Cuộc đấu của Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai “say hi” đã kết thúc nhưng cuộc đấu “ngầm” khác đang diễn ra giữa những nghệ sĩ bước ra từ các chương trình này. Lần này không còn là cuộc đấu trong khuôn khổ game show mà là màn cạnh tranh mang tính cá nhân nhiều hơn giữa một thị trường thêm nhiều đối thủ.
Sự thắng thua thay vì được phân định bằng những lượt bình chọn thì nay phần nào thể hiện qua lượt xem, thứ hạng top thịnh hành, độ viral... Trong cuộc đấu đó, Erik đang nắm giữ phần thắng.
Thị trường âm nhạc kém sôi động
Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai “say hi”, Chị đẹp đạp gió, Rap Việt... từng đẩy bầu không khí của thị trường âm nhạc Việt năm 2024 vào trạng thái luôn sôi động, cạnh tranh. Thế nhưng, bước sang năm 2025, show Anh trai vượt ngàn chông gai và Chị đẹp đạp gió tạm dừng phát sóng. Anh trai “say hi” chưa có dấu hiệu trở lại và phiên bản nữ của chương trình này tới tháng 5 cũng mới lên sóng. Trong bối cảnh đó, những ngày đầu năm, Vpop khá ảm đạm.
Không nhiều sản phẩm âm nhạc mới được ra mắt và top thịnh hành danh mục âm nhạc hiện giờ phần nhiều là các ca khúc mùa xuân, năm mới phù hợp với tinh thần Tết Nguyên đán vừa đi qua. Đan xen đó là những MV Kpop hoặc tiết mục biểu diễn trong những chương trình âm nhạc cuối năm. Dù cho tận thế của Erik, Ánh mắt biết cười (Quang Hùng MasterD, Tăng Duy Tân), 2GOILAYS quy tụ một số rapper hay Vị nhà của Đen là sản phẩm mới hiếm hoi vẫn trụ vững trên top thịnh hành.
Với MV gồm nhiều khách mời nổi tiếng như Đức Phúc, Tiểu Vy, Quốc Anh... Erik dễ dàng thu hút sự chú ý. Ảnh: FBNV.
Trong cuộc đấu giữa vài sản phẩm âm nhạc vừa ra mắt, Dù cho tận thế và Ánh mắt biết cười đang tạm thắng thế về thành tích lẫn độ viral. Dù cho tận thế leo lên top 1 thịnh hành danh mục âm nhạc chỉ sau 5 giờ và đạt 10 triệu lượt xem sau 4 ngày phát hành. Sự viral của Dù cho tận thế càng rõ rệt trên mạng xã hội, mà nổi bật nhất là câu chuyện xoay quanh các nhân vật của Erik, Tiểu Vy, Quốc Anh với Thùy Tiên trong MV.
Với Ánh mắt biết cười, sản phẩm đạt 4,1 triệu lượt xem sau 2 tuần. Tốc độ của ca khúc chậm hơn hẳn Dù cho tận thế nhưng cũng dễ hiểu khi Ánh mắt biết cười mới được Quang Hùng MasterD và Tăng Duy Tân tung ra theo dạng visualizer chứ chưa phải MV.
Thực tế, chiến thắng đến với Erik là dễ dàng và dễ hiểu. Anh trở lại lần này đúng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Thị trường ít sự cạnh tranh, không có nhiều sản phẩm âm nhạc bùng nổ cộng thêm bệ đỡ từ bộ phim chiếu rạp Bộ tứ báo thủ nên Dù cho tận thế gần như không có đối thủ, một mình một đường tiến lên vị trí số một. Ngoài ra, bài hát cũng thuộc thể loại ballad, an toàn, dễ nghe ở thị trường nhạc Việt và MV quy tụ dàn khách mời hùng hậu, toàn gương mặt nổi tiếng.
