Đức có khả năng thay Mỹ ngăn chặn Nga tại Ukraine hay không?

Đức có khả năng thay Mỹ ngăn chặn Nga tại Ukraine hay không?
8 giờ trướcBài gốc
Khả năng cao CDU lên nắm quyền tại Đức, đẩy mạnh hỗ trợ Ukraine
Chính trị gia Friedrich Merz nhiều khả năng sẽ trở thành tân lãnh đạo Đức sau cuộc bầu cử ngày 23/2/2025. Loại trừ tình huống đột biến, Liên minh Dân chủ Kitô giáo (CDU) do ông Merz đứng đầu sẽ trở thành chính đảng lớn nhất sau bầu cử Đức ngày 23/2, còn đảng “Sự lựa chọn thay thế cho Đức” (AfD) dự kiến sẽ về thứ nhì. Với kết quả như vậy, ông Merz sẽ trở thành tân thủ tướng Đức, thay thế ông Scholz.
Chính trị gia Đức Friedrich Merz của đảng CDU. Ảnh: Foreign Policy.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh châu Âu ở Paris vào ngày 17/2, Thủ tướng Scholz vẫn là người đại diện cho nước Đức. Nhưng các lãnh đạo nước ngoài ngày càng phớt lờ ông Scholz (lãnh đạo đảng Dân chủ xã hội Đức - SDP) vì tin rằng ông sẽ sớm rút khỏi chức vụ thủ tướng sau bầu cử Đức sắp tới. Phó Tổng thống Mỹ Vance thậm chí còn không gặp Thủ tướng Đức Scholz.
CDU và những chính đảng khác của Đức, đặc biệt là đảng trung tả cầm quyền Dân chủ xã hội (SPD) hiện nay và đảng Xanh, đã cam kết lập một bức tường lửa mà trong đó tất cả các bên đều loại trừ liên minh với đảng AfD cực hữu, như vậy sẽ tăng cơ hội đắc cử cho CDU trước AfD.
Ông Merz từng thua bà Merkel trong chiến dịch tranh cử lãnh đạo CDU. Nay ông trở lại chính trường Đức sau nhiều năm làm luật sư và nhà tài chính, với khả năng lớn sẽ trở thành người quyền lực nhất châu Âu (ngoài Nga).
Tại Hội nghị An ninh Munich vừa qua, ông Merz đã hành xử như thể là thủ tướng tương lai của Đức. Trong ban thảo luận, ông đã vạch ra cách mà nước Đức dưới sự lãnh đạo của ông có thể xử lý tình hình an ninh châu Âu - đối lập với hướng xử lý của Tổng thống Mỹ Trump (đó là tránh ủng hộ Ukraine trong xung đột với Nga).
Ông Merz nói với cử tọa hội nghị Munich: “Tôi nghe nói có tình trạng thiếu vai trò dẫn dắt của Đức bên trong Liên minh châu Âu. Tôi hoàn toàn đồng ý với những ai yêu cầu có thêm sự lãnh đạo từ phía Đức. Tôi chân thành sẵn lòng làm điều đó bởi vì nước Đức nằm ở vị trí chiến lược tại trung tâm châu Âu và có nhiều điều phụ thuộc vào Đức, do vậy chúng tôi phải đảm đương một vai trò mới”.
Tại Hội nghị Munich, ông Merz đã làm mọi thứ có thể để tỏ ra không nao núng trước việc Phó Tổng thống Mỹ JD Vance bất ngờ ủng hộ đảng AfD dân tộc chủ nghĩa tại Đức.
Dù sao tại Munich, ông Merz vẫn giữ thái độ ngoại giao. Còn trong cuộc tranh luận bầu cử Đức cuối cùng trên truyền hình vào tuần này, ông Merz phát biểu trực diện hơn nhiều: “Tôi sẽ không để cho Phó Tổng thống Mỹ bảo tôi phải nói chuyện với ai tại Đức. Tôi chấp nhận kết quả bầu cử Mỹ vào tháng 11 năm ngoái và tôi mong là chính phủ Mỹ sẽ làm điều tương tự với chúng tôi”.
