Nguyên tắc hàng đầu: Tôn trọng học sinh
Thầy giáo Phạm Xuân Anh, giáo viên Toán tại một trường THPT ở Bắc Ninh, chia sẻ: "Trong gần 30 năm đứng lớp, tôi luôn coi tôn trọng học sinh là nguyên tắc quan trọng nhất. Mỗi học sinh đều là một cá nhân có suy nghĩ và chính kiến riêng. Thay vì áp đặt, tôi chọn cách đồng hành cùng các em, giúp các em tự khám phá tiềm năng của mình".
Thầy thường tránh dùng từ "dạy" mà thay vào đó là "thảo luận" hoặc "tranh luận" khi giảng bài hay trao đổi cùng học trò. Thầy Xuân Anh nhấn mạnh, việc để học sinh được phản biện tự do, kể cả khi ý kiến chưa logic, sẽ khuyến khích tư duy sáng tạo.
Một điểm đáng chú ý trong cách giảng dạy của thầy Xuân Anh là không gọi học sