Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để chẩn đoán bệnh đang trở thành xu hướng mới tại Trung Quốc. Đặc biệt, sự ra đời của DeepSeek đã tạo ra làn sóng "có bệnh thì hỏi AI", khi hàng loạt ứng dụng y tế dựa trên AI như sàng lọc ung thư, chẩn đoán lao phổi và robot phẫu thuật được đưa vào sử dụng rộng rãi.
Tuy nhiên, một sự việc đáng tiếc xảy ra đã khiến dư luận xôn xao. Một cặp vợ chồng trẻ thuộc thế hệ 9X, khi thấy con liên tục ho và sốt, đã dùng ứng dụng AI trên điện thoại để tự chẩn đoán. Kết quả từ AI cho thấy đứa trẻ chỉ mắc "nhiễm trùng đường hô hấp thông thường".
Netizen Trung Quốc bức xúc vì quyết định của cặp vợ chồng 9X.
Với niềm tin vào công nghệ, cặp vợ chồng đã quyết định tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà theo chỉ dẫn từ AI. Hậu quả là tình trạng bệnh của con họ ngày càng nghiêm trọng. Khi đưa đến bệnh viện, các bác sĩ kết luận đứa trẻ mắc viêm phổi do vi-rút.
Trước sự cố này, một số chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn khi phụ thuộc quá mức vào chẩn đoán từ AI. Theo các bác sĩ, mặc dù AI có thể hỗ trợ trong nhiều khâu, nhưng không thể thay thế hoàn toàn chuyên môn của con người. Đặc biệt, việc tự ý sử dụng AI để chẩn bệnh mà không có kiến thức y học có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
Sự việc gây xôn xao trên mạng xã hội Trung Quốc. Một số người bày tỏ: "Nhiều việc trong công việc của tôi AI cũng chẳng giải quyết được, vẫn cần sự phán đoán của con người. Y tế cũng vậy", "Nếu không có kiến thức y học cơ bản, dù AI có thông minh đến đâu cũng không thể sử dụng đúng"...
Câu chuyện này là lời cảnh tỉnh không chỉ đối với việc sử dụng AI trong y tế, mà còn trong nhiều lĩnh vực, khi con người có thể dễ dàng rơi vào trạng thái lệ thuộc vào công nghệ mà quên đi yếu tố quan trọng nhất: Kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn.
Tôn Huy (dịch)
Theo Theo Weibo,