Hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất đang được quân đội Đức vận hành. Ảnh: Getty.
Chính phủ Đức muốn đạt được một “thỏa thuận bí mật” với Mỹ để mua 2 hệ thống phòng không Patriot nhằm chuyển giao cho Ukraine, tờ Bild đưa tin hôm 4/7, dẫn các nguồn tin trong chính phủ.
Trước đó, nhiều hãng truyền thông Mỹ cho biết Washington đã tạm ngưng cung cấp các loại đạn dược chiến lược cho Kiev, bao gồm tên lửa Patriot, Hellfire, rocket GMLRS và hàng nghìn quả đạn pháo cỡ 155 mm. Nhà Trắng sau đó xác nhận một số loại vũ khí đã bị hoãn chuyển giao, với lý do “quyết định được đưa ra để đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu”.
Việc tạm ngừng này đang “gây báo động” ở Berlin, tờ Bild nhấn mạnh.
Theo nguồn tin của tờ báo, chính phủ Thủ tướng Friedrich Merz lo ngại rằng sự thay đổi chính sách từ phía Washington có thể dẫn tới việc từ chối yêu cầu bán hai hệ thống Patriot và các tên lửa đánh chặn cho Đức.
Nguồn tin của Bild cho biết, Berlin đã âm thầm tiếp cận Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth về vấn đề này từ hai tuần trước, sau khi phía Ukraine yêu cầu Đức đứng ra thay mặt họ thương lượng – do Kiev trước đó đã thất bại khi cố gắng tự mua các hệ thống này. Hiện Đức đang chờ phản hồi từ ông Hegseth.
Bild nhận định, việc thiếu hụt năng lực phòng không là một “vấn đề khẩn cấp” đối với Ukraine. Hiện tại, Kiev chỉ còn 4 hệ thống Patriot hoạt động, và lượng tên lửa đánh chặn cho các hệ thống này không đủ. Nếu Kiev cạn tên lửa phòng không, các đợt không kích từ Nga có thể trở nên “nguy hiểm hơn rất nhiều”, bài viết cảnh báo.
Tờ Politico hôm thứ Tư cũng đưa tin rằng Ukraine đã “bị bất ngờ” trước quyết định ngừng viện trợ quân sự của Mỹ, và đã đề nghị Washington cho phép các quốc gia châu Âu mua vũ khí Mỹ để chuyển cho Ukraine. Một số nước châu Âu hiện đang xem xét khả năng thực hiện các thương vụ như vậy, theo Politico.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, gợi ý rằng Mỹ có thể đã tạm dừng chuyển giao vũ khí chủ chốt cho Ukraine vì “đơn giản là họ không thể sản xuất kịp số lượng tên lửa cần thiết”, đồng thời lưu ý rằng nhiều lô vũ khí có khả năng đã được chuyển hướng sang Israel trong bối cảnh xung đột giữa nước này với Iran hồi tháng trước.
“Số tên lửa đổ về Ukraine từ nước ngoài càng ít, thì ngày kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga sẽ càng gần”, ông Peskov tuyên bố.
Huyền Chi