Các nghị sĩ dự kiến sẽ ủng hộ ông Merz làm thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, sau khi đảng bảo thủ CDU/CSU của ông đạt được thỏa thuận thành lập liên minh với đảng Dân chủ Xã hội trung tả.
Ông Merz đang chịu áp lực phải hành động mạnh mẽ hơn sau khi chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ vào tháng 11 năm ngoái, tạo nên một khoảng trống chính trị giữa trung tâm châu Âu vào thời điểm châu lục phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc.
Thủ tướng kế nhiệm Đức Friedrich Merz. (Ảnh: Reuters)
"Mọi thứ hỗ trợ nước Đức trong 8 thập kỷ sau chiến tranh giờ không còn nữa, nhất là vấn đề về thị trường mở và thương mại tự do, hay sự hiện diện an ninh của Mỹ tại châu Âu", nhà nghiên cứu Sudha David-Wilp tại Quỹ Marshall Đức tại Mỹ đánh giá.
Cuộc chiến thương mại toàn cầu nổ ra do chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump càng gây thêm khó khăn cho nền kinh tế Đức sau 3 năm suy thoái. Trong mấy năm qua, Đức phải nỗ lực đối phó với bài toán chuyển hướng khỏi nguồn khí đốt giá rẻ của Nga và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Trump dọa sẽ không hỗ trợ các thành viên khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khiến các nhà lãnh đạo châu Âu cảm thấy họ buộc phải nâng cao khả năng phòng vệ để giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ.
Dù là một chính trị gia kỳ cựu, bắt đầu sự nghiệp với tư cách nghị sĩ châu Âu vào những năm 1980, ông Merz vẫn phải chứng minh năng lực của mình vì chưa bao giờ giữ chức vụ trong chính phủ. Sau khi thua bà Angela Merkel năm 2002, ông làm việc trong khu vực tư nhân hơn 1 thập kỷ rồi mới trở lại chính trường.
Ông là một luật sư Công giáo giàu có ở Tây Đức và là một phi công nghiệp dư. Trong khi bà Merkel được đánh giá là người thực dụng và điềm tĩnh, đã đưa phe bảo thủ đi theo hướng trung dung, ông Merz đi theo chủ nghĩa tự do kinh tế và đưa phe này nghiêng về cánh hữu.
Ông từng bị chỉ trích vì đã hợp tác với đảng Alternative for Germany (AfD) để dự luật chống nhập cư được thông qua tại quốc hội, phá vỡ điều cấm kỵ về hợp tác với phe cực hữu.
Trong bối cảnh AfD dẫn đầu một số cuộc thăm dò gần đây, thách thức lớn đặt ra với chính phủ kế nhiệm rõ ràng là phải khôi phục lại niềm tin của dân chúng vào hệ thống chính trị của Đức. Nếu không, AfD sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ hơn trong cuộc bầu cử tiếp theo và có thể trở thành một phần của bất kỳ chính phủ tiếp theo nào, các nhà phân tích nhận định.
Tú Linh
Theo Reuters