Đức sẽ 'gửi trọn niềm tin' vào khí đốt Nga thêm một lần nữa?

Đức sẽ 'gửi trọn niềm tin' vào khí đốt Nga thêm một lần nữa?
7 giờ trướcBài gốc
Kinh tế Đức sẽ ‘gửi trọn niềm tin’ vào khí đốt Nga thêm một lần nữa? (Nguồn: Shutterstock)
Trong những đề cử đầu tiên cho nội các chính phủ mới, do Thủ tướng Đức tương lai Friedrich Merz vừa công bố, cái tên Katherina Reiche nổi lên khá bất ngờ với vị trí Bộ trưởng Kinh tế và năng lượng thay ông Robert Habeck của Đảng Xanh. Việc đề cử bà Reiche đã khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên, vì cựu nghị sĩ 51 tuổi này đã rời bỏ chính trường cách đây 10 năm để theo đuổi sự nghiệp trong ngành năng lượng.
Là một trong số ít CEO nữ hàng đầu trong ngành năng lượng của Đức, bà Katherina Reiche hiện đảm nhiệm chức Giám đốc điều hành của Công ty cơ sở hạ tầng năng lượng khu vực Westenergie.
CEO ngành năng lượng làm Bộ trưởng Kinh tế
Lựa chọn của ông Merz được đánh giá là thấy rõ quyết tâm trong ưu tiên giải quyết những thách thức kinh tế và năng lượng chưa từng có, mà nền kinh tế Đức đang đối mặt.
Nhiều hiệp hội ngành đã ca ngợi bà Katherina Reiche là một nhà quản lý có năng lực với kinh nghiệm thực tế vững chắc. Trong khi, đồng Chủ tịch đảng Xanh Felix Banaszak cho rằng, việc đề cử Reiche có thể báo trước sự trở lại của nhiên liệu hóa thạch với "cái giá phải trả là chuyển xanh".
Các bên liên quan hoan nghênh kinh nghiệm về điều hành ngành năng lượng, cũng như chuyển đổi năng lượng của CEO Reiche
Cựu Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) Siegfried Rußwurm tin bà Reiche có thể dựa vào "nền tảng kinh nghiệm rộng lớn và khả năng đổi mới của bà trong ngành năng lượng".
Simone Peter, Người đứng đầu nhóm ngành Hiệp hội Năng lượng tái tạo (BEE) cho rằng, bà Reiche là người "có kinh nghiệm" đáp ứng yêu cầu của vị trí Bộ trưởng Kinh tế và năng lượng Đức - người có thể nhìn lại sự nghiệp chuyển đổi hệ thống năng lượng của nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Nhưng ông Peter cũng nói thêm rằng, điều quan trọng hiện nay là đảm bảo mở rộng năng lượng tái tạo trong mọi lĩnh vực, thách thức là cần một chương trình nghị sự linh hoạt để cân bằng giữa sản xuất và nhu cầu theo thời gian thực và cả một quá trình chuyển đổi quyết liệt ở cả trong các lĩnh vực sưởi ấm và vận tải.
Người đứng đầu Nhóm vận động hành lang Liên đoàn Công nghiệp năng lượng và nước Đức (BDEW), Kerstin Andreae, tin tưởng bà Reiche là một “chuyên gia đã được chứng minh” trong lĩnh vực này, người sẽ hiểu được những thách thức mà vị trí mới được giao yêu cầu.
Tuy nhiên, trong chính phủ mới của Thủ tướng Đức tương lai, Bộ kinh tế do bà Katherina Reiche đứng đầu sẽ không còn trách nhiệm hành động vì khí hậu như thời của người tiền nhiệm thuộc Đảng Xanh. Bộ Kinh tế và năng lượng khi đó được giao thêm trách nhiệm về quá trình khử cacbon để kết hợp tốt hơn các biện pháp chính sách khí hậu với phát triển công nghiệp.
Giá khí đốt Nga vẫn rất đáng lưu tâm
Trong bối cảnh nền chính trị Đức đang thay đổi, giới truyền thông bình luận, những người bảo thủ ở Đức dường như ngày càng sẵn sàng khởi động lại dòng khí đốt của Nga — ít nhất là trên lý thuyết.
"Nếu một ngày nào đó một nền hòa bình công bằng và an toàn (với Ukraine) được thiết lập, thì chúng ta cũng có thể thảo luận về việc mua khí đốt của Nga một lần nữa", Jan Heinisch, chính trị gia của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo bảo thủ (CDU) cho biết. Vị chính trị gia này cũng là một nhà đàm phán trong các cuộc đàm phán lập liên minh giữa CDU với Đảng Dân chủ xã hội trung tả.
"Không bao giờ trở lại sự phụ thuộc như trước đây, không theo một quyết định về giá cả — nhưng Nga vẫn là một trong nhiều nhà cung cấp trên thế giới đáng lưu tâm", ông Jan Heinisch nêu quan điểm.
