Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Đức)
Đức đã đề xuất mua các hệ thống Patriot của Mỹ nhằm cung cấp cho Ukraine trong vài tuần gần đây.
Phát biểu tại Washington, ông Pistorius cho biết những cuộc đàm phán sẽ tiếp tục ở cấp chuyên viên để hoàn thiện các chi tiết bao gồm số lượng bệ phóng và tên lửa được đưa vào thỏa thuận.
Nếu đạt được thỏa thuận, hệ thống Patriot đầu tiên có thể được chuyển tới Ukraine trong vài tháng tới. Bộ trưởng Pistorius từ chối bình luận về việc liệu cuộc đàm phán có bao gồm cả vũ khí tấn công cho Kiev hay không.
Đức đã viện trợ cho Ukraine 3 hệ thống Patriot của mình và hiện chỉ còn lại 9 hệ thống - ít hơn nhiều so với con số 36 hệ thống mà nước này sở hữu vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Đặc biệt, khi giới chức châu Âu lo ngại về khả năng bị Nga tấn công trong tương lai và chuẩn bị tinh thần cho việc Mỹ có thể giảm hiện diện quân sự, Đức đã nới lỏng “phanh nợ” trong hiến pháp nhằm đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng mới của NATO, tương đương 3,5% GDP vào năm 2029.
Động thái này sẽ nâng ngân sách quốc phòng của Đức lên 162 tỷ Euro (189 tỷ USD) vào năm 2029, so với 95 tỷ Euro trong dự thảo ngân sách năm 2025.
Cũng theo ông Pistorius, Berlin đã gửi thư đề nghị tới Washington để mua hệ thống phóng tên lửa Typhon của Mỹ, và quyết định đặt hàng sẽ được đưa ra sau.
Ông mô tả hệ thống này như một giải pháp tạm thời trong khi các đối tác châu Âu đang phát triển hệ thống vũ khí tầm xa mặt đất của riêng mình.
“Cùng với Anh và các đối tác khác, chúng tôi đang phát triển các hệ thống tầm xa mặt đất, nhưng sẽ mất từ 7 đến 10 năm. Vì vậy chúng tôi cần một giải pháp lấp chỗ trống”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Pistorius cho biết vẫn chưa nhận được xác nhận rõ ràng về việc Washington có còn cam kết triển khai tạm thời các hệ thống tên lửa tầm xa tới Berlin từ năm 2026 như đã được thống nhất dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden hay không.
“Tôi tin tưởng rằng thỏa thuận năm 2024 vẫn còn hiệu lực song chúng tôi vẫn đang chờ quyết định cuối cùng", ông nói thêm.
Kế hoạch này bao gồm các hệ thống như tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 1.800 km và Dark Eagle - vũ khí siêu vượt âm đang được phát triển, với tầm bắn khoảng 3.000 km.
Trong khi đó, Nga đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch này, gọi đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và bác bỏ lo ngại của NATO rằng Moscow có thể tấn công một thành viên của liên minh.
(theo Al Arabiya)
Ngọc Anh