Một đứa trẻ mặc đồng phục học sinh ngồi thản nhiên hút thuốc lá
Ngày 11/11, trên chương trình "5 phút hôm nay" của VTV1 phát bản tin về việc lực lượng công an Hà Nội xử lý thanh thiếu niên tổ chức chạy xe tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, tháo biển kiểm soát.
Sau khi bị bắt giữ, 1 thiếu niên trả lời rất thản nhiên "Đi chậm thì không vui". Cách trả lời thản nhiên này khiến nhiều người thấy sốc bởi hành vi tụ tập chạy xe với tốc độ cao gây mất an ninh trật tự, an toàn đối với chính các đối tượng và người đi đường.
Cách đây chưa lâu, dư luận rúng động khi một cô gái dừng đèn đỏ tại một tuyến đường ở Hà Nội bị các đối tượng chạy xe với tốc độ cao tông trúng 2 lần dẫn đến tử vong. Các đối tượng gây ra vụ việc không đội mũ bảo hiểm, chưa có giấy phép lái xe. Dư luận bức xúc khi người chấp hành pháp luật (dừng chờ đèn đỏ) lại bị các đối tượng vi phạm pháp luật tước đi mạng sống.
Trước vụ việc nghiêm trọng trên, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an đã có ý kiến chỉ đạo Công an TP Hà Nội tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý dứt điểm tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe, lạng lách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, kể cả đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án Nhân dân cùng cấp sớm đưa ra xét xử vụ việc.
Theo thống kê của ngành công an, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13.000 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi.
Trong các nguyên nhân của tình trạng trên, thực tế cho thấy nhiều ông bà, bố mẹ thiếu quan tâm, sát sao, buông lỏng quản lý, giáo dục với con cháu. Sự nuông chiều con trẻ còn thể hiện ở chỗ khi trẻ phạm lỗi, nhiều người còn bao biện: "Trẻ con nó có biết gì đâu".
Việc giao xe máy cho con đi lại khi chưa đủ tuổi cũng là một trong những biểu hiện rõ rệt nhất. Đây là hành vi tiếp tay, đồng thuận cho trẻ vi phạm pháp luật về giao thông. Khi con vi phạm, nhiều người bỏ công việc chạy đôn chạy đáo, nhờ vả các mối quan hệ để xin xỏ cho con không bị xử lý...
Thực hiện kế hoạch của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), từ ngày 1-31/10, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Hải Dương ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh.
Kết quả, đã xử lý 1.514 trường hợp học sinh vi phạm giao thông, phạt 974 triệu đồng, tạm giữ 493 xe mô tô, 454 xe gắn máy, máy điện. Các lỗi vi phạm chủ yếu phần lớn là do cố ý, gồm 1.159 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 580 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, 266 trường hợp giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển...
Sự bao che, nuông chiều của người lớn khiến nhiều đứa trẻ thiếu "đề kháng" với những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội và không có tính tự lập. Có những đứa trẻ không phải động tay vào bất cứ việc gì trong nhà, chưa từng tự tay nấu được một mâm cơm cho gia đình. Khi lớn lên, những đứa trẻ đó tiếp tục sống lệ thuộc, vô trách nhiệm với cả chính bản thân, sa đà vào các tệ nạn.
Tháng 6/2024, thảo luận tại Quốc hội về Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng luật ban hành phải bảo đảm nhân văn, tạo điều kiện để người chưa thành niên phạm tội nhận thức, khắc phục, sửa chữa sai lầm nhưng cũng phải có tính giáo dục, răn đe nghiêm khắc.
Rất nhiều vụ án do người chưa thành niên phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đã đến lúc không còn lời bao biện "Trẻ con nó có biết gì đâu" mỗi khi trẻ vi phạm pháp luật. Không để xảy ra việc lợi dụng chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên để lôi kéo, xúi giục, thuê mướn họ thực hiện những hành vi phạm tội.
Giáo dục thường xuyên, liên tục, răn đe và xử lý nghiêm minh chính là "liều thuốc" phòng ngừa, ngăn chặn thanh thiếu niên vi phạm pháp luật.
TIẾN HUY