Cư sĩ Phúc Quang tóm lược
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024
Phần I. 6 pháp của người chân chính - Bậc chân nhân
Một thời Thế Tôn trú tại Đông Viên, Lộc Mẫu Giảng đường, ngài giảng về 6 pháp của một người chân chính (bậc chân nhân)
1. Người đầy đủ các pháp chân chính và kết bạn với người chân chính
Người có lòng tin với bậc thiện tri thức.
Là người có lòng tàm và quý (tức biết xấu hổ, ăn năn với việc bất thiện mình làm); nghe nhiều, tinh tấn, chính niệm, trí tuệ.
Người đó kết bạn với những người tương tự như vậy.
2. Suy tư như người chân chính
Là suy nghĩ không làm hại mình, không làm hại người, không làm hại cả mình, cả người.
Người chân chính không có lòng tham ái, không sân tâm, không có khởi lên hại niệm, không oán thù.
3. Nói năng chân chính
Người từ bỏ nói láo.
Người từ bỏ nói lời 2 lưỡi chọc ngoáy gồm có tránh xa sự nói 2 lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đem đến chỗ khác, không mang lời nói người này sang tới người kia, là người ưa vui thích hòa hợp, không gây ly gián, không gây hiểu nhầm, thù ghét, không tiết lộ bí mật người khác.
Người từ bỏ nói ác khẩu, gây tổn thương. Người chân chính nói những lời hòa nhã, đẹp tai, thông cảm.
Người từ bỏ nói lời phù phiếm, mua vui, bỡn cợt, không đem lại lợi ích. Người chân chính nói đúng thời, nói chân thật, nói đúng việc, đúng nghĩa về Chính pháp, thiện là thiện, bất thiện là bất thiện.
4. Hành động chân chính
Người từ bỏ sát sinh gồm có tránh xa sát sinh, từ bỏ bạo lực, biết tàm, quý, có lòng từ, sống thương xót tới hạnh phúc của tất cả chúng sinh và loài hữu tình.
Người từ bỏ lấy của không cho (ăn trộm, ăn cướp) gồm có tránh xa của không cho, bất cứ vật gì là của người khác.
Người từ bỏ làm các tà hạnh trong các dục.
5. Chính kiến chân chính
Là những người tin có lợi ích bố thí, tin có quả báo của các nghiệp thiện, ác, tin vào ân đức cha mẹ, tin có đời sau, tin có các bậc tu hành chân chính.
6. Bố thí chân chính
Là người bố thí một cách trân trọng, có tư duy,
bố thí vì mục đích giúp đỡ, bố thí vật phẩm cần thiết, còn dùng được.
Phần II. 9 pháp tinh tấn khác bổ trợ cho sự hành trì của bậc chân nhân
Những pháp tinh tấn bổ trợ để giúp người tu giữ gìn phạm hạnh, hoàn thiện thêm cho 6 pháp của bậc chân nhân. Tất cả những pháp này được Thế Tôn giảng trong rất nhiều bài kinh, ví như kinh Tam minh (Tevijja sutta), kinh Ca-diếp Sư tử hống (Kassapa – Sìhanàda sutta) thuộc Trường Bộ kinh (Digha Nikaya), kinh Devadaha (Devadaha sutta) thuộc Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya),…
1. Lòng tín
Sinh lòng tín ngưỡng thiện pháp, tuyên thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện đầy đủ văn nghĩa, truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.
2. Là người thấy nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt về thân – khẩu – ý nghiệp.
3. Gìn giữ chính mạng
Tránh xa các tà mạng, từ bỏ nhận, môi giới đàn bà, đàn ông, từ bỏ hối lộ, gian trá, lừa đảo.
Nếu là người nhận tín thí cúng dường, không lợi dụng kiếm tiền từ những việc như xem tướng, bói toán, chiêm tinh, nói trước tương lai, lựa ngày, giờ, xem tay, sử dụng các trò ảo thuật để trục lợi.
4. Bảo hộ 6 căn thanh tịnh
Khi thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, tướng riêng.
Sắc nào do mắt nhận biết, khi có thức khởi lên những pháp bất thiện, khởi dục, tham ái, những sắc ấy không nên hành trì, phải buông bỏ.
Sắc nào do mắt nhận biết, khi có thức khởi lên những pháp thiện, ly dục, ly tham ái, những sắc ấy nên hành trì.
Tương tự với âm thanh (tai), mùi hương (mũi), vị (lưỡi), xúc (thân), pháp (ý).
5. Chính niệm tỉnh giác
Khi đi tới, đi lui, đứng, nằm, ngồi đều tỉnh giác. Khi nhìn thẳng, nhìn quanh đều tỉnh giác.
Khi co tay, duỗi tay, ăn, uống, nhai, nuốt, đi tiểu tiện, đại tiện, sinh hoạt,… đều tỉnh giác.
6. Biết đủ
Là người sống biết đủ với quần áo, với đồ ăn, thuốc men và nơi ở, lúc nào cũng ngăn ngừa lòng tham.
7. Rèn luyện tâm giải thoát
An trú chính niệm, từ bỏ ái dục, từ bỏ hại niệm. Sống với lòng thương xót, bi mẫn, gột rửa tâm bất thiện.
Từ bỏ 5 triền cái (tức 5 phiền não gồm có (1) tham, (2) sân, (3) hôn trầm, thụy miên – mê ngủ, mệt mỏi, (4) trạo cử, hối hận – sự tán loạn, (5) nghi), hướng tới sự gột rửa tất cả triền cái đó.
8. Đạt tới 4 tầng thiền, sống với sự xả ly
Xả ly ác pháp, giúp tâm định tĩnh an trú vào 4 tầng thiền.
Nhờ ly dục, ly ác pháp, có tầm, có tứ, nên sinh hỷ lạc, chứng đạt tầng thiền đầu tiên.
Nhờ có tầm, tứ, diệt tầm, tứ để nhập định, nhờ định sinh ra hỷ lạc, chứng tầng thiền thứ hai.
Xả niệm lạc trú tức ly lạc, không tham hỷ lạc, chính niệm tỉnh giác nên đạt tầng thiền thứ ba.
Diệt cả lạc, cả hỷ, không còn khổ, không còn lạc, xả niệm thanh tịnh, nhập tầng thứ tư.
9. Dẫn tâm đến phát khởi trí tuệ
Nhờ tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, người đó dẫn tâm, hướng tâm đến chính trí, chính kiến, biết vô thường, vô ngã. Tuệ tri biết rõ “Đây là khổ”, “Đây là khổ tập”, “Đây là khổ diệt”, “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”.
Nhờ vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết mọi phương xứ, khắp vô biên giới, tâm câu hữu với tâm từ, quảng đại. Lại nữa, từ chỗ an trú tâm từ, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết mọi phương xứ, khắp vô biên giới, tâm câu hữu với tâm xả, quảng đại.
Cư sĩ Phúc Quang tóm lược
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Tiểu kinh Mãn nguyệt (Cùlapunnama sutta) - Trung Bộ kinh, tập 3 (Majjhima Nikaya), dịch giả: Hòa thượng Thích Minh Châu
2. Kinh Devadaha (Devadaha sutta) – Trung Bộ kinh, tập 3 (Majjhima Nikaya), dịch giả: Hòa thượng Thích Minh Châu
3. Kinh Tam Minh (Tevijja sutta) - Trường Bộ kinh (Digha Nikaya), dịch giả: Hòa thượng Thích Minh Châu