Tiếc nuối quanh các sản phẩm
Thành tích là điều không thể chối bỏ với sự trở lại này của Erik nhưng thất vọng về chất lượng sản phẩm là khó tránh khỏi. Dù cho tận thế quá quen thuộc, thậm chí cũ kỹ về thể loại âm nhạc, bố cục, ca từ. Bởi thế, ca khúc có thể giúp Erik hâm nóng tên tuổi, duy trì chỗ đứng trên thị trường âm nhạc nhưng khó mở rộng đối tượng khán giả mới khi những gì anh mang đến vẫn là một Erik thường thấy của bao năm qua.
Một số màn trở lại khác cũng gây thất vọng hoặc tranh luận không kém, chẳng hạn Song Luân và Wren Evans. Nếu chỉ nhìn vào những con số, Wren Evans không hề thất bại trong lần trở lại gần nhất với MV Cứu lấy âm nhạc. Con số 62 triệu lượt xem sau gần một tháng phát hành của Cứu lấy âm nhạc đủ để Wren Evans tự hào.
Sự công kích từ công chúng quanh vấn đề hát live khiến chất lượng sản phẩm mới của Wren Evans bị lu mờ. Ảnh: FBNV.
Với Cứu lấy âm nhạc, Wren Evans tiếp tục tạo những luồng ý kiến khác nhau về phong cách âm nhạc. Có người cho rằng giai điệu bài hát dở, khó nghe nhưng nhiều khán giả thích thú với âm nhạc lẫn concept luôn lạ, thậm chí hơi dị của nam ca sĩ Gen Z. Sản phẩm truyền tải thông điệp bảo vệ âm nhạc trong cuộc chiến với AI và khỏi những định kiến xã hội - những định kiến mà chính Wren Evans cũng phải nhận về ngoại hình, về phong cách. Không thể phủ nhận, Cứu lấy âm nhạc cùng các sản phẩm của Wren Evans luôn sáng tạo, tư duy khác biệt, âm nhạc lạ tai, hiện đại lại lôi cuốn.
Nhưng tranh cãi quanh Cứu lấy âm nhạc gay gắt hơn các MV trước của Wren Evans là bởi 2 lý do. Đầu tiên là việc MV được quảng cáo quá nhiều, tạo phản ứng ngược. Tiếp đó, việc Wren Evans liên tục bị chỉ trích hát live kém trước đó cũng khiến khán giả mất cảm tình và làm “liên lụy” tới MV. Nhiều khán giả cho rằng trước khi cứu lấy âm nhạc, Wren Evans nên tự cứu lấy kỹ năng ca hát của chính mình.
Trường hợp Song Luân có lẽ là đáng tiếc nhất, khiêm tốn về thành tích và chất lượng sản phẩm cũng bị chê. COEM của Song Luân mờ nhạt, cũ kỹ về cả âm nhạc lẫn concept. Giọng hát của nam ca sĩ cũng không nổi trội, dẫn đến sản phẩm chìm nghỉm giữa thị trường âm nhạc mà như Song Luân tự nhận xét là “flop”. Sau 10 ngày phát hành, COEM chỉ đạt gần 600.000 lượt xem. Con số này là khiêm tốn so với mặt bằng chung thị trường âm nhạc.
Tối 11/2, Đức Phúc cũng gia nhập đường đua. Đức Phúc mời về nhiều gương mặt nổi tiếng như Lê Tuấn Khang, Erik, Vũ Thịnh, Hoa hậu Thanh Thủy... và bởi thế chưa cần ra mắt, MV của anh đã gây chú ý, bàn tán. Tuy nhiên, trong cuộc đấu với Erik, Đức Phúc khó giành phần thắng. Chăm em một đời của anh mang màu sắc vui tươi, trẻ trung, đáng yêu nhưng giai điệu, câu từ khá mờ nhạt, phần hình ảnh cũng đơn giản nên khó có thể bứt phá về thành tích.
Thái Linh