Đừng biến trẻ thành 'Gà công nghiệp'

Đừng biến trẻ thành 'Gà công nghiệp'
2 giờ trướcBài gốc
Các em học sinh như một cỗ máy đã được cài đặt, cứ thế kích hoạt theo một thời gian định sẵn. Ban ngày học ở trường, chiều muộn, tối đi học thêm, ngày nghỉ càng kín lịch hơn. Khái niệm nghỉ thứ 7, chủ nhật dường như không có trong thời gian biểu của các em. Theo quy định của Bộ Luật lao động, người lao động làm việc không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/ tuần đối với thời giờ làm việc bình thường.
Trường hợp làm việc theo tuần, thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Mặc dù ngày, giờ học tập của các em học sinh không có quy định trong luật, nhưng xét ở thực tế, thời gian lao động trí óc của các em học sinh (đối tượng chưa phải là người trưởng thành) đang lớn hơn rất nhiều người trong độ tuổi trưởng thành. Vậy thời gian nào cho các em tái tạo sức lao động?
Chúng ta đang chăm sóc con theo cách nuôi “gà công nghiệp”. Trẻ chỉ biết ăn, học, ngủ, chơi chứ hầu như rất ít làm việc gia đình, thậm chí không làm gì hết. Ngành giáo dục vì áp lực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đã tạo áp lực lên giáo viên và học sinh. Phụ huynh vì nhiều lý do cũng tự gia tăng áp lực cho mình.
Cuối cùng, người chịu áp lực nhiều nhất chính là các em học sinh. Các em cứ thế “còng lưng” gánh trên vai những trọng trách nặng nề mà bản thân chúng chưa đủ sức cũng chưa thực sự hiểu thấu đáo mục đích sau cùng của những kỳ vọng ấy. Trên thực tế, không ít học sinh vì quá áp lực mà sau khi trải qua kỳ thì vượt cấp đã bị trầm cảm, có em bỏ ra đi, thậm chí tự tử. Mới đây ngày 17/10, có 2 học sinh lớp 8 ở thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) đã nhảy cầu tự tử mà nguyên nhân cũng bởi áp lực học tập. Đây cũng không phải là trường hợp đau lòng đầu tiên.
Việc các em không chịu được áp lực là bởi chúng ta trang bị cho các em kỹ năng sống quá ít, chỉ chú trọng đầu tư cho học tập. Trong khi cuộc sống con người sẽ trải qua không ít những thăng trầm đòi hỏi phải có kỹ năng mới có thể vượt qua. Mà trường hợp của bé trai 6 tuổi ở xã Lâm Giang (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) thoát chết sau 4 ngày đi lạc trong rừng là minh chứng điển hình.Theo lời kể của cháu bé Đ.V.L, trong những ngày đi lạc trong rừng, do không xác định được phương hướng nên L. cứ đi xa mãi vào rừng, rồi lạc đến các đồi nương. Đói thì cháu hái lá cây, quả dại để ăn, khát thì uống nước suối, tới đâu thì ngủ vạ vật ở đó. Vì sống ở vùng rừng núi nên cháu biết trái nào, lá nào có thể ăn được.
Hay vụ việc từng gây chấn động thế giới cách đây hơn 1 năm trước khi 4 trẻ em người Colombia sống sót thần kỳ 40 ngày trong rừng Amazon. Giới quan chứcColombia xác định chị cả Lesly là "yếu tố chủ chốt" đảm bảo sự an toàn của các em trong những ngày sau đó. Bé gái đã biết xé quần áo băng bó cho các em bị thương. Sau đó sử dụng số bột sắn trong 4 ngày ở lại cạnh máy bay, đợi người tới cứu. Khi bột sắn hết, đám trẻ quyết định thử tìm cách thoát khỏi khu rừng nhiệt đới, nơi luôn có thú dữ và phiến quân vũ trang rình rập. Suốt 5 tuần lang thang trong rừng sau đó, các cháu đã ăn "quả cọ, xoài dại, trái cây trong rừng". Mỗi nơi ngủ lại đều được 4 chị em đánh dấu để mọi người dễ bề tìm kiếm.
Nghe câu chuyện trên, ai cũng cảm ơn bởi phép màu đã xảy ra với các em. Nhưng trên hết, chúng ta thừa nhận rằng sự sống sót của các em không chỉ đến từ phép màu mà còn bởi kỹ năng sinh tồn mà các em học được.
Vì thế, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bên cạnh kiến thức sách vở là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Kỹ năng sống để trước hết các em có khả năng tự bảo vệ mình. Bản thân có an toàn thì mới có thể nhắc tới những việc khác xa hơn. Khi các em học sinh được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, có môi trường rèn luyện, chắc chắn sẽ thêm kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn, sẽ bớt rất nhiều “gà công nghiệp” vừa yếu đuối vừa ngu ngơ trước cuộc sống. Không những thế, các gia đình và toàn xã hội cũng bớt nhiều nỗi lo cho con em và thế hệ tương lai mắc bệnh béo phì, cận thị, trầm cảm, tự kỷ...
Song việc giáo dục kỹ năng sống trước hết cần thông qua nhà trường. Tuy nhiên việc lựa chọn các hoạt động ngoại khóa, các môn bổ trợ cần phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, tránh tình trạng tổ chức tràn lan, không thiết thực, gây lãng phí. Đây là mục tiêu ngành giáo dục tỉnh Tuyên Quang đang hướng đến khi ngành vừa ban hành văn bản chỉ đạo về việc tổ chức các cuộc thi, hoạt động ngoại khóa trong trường học.
Bởi trên thực tế, trong thời gian qua, một số trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã tham gia nhiều cuộc thi, hoạt động ngoại khóa ngoài kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành; chồng chéo với kế hoạch giáo dục của các nhà trường; gây áp lực cho giáo viên và học sinh; ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục và việc nâng cao chất lượng dạy học trong các trường học.
Một số cuộc thi và hoạt động ngoại khóa không gắn liền với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị chỉ tham gia các cuộc thi và các hoạt động giáo dục, hoạt động ngoại khóa theo kế hoạch do Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành theo từng năm học hoặc các cuộc thi do Sở phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị khác tổ chức thực hiện.
Văn bản trên rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay khi không ít hoạt động ngoại khóa đang gây ít nhiều những ý kiến trái chiều của phụ huynh. Nó cũng góp phần làm giáp áp lực cho cả thầy và trò khi đang phải cân đối hợp lý giữa học tập, rèn luyện và vui chơi giải trí. Có như vậy, sự nghiệp “trồng người” mới thực sự hiệu quả, để học sinh không trở thành những chú “gà công nghiệp” khiến cả xã hội lo lắng. Và đó cũng là mục đích quan trọng mà ngành giáo dục hướng đến: Giáo dục học sinh phát triển toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ.
Chúc Huyền
Nguồn Tuyên Quang : http://baotuyenquang.com.vn/dung-bien-tre-thanh-ga-cong-nghiep-201090.html