Đây là sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của các đồng minh phương Tây chủ chốt của Ukraine, những người cho đến nay vẫn phần lớn phản đối yêu cầu của Ukraine về việc sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ nước Nga.
"Không còn bất kỳ lệnh hạn chế tầm bắn nào đối với vũ khí được cung cấp cho Ukraine nữa. Không phải từ Anh, không phải từ Pháp, không phải từ chúng tôi. Cũng không phải từ Mỹ. Nói cách khác, Ukraine hiện cũng có thể tự vệ bằng cách tấn công các vị trí quân sự ở Nga" - Thủ tướng Đức Friedrich Merz phát biểu tại một diễn đàn ở Berlin hôm 26/5.
Thông báo này được đưa ra sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa với quy mô kỷ lục do Nga tiến hành nhắm vào Ukraine vào cuối tuần qua.
Ông Merz được bổ nhiệm làm thủ tướng Đức cách đây vài tuần. Tuyên bố của ông hoàn toàn trái ngược với người tiền nhiệm Olaf Scholz, người đã nhiều lần từ chối lời kêu gọi dỡ bỏ các hạn chế của Ukraine.
Tuy nhiên, Merz không nói liệu Đức có cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa Taurus hay không, điều mà ông đã ủng hộ khi Scholz vẫn còn nắm quyền.
Đức dỡ bỏ hạn chế phóng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga của Ukraine
Trước đó Mỹ đã dỡ bỏ các hạn chế của mình vào tháng 11 năm ngoái, với việc cựu Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội tầm xa (ATACMS) do Washington cung cấp để tấn công sâu bên trong lãnh thổ nước Nga.
Nhưng đó cũng là một quyết định gây tranh cãi, mất nhiều tháng thảo luận mới đạt được. Mỹ thậm chí từ chối cung cấp ATACMS cho Ukraine trong hai năm đầu của cuộc chiến và chỉ chuyển giao tên lửa lần đầu tiên vào tháng 4/2024. Một số quan chức Mỹ lo ngại về việc leo thang chiến tranh, hiện đã bước sang năm thứ tư, trong khi những người khác lo ngại về kho vũ khí đang cạn kiệt của Lầu Năm Góc.
Nga đã công khai cảnh báo rằng bất kỳ việc dỡ bỏ hạn chế nào đối với vũ khí tầm xa sẽ đồng nghĩa với chiến tranh với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo phương Tây rằng Moscow sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ là một cuộc tấn công chung và rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công bằng tên lửa thông thường.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã chỉ trích thông báo của Merz khi nhấn mạnh việc dỡ bỏ các hạn chế là "khá nguy hiểm". Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Peskov nhấn mạnh: “Nếu những quyết định như vậy được đưa ra, chúng chắc chắn sẽ đi ngược lại nguyện vọng của chúng tôi là đạt được một giải pháp chính trị và những nỗ lực đang được thực hiện trong khuôn khổ giải pháp đó”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ đến thăm Berlin vào ngày 28/5. Các cuộc tấn công của Nga vào cuối tuần qua đã giết chết hơn hai chục người, bao gồm cả trẻ em, khi Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây tiếp tục gây sức ép buộc Moscow chấm dứt chiến tranh.
Anh Duy