Chính trị gia Jan Heinisch hiện thuộc nhóm làm việc về năng lượng và khí hậu trong các cuộc đàm phán liên minh, được giao nhiệm vụ định hình chính sách năng lượng cho chính phủ Đức do CDU lãnh đạo, dưới thời Thủ tướng tương lai Friedrich Merz.
Những phát biểu của ông được đưa ra sau bài đăng gần đây trên LinkedIn của một chính trị gia CDU khác là Thomas Bareiß - một nhà đàm phán về chính sách cơ sở hạ tầng trong liên minh chính phủ mới - cũng là người đã gợi ý rằng, châu Âu cuối cùng có thể quay trở lại với khí đốt của Nga thông qua đường ống Nord Stream 2 chạy ngầm dưới biển Baltic nối liền Đức và Nga, đã bị gác lại từ tháng 2/2022 sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.
"Có thể hình dung vài năm nữa, một số điều bất ngờ hoàn toàn có thể xuất hiện", ông Bareiß viết.
"Khi hòa bình đã trở lại và "tiếng súng" giữa Nga và Ukraine không còn nổ, quan hệ sẽ bình thường hóa, lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ và tất nhiên, khí đốt có thể bắt đầu chảy trở lại — có thể lần này là thông qua đường ống do Mỹ kiểm soát".
Chính trị gia Bareiß cũng đưa ra lập luận của mình xung quanh các vấn đề thực tế của thị trường, khẳng định rằng - khí đốt qua đường ống từ Nga sẽ vẫn có giá cả phải chăng và thân thiện với khí hậu hơn so với khí đốt tự nhiên hóa lỏng.
Ông cũng nêu bật các báo cáo về mối quan tâm của các nhà đầu tư Mỹ trong việc khôi phục Nord Stream 2 - tương lai của tuyến đường này vẫn chưa chắc chắn sau một cuộc tấn công phá hoại hồi năm 2022.
Tuy nhiên, bất kỳ sự hồi sinh nào của dòng khí đốt Nga tới châu Âu — đặc biệt là thông qua Nord Stream 2 — đều có thể làm bùng phát căng thẳng giữa các đồng minh Đông Âu của Đức. Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic và Ukraine đã phản đối quyết liệt đường ống này từ lâu trước khi nó bị hư hại vào năm 2022, với lý do đường ống này làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga và tước đi thu nhập và ảnh hưởng của Ukraine khi nó bỏ qua mạng lưới trung chuyển của quốc gia này.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng là nước tiêu thụ khí đốt tự nhiên hàng đầu khu vực. Nước Đức đang trải qua một sự thay đổi lớn về mặt chính trị, trong bối cảnh đang đối mặt với thách thức chưa từng có để thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ tăng trưởng trở lại, trong điều kiện giá năng lượng tăng cao chưa từng có, trực tiếp gây khó khăn cho nền công nghiệp xương sống của nước này, đồng thời với sức ép chi tiêu quốc phòng tăng mạnh.
Theo Viện Nghiên cứu Handelsblatt (HRI), năm 2025 dự kiến là năm thứ ba kinh tế Đức liên tiếp suy giảm. HRI dự báo GDP Đức sẽ giảm 0,1% trong năm 2025, sau khi đã giảm 0,3% vào năm 2023 và 0,2% trong năm 2024. Chuỗi suy thoái này vượt qua mức kỷ lục 2 năm hồi đầu thập niên 2000 và là hệ quả của khủng hoảng năng lượng, lạm phát dai dẳng, cùng tác động kéo dài từ đại dịch Covid-19.
“Kinh tế Đức đang trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử hậu chiến” - Bert Rurup, nhà kinh tế trưởng của HRI, nhận định.
Khủng hoảng năng lượng là "đòn chí mạng" với nền kinh tế lớn nhất EU. Việc Đức chuyển từ khí đốt Nga giá rẻ sang LNG đắt đỏ hơn từ Mỹ đã đẩy giá năng lượng lên cao, gây tổn thất nặng nề cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp nhỏ. Tình trạng phá sản và đóng cửa lan rộng khắp các ngành công nghiệp, ngay cả những "ông lớn" như Volkswagen cũng không thoát khỏi ảnh hưởng. Trước khi xung đột Nga-Ukraine leo thang tháng 2/2022, Nga cung cấp hơn một nửa nhu cầu khí đốt cho kinh tế Đức.
Do vậy, so với "sức nặng" của nền kinh tế, ngay cả khi các chính trị gia của nước này cứng rắn hơn với Moscow, khả năng tăng lưu lượng khí đốt của Nga qua đường ống đến châu Âu nếu một thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga-Ukraine thành hiện thực trong năm nay - có thể thách thức các kế hoạch của Berlin nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của mình.
(theo Politico, Cleanenergywire)
Minh Anh
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/duc-se-gui-tron-niem-tin-vao-khi-dot-nga-them-mot-lan-nua-312694.html