không gian đô thị được định hướng thành 4 phân vùng kiến trúc, cảnh quan là: Phân vùng đô thị hiện hữu và cải tạo; phân vùng đô thị phát triển mới; phân vùng đô thị - dịch vụ - công nghiệp; phân vùng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa tín ngưỡng.
Đường dẫn và cầu vượt cao tốc từ Khu đô thị phía Tây sang Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng,Trung tâm Logistics Quốc tế TP Bắc Giang.
Sau khi sáp nhập, hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng mở rộng và chất lượng, kết nối vùng, tỉnh phong phú như cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; Vành đai 5; đường sắt quốc gia và đường sắt nội vùng, đường thủy. Đặc biệt, TP Bắc Giang có 3 con sông: Sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam, việc khai thác giá trị cảnh quan hai bờ sông sẽ làm gia tăng giá trị đất đai, hấp dẫn các nhà đầu tư và tạo sức hút đô thị mới mạnh mẽ.
Cùng với đó, TP Bắc Giang có điều kiện thuận lợi để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiêu chí đô thị loại I; tổ chức lại các phân khu chức năng một cách hợp lý theo quy hoạch được duyệt; tạo động lực hơn nữa cho việc thúc đẩy phát triển KT-XH, phát huy vai trò là trung tâm động lực phát triển của tỉnh Bắc Giang, khu vực Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.
Định hướng phát triển đô thị xanh - thông minh trước đây có thay đổi gì sau khi mở rộng địa giới hành chính TP Bắc Giang, thưa đồng chí?
Đồng chí Đặng Đình Hoan: Sau khi địa giới hành chính được mở rộng, TP Bắc Giang tiếp tục đầu tư, phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh - thông minh; đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện tiêu chuẩn đô thị loại I và được công nhận trước năm 2030 đã được đề ra theo định hướng tại Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 156-NQ/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP Bắc Giang giai đoạn 2021-2030. Trong đó có những thuận lợi như:
Với đô thị xanh, không gian đô thị được mở rộng giúp phát triển mạng lưới không gian xanh đô thị gắn với chiến lược phát triển ba dòng sông (sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam). Hình thành tuyến hành lang sinh thái dọc hai bên bờ sông Thương và núi Nham Biền được tạo lập từ cảnh quan sinh thái tự nhiên gắn với bảo tồn các không gian văn hóa, lịch sử, làng xóm hiện có; các công viên sinh thái bán ngập tại các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, giảm thiểu tác động đến môi trường, tạo sự đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái và tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với đô thị thông minh, TP sẽ tiếp tục duy trì, phát triển Trung tâm điều hành đô thị thông minh phục vụ chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước trên địa bàn và công tác chỉ đạo điều hành. Đầu tư, nâng cấp hệ thống mạng LAN của các phường, xã sau sáp nhập, kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh; rà soát, nâng cao chất lượng hệ thống họp trực tuyến từ TP đến phường, xã. Đồng thời, duy trì, kết nối, sử dụng hiệu quả hệ thống camera theo dõi, giám sát (tại TP hiện hữu và khu vực mở rộng) để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng số, nền tảng số, phần mềm và ứng dụng công nghệ thông tin để tạo lập, phát triển dữ liệu số tạo tiền đề phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, gắn với cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền và chất lượng dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng còn có khó khăn nhất định như kỹ năng số của người dân chưa cao, nhất là tại khu vực các xã sau sáp nhập. Kinh phí đầu tư cho đô thị thông minh đòi hỏi nguồn tài chính lớn. Nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu.
Khi mở rộng địa giới hành chính, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ giải quyết các vấn đề đặt ra như thế nào để tập trung xây dựng, phát triển TP trở thành đô thị loại I theo lộ trình đề ra?
Đồng chí Đặng Đình Hoan: Bên cạnh các tác động tích cực và thuận lợi nêu trên, nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng vào TP Bắc Giang và thành lập 13 phường thuộc TP Bắc Giang mở rộng là việc nâng cấp từ mô hình nông thôn lên mô hình đô thị sẽ kèm theo nhiều thách thức và khó khăn nhất định, nhất là TP đang trong giai đoạn chuyển động mạnh theo hướng đô thị hóa, quy mô đô thị lớn hơn, các hoạt động của đô thị, những vấn đề về dân sinh và xã hội sẽ phức tạp hơn; nhu cầu vốn đầu tư cao hơn; công tác quản lý nhà nước về mọi mặt cũng phức tạp hơn.
Chính vì vậy, ngay từ khi Nghị quyết số 1191 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành, Thành ủy, UBND TP Bắc Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là việc bố trí vị trí việc làm, tinh giản biên chế. Bám sát địa bàn khu vực sáp nhập, đặc biệt quan tâm tới công tác quản lý sử dụng đất đai, quản lý tài sản công, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời xây dựng bổ sung và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch, phương hướng nhiệm vụ KT-XH, an ninh quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể trong thời gian tới, bảo đảm sự phát triển cân đối, hài hòa giữa các khu vực cũ và mới sáp nhập; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tiếp đó sẽ tiến hành rà soát, đánh giá lại một cách tổng thể các tiêu chí của đô thị loại II, trên cơ sở đó đề ra mục tiêu, giải pháp cụ thể và lộ trình thực hiện trong giai đoạn tới, nhất là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị bảo đảm kết nối giữa 2 khu vực địa giới cũ và mới, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng mới sáp nhập; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án khu đô thị, khu dân cư để đón nhận và thu hút đầu tư, phục vụ thực hiện các dự án. Đồng thời quan tâm phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, có thế mạnh (như dịch vụ chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng), gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị; củng cố và bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh.
Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh; sự phối hợp hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các địa phương bạn, trong đó có vai trò đồng hành của các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương trong quảng bá, giới thiệu, tuyên truyền về bước phát triển mới của TP, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn để xây dựng TP Bắc Giang trở thành đô thị loại I (TP trực thuộc tỉnh) vào trước năm 2030.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí !
Kim Hiếu (thực hiện)
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/dua-tp-bac-giang-phat-trien-manh-me-dong-bo-hon-postid410345.bbg