Ông Merz cũng cho biết mình đã bày tỏ sự phản đối trước phát biểu của ông Vance khi hai người gặp mặt trực tiếp bên lề Hội nghi An ninh Munich.
Châu Âu trông cậy vào vai trò mới của cường quốc Đức hậu bầu cử
Hai tuần qua, sự rạn nứt đã gia tăng giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Trump và các đồng minh Mỹ tại châu Âu về Ukraine và về chính trị nội bộ châu Âu. Người ta đã đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về việc liệu Liên minh châu Âu có thể duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga, và nếu chiến tranh kết thúc, liệu EU có thể cung cấp quân gìn giữ hòa bình cho hoạt động giám sát thỏa thuận đình chiến hoặc hòa bình tại Ukraine hay không.
Trong bối cảnh ấy, Đức nhiều khả năng sẽ được châu Âu trông mong trở thành hòn đá tảng công nghiệp và chính trị nằm ở lõi của một châu Âu có khả năng tự vệ ngay cả khi sự ủng hộ của Mỹ dành cho họ giảm mạnh dưới thời Tổng thống Trump.
Liên quan đến vấn đề này, chính trị gia Merz nhận định: “Gờ đây cả một kỷ nguyên đã thay đổi. Nếu không lắng nghe tiếng gọi thức tỉnh, có lẽ tình thế sẽ quá trễ cho toàn bộ Liên minh châu Âu”.
Sức mạnh quốc phòng và vị trí trung tâm của Đức
Báo cáo “cán cân sức mạnh quân sự” do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, đặt trụ sở ở London) công bố hàng năm cho thấy Đức là quốc gia chi tiêu quốc phòng lớn thứ 4 thế giới. Đây là kết quả của việc Đức tăng ngân sách quốc phòng 23% kể từ năm 2023. Với con số này, Đức vượt qua tất cả các nước khác (ngoại trừ Mỹ, Nga và Trung Quốc).
Ngoài ra, Đức còn tăng gấp 3 lần nhóm tác chiến của mình ở Litva, nâng đơn vị này thành một lữ đoàn xe tăng Panzer quy mô đầy đủ và đồn trú lâu dài - đây là đợt triển khai quy mô lớn nhất ngoài lãnh thổ Đức kể từ năm 1945, tại một vị trí chiến lược nằm giữa Ba Lan, Nga, Belarus và vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga.
Tuy nhiên nước Đức thời Thủ tướng Olaf Scholz (thuộc đảng SPD) vẫn bị xem là hành động chậm chạp, đặc biệt là trong việc hỗ trợ Ukraine. Ông Scholz phản đối cung cấp cho Ukraine các tên lửa hành trình tầm xa tối tân Taurus do Đức chế tạo, đồng thời luôn thể hiện là người thuộc phái “giảm leo thang căng thẳng”.
Trong khi đó, tại Munich, lãnh đạo dự kiến của Đức - Friedrich Merz tái khẳng định ông sẽ cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine. Ông cũng nói rằng ông muốn các nước châu Âu (trong đó có Pháp và Anh) cùng thảo luận việc cung cấp những vũ khí như vậy như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của châu Âu nhằm tăng cường phòng thủ cho châu lục này.
Ông Merz nhắc lại rằng Đức từng đảm nhận vai trò đó trong quá khứ, dưới thời các lãnh đạo CDU như Konrad Adenauer (trong thập niên 1950 và đầu thập niên 1960) và Helmut Kohl (trong thập niên 1980 và đầu thập niên 1990).
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Reuters
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/duc-co-kha-nang-thay-my-ngan-chan-nga-tai-ukraine-hay-khong-post1156650.vov