Đây là dự án Nghiên cứu và Công nghệ (R&T) Cấp độ 3, nhằm đánh giá tính khả thi của việc lắp đặt tên lửa IRIS-T SLM lên tàu khu trục F125, còn được gọi là lớp Baden-Württemberg. Nghiên cứu này bao gồm việc thiết kế và lắp đặt khung lắp cho hai bệ phóng IRIS-T SLM trên tàu, tích hợp chúng vào trung tâm điều hành và hệ thống radar của khu trục hạm, có Cấp độ kỹ thuật 6.
Thiết kế container dạng mô-đun cho phép dễ dàng điều chỉnh cho các nền tảng khác nhau, bao gồm cả tàu hải quân. Diehl Defence cũng đang nghiên cứu tích hợp tên lửa IRIS-T SLM vào hệ thống phóng thẳng đứng Mk 41 để ứng dụng rộng hơn. Với khu trục hạm F125, Diehl đề xuất sử dụng hệ thống phóng tương tự như hệ thống được lắp trên xe tải để phóng trên mặt đất.
Hệ thống này được định vị theo chiều ngang trong quá trình vận chuyển và được dựng lên bằng thủy lực theo vị trí thẳng đứng để phóng. Bệ phóng vẫn nằm ngang trong các tình huống không chiến đấu và chỉ được nâng lên trong trường hợp sẵn sàng chiến đấu.
Tàu khu trục F125. Ảnh: The Defense News
Tầm quan trọng của tàu khu trục F125
Tàu khu trục F125 là một trong những tàu chiến mặt nước lớn nhất của Hải quân Đức. Nó được thiết kế cho các hoạt động ổn định hàng hải cường độ thấp và trung bình như giám sát hàng hải và hỗ trợ hỏa lực chiến thuật từ biển tới đất liền.
Mặc dù có các tính năng tiên tiến nhưng tàu khu trục này không có tên lửa phòng không như tên lửa Evolved Sea Sparrow (ESSM) có trên các khinh hạm khác có kích thước tương tự. Việc thiếu các hệ thống phòng không đầy đủ đã bộc lộ vào đầu năm nay khi khu trục F125 Baden-Württemberg không thể vượt qua Biển Đỏ để trở về nhà sau khi triển khai ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hạn chế này đã cho thấy nhu cầu cấp thiết về các hệ thống tên lửa tiên tiến như IRIS-T SLM.
Việc tích hợp tên lửa IRIS-T SLM được đề xuất dự kiến sẽ tăng cường đáng kể khả năng phòng không của các tàu khu trục F125, cho phép bảo vệ tàu trước nhiều mối đe dọa trên không, bao gồm máy bay không người lái, máy bay và tên lửa đang bay tới. Tàu đầu tiên mang tên Baden-Württemberg, dự kiến sẽ được tích hợp vào cuối quý I năm 2025.
IRIS-T SLM (tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất) là một biến thể tiên tiến của tên lửa không đối không IRIS-T, có tầm bắn tối đa 40 km và có thể tấn công các mục tiêu ở độ cao lên tới 20 km. Tên lửa có dẫn đường quán tính hỗ trợ GPS với liên kết dữ liệu radar để dẫn đường giữa chặng và một đầu dò hồng ngoại để nhắm mục tiêu giai đoạn cuối, cho phép nó tấn công nhiều mối đe dọa trên không, bao gồm máy bay, trực thăng và tên lửa hành trình.
Bước nhảy vọt trong thiết kế hải quân
Tàu khu trục F125 đại diện cho bước nhảy vọt trong thiết kế hải quân, được tối ưu hóa cho các đợt triển khai dài ngày và khả năng đa nhiệm. Tuy nhiên, quá trình phát triển của chúng gặp phải nhiều thách thức, bao gồm cả sự chậm trễ và các vấn đề kỹ thuật. Sau những cải tiến đáng kể, cả bốn tàu - Baden-Württemberg, Nordrhein-Westfalen, Sachsen-Anhalt và Rheinland-Pfalz - đều được đưa vào hoạt động trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2022.
Các thông số kỹ thuật chính của tàu khu trục F125 bao gồm: dài: 149 m; rộng: 18 m; lượng giãn nước: xấp xỉ 7.200 tấn; tốc độ tối đa: trên 26 hải lý/h; thủy thủ đoàn: tối đa 190 người. Vũ khí: pháo hạm Otobreda 127 mm; 2 tên lửa không đối không Rolling Airframe RIM-116; 2 pháo tự động điều khiển từ xa MLG 27 mm; 8 tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon.
Công ty Diehl cho biết việc phóng Iris-T SLM từ một con tàu trong điều kiện biển động sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề nào, vì tên lửa được cải tiến từ phiên bản không đối không có khả năng chịu được các ứng suất vật lý đáng kể. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng các bệ phóng, thùng chứa và tên lửa cần phải có khả năng chống chịu được bản chất ăn mòn của nước mặn và Diehl hiện đang đánh giá yêu cầu này.
Việc tích hợp hệ thống IRIS-T SLM sẽ giải quyết được những thiếu sót về phòng không của tàu khu trục F125, tăng cường tính linh hoạt trong hoạt động và cho phép triển khai an toàn hơn trong môi trường có nguy cơ cao.
Sáng kiến này không chỉ tăng cường năng lực hải quân của Đức mà còn thể hiện tiềm năng của các hệ thống tên lửa mô-đun trong chiến tranh hải quân hiện đại. Với nghiên cứu khả thi đang được tiến hành, khu trục hạm F125 có thể sớm đạt được lợi thế công nghệ cần thiết để đáp ứng các thách thức của an ninh hàng hải đương đại.
CTV Lê Ngọc/VOV.VN (tổng hợp)