Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng ban huấn từ
Tham dự có sự hiện diện của Hòa thượng Thích Nguyên Giác, Trưởng khoa Phật học Sanskrit; Thượng tọa Thích Giác Dũng, Phó Viện trưởng, Trợ lý Hòa thượng Viện trưởng Học viện; Thượng tọa Thích Phước Lượng, Phó Viện trưởng kiêm Trưởng ban Quản viện Tăng; Đại đức Thích Lệ Ngôn, Trưởng phòng Đào tạo và Tăng, Ni sinh khóa XIX - khoa Phật học Sanskrit.
Tham dự còn có Tiến sĩ Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng và các Phật tử ngoại hộ Tam bảo.
Thượng tọa Thích Giác Dũng giới thiệu về chương trình đào tạo của khoa Sanskrit tại Học viện
Phát biểu mở đầu, Thượng tọa Thích Giác Dũng cho biết, trong hệ thống giáo dục Đại học Phật giáo VN hiện nay có 4 học viện (tại Hà Nội, TP.HCM, Huế và Cần Thơ). Ngoài Học viện Phật giáo Nam tông tại TP.Cần Thơ chuyên đào tạo về ngôn ngữ Pali, thì Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM là nơi duy nhất đang có chuyên khoa đào tạo về ngôn ngữ Sanskrit.
"Hòa thượng Viện trưởng đương nhiệm khi du học tại Nhật Bản đã từng được học qua chữ Sanskrit và thấy được tầm quan trọng trong việc nghiên cứu các văn bản gốc liên quan đến kinh điển Phật giáo nên ưu tiên và giữ lại khoa này mặc dù người chọn học rất khiêm tốn, do ngôn ngữ tương đối khó, khô khan.", Thượng tọa Thích Giác Dũng thông tin.
Đức Pháp chủ trao học bổng đến các Tăng sinh khóa XIX theo học khoa Phật học Sanskrit
Ban huấn từ tại buổi lễ, Đại lão Hòa thượng Pháp chủ, Viện trưởng nhấn mạnh trong Phật giáo có 4 cổ ngữ chính (Sanskrit, Pali, Hán văn và Tạng văn). Khi kết tập các kinh điển của hệ thống Phật giáo Đại thừa thì phần lớn đều dùng chữ Sanskrit; sau khi được truyền vào Trung Hoa thì phiên dịch ra tiếng Hán cổ. Hầu hết các kinh điển còn lại đều là ngôn ngữ Hán cổ. Các ngôn ngữ cổ hiện nay hầu như không còn hoặc còn rất ít sau thời kỳ Phật giáo suy tàn tại Ấn Độ. Riêng những bản kinh về chữ Sanskrit còn tồn tại ở vùng Trung Á rất khiêm tốn.
Ni sinh cung kính đón nhận học bổng
Đức Pháp chủ chia sẻ thêm, hầu hết các trường Phật học của Phật giáo Việt Nam nghiên cứu kinh điển trên nền tảng ngôn ngữ Hán cổ. Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu sau nhiều năm du học tại Sri Lanka và Ấn Độ, ngài đã học ngôn ngữ Pali và sau này dịch ra các bộ kinh tạng để đối chiếu và nghiên cứu. Ngành Phật học tại các nước tiến bộ chú trọng phương pháp văn bản học, dựa trên những nguồn tài liệu Phật giáo bằng tiếng Sanskrit, kết hợp với các bản dịch trong Đại tạng kinh chữ Hán và chữ Tây Tạng.
“Thấy được tầm quan trọng của việc học cổ ngữ đặc biệt là tiếng Sanskrit, nên Hội đồng Chứng minh đã quyết định trao tặng học bổng cho các Tăng, Ni sinh theo học môn cổ ngữ này, nhằm khuyến khích các Tăng, Ni sinh có thể tìm hiểu và đọc được các văn bản gốc của kinh điển Phật giáo, để có sự đối chiếu và nghiên cứu sâu hơn, làm phong phú cho hệ thống kinh điển Phật giáo trong tương lai.”, Đức Pháp chủ nhắn nhủ.
Dịp này, Đức Pháp chủ đã trao học bổng Đức Nhuận cho 12 Tăng, Ni sinh viên khóa XIX khoa Phật học Sanskrit.
Khoa Phật học Sanskrit được thành lập năm 2006, ban đầu có tên gọi là khoa Phật giáo Phạn - Tạng, sau đó đổi thành khoa Sanskrit và hiện nay là khoa Phật học Sanskrit.
Khoa Phật học Sanskrit được xem là ngành học chiến lược, chú trọng văn bản học. Khoa đặt mục tiêu đào tạo các chuyên gia Phật học Sanskrit cho Phật giáo Việt Nam. Sinh viên khoa Phật học Sanskrit sau khi tốt nghiệp có thể đảm đương những công việc giáo dục, trước tác và dịch thuật các tác phẩm Phật học.
Với phương pháp học chủ động, sinh viên có thể tự mình thích ứng với những hoàn cảnh, môi trường khác nhau. Với nền tảng giáo dục tiêu chuẩn, được trang bị kiến thức về các cổ ngữ, sinh viên khoa Phật học Sanskrit sau khi tốt nghiệp sẽ đủ khả năng theo học chương trình thạc sĩ và tiến sĩ ở trong và ngoài nước.
Quảng Hậu - Ảnh: Bảo Toàn/Báo Giác Ngộ