Một độc giả đã gửi thư về tòa soạn VOV.VN thắc mắc, hành vi dùng chân điều khiển vô lăng ô tô để rảnh tay lướt điện thoại thì bị phạt như thế nào?
Có thể nói, đây là một hành vi rất nguy hiểm và bị nghiêm cấm. Hành vi này không chỉ vi phạm luật giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và tài sản của người lái và những người tham gia giao thông khác. Dùng chân để điều khiển vô lăng làm giảm khả năng phản xạ và kiểm soát của người lái, đặc biệt trong các tình huống bất ngờ, gây nguy cơ va chạm và tai nạn. Vậy, hành vi vi phạm này sẽ bị xử phạt ra sao?
Theo Khoản 12 Điều 6 Nghị định 168 năm 2024 của Chính phủ về xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới có hiệu lực từ 1/1/2025, quy định phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường bộ.
Trường hợp này nếu gây tai nạn sẽ phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng và tước bằng lái 22 - 24 tháng.
Ảnh minh họa: KT
Bên cạnh đó, Nghị định 168 của Chính phủ cũng quy định: phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ.
Căn cứ điểm c, d khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, điểm b khoản 35 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 5; điểm a, điểm b khoản 6; khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: điểm a, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 1; điểm b, điểm d, điểm g khoản 2; điểm b, điểm g, điểm h, điểm m, điểm n, điểm r, điểm s khoản 3; điểm a, điểm c, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; điểm a, điểm b, điểm e, điểm g, điểm h khoản 5 Điều này;
Thực hiện hành vi quy định tại khoản 9 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng;
Theo đó, người lái xe ô tô bằng chân có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Trong trường hợp không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng.
Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ vi phạm.
Mất kiểm soát xe do điều khiển xe bằng chân có thể dẫn đến tai nạn nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản cho chính bản thân mình và những người xung quanh. Do vậy tuyệt đối không nên dùng chân để điều khiển vô lăng hoặc thực hiện bất kỳ hành vi nào gây mất tập trung khi lái xe. Luôn phải tập trung lái xe và tuân thủ luật giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Tuệ Minh/VOV.VN