Gần một tháng sau khi chính quyền cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ, Berlin đưa ra tín hiệu về khả năng thu hồi quy chế bảo vệ đối với một số người tị nạn Syria ở Đức, theo đó họ sẽ phải rời khỏi quốc gia Tây Âu đã chào đón họ gần 1 thập kỷ trước.
"Luật của chúng ta quy định, Văn phòng Liên bang về Di cư và Người tị nạn (BAMF) sẽ xem xét và thu hồi các khoản trợ cấp bảo vệ nếu mọi người không còn cần sự bảo vệ này ở Đức nữa vì tình hình ở Syria đã ổn định", Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser nói.
Bình luận của bà Faeser được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với Funke Media Group, một đơn vị xuất bản lớn của các tờ báo Đức, được công bố vào Chủ Nhật (ngày 5/1).
Các thành viên của cộng đồng người Syria tại Berlin, Đức, vào ngày 8/12/2024 khi chính quyền cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ. Ảnh: Arab News
Tháng trước, chỉ vài ngày sau khi các nhóm phiến quân ở Syria, do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu, lật đổ chính quyền Assad ở Damascus, chính phủ Đức đã quyết định tạm dừng xử lý đơn xin tị nạn của người Syria.
Bộ trưởng Faeser cho rằng một số người Syria tị nạn ở Đức, trong một số điều kiện nhất định, có thể phải trở về nước sau động thái đã giúp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ ở quốc gia Trung Đông.
"Điều này sau đó sẽ áp dụng cho những người không có quyền cư trú vì những lý do khác như công việc hoặc đào tạo và những người không tự nguyện trở về Syria", bà Faeser nói.
Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng "những người hòa nhập tốt, có việc làm, đã học tiếng Đức và tìm được một ngôi nhà mới ở đây nên được phép ở lại Đức".
Những người Syria muốn trở về nên được hỗ trợ, trong khi tội phạm nên bị trục xuất càng sớm càng tốt, Bộ trưởng Nội vụ Đức cho biết.
"Chúng tôi đã mở rộng đáng kể các lựa chọn pháp lý cho việc này và sẽ sử dụng chúng ngay khi tình hình ở Syria cho phép", bà nói.
Theo Bộ Nội vụ Đức, hiện có khoảng 975.000 người Syria đang sinh sống tại quốc gia Tây Âu này.
Phần lớn những người này đến sau năm 2015, chạy trốn khỏi cuộc nội chiến Syria. Hơn 300.000 người đã được cấp quy chế bảo vệ bổ sung, nghĩa là chính quyền thừa nhận rằng họ sẽ phải đối mặt với nguy hiểm nghiêm trọng nếu trở về quê hương.
Bất chấp những bình luận của bà Faeser, Đức vẫn chưa cho biết lập trường của mình đối với ban lãnh đạo mới của Syria. Cho đến nay, Berlin vẫn hành động thận trọng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý toàn diện đối với những phiến quân trước đây.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đã đến Damascus vào thứ Sáu (ngày 3/1) để "thảo luận về việc liệu một tiến trình chính trị toàn diện như vậy có khả thi hay không và liệu nhân quyền có thực sự được đảm bảo hay không".
Tuy nhiên, những bình luận của bà Faeser cũng có thể được nhìn nhận trong bối cảnh cuộc bầu cử sắp tới ở Đức, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2, với các cuộc tranh luận về vấn đề nhập cư ngày càng chiếm nhiều không gian trong thông điệp của các đảng phái chính thống gửi đến cử tri.
Minh Đức (Theo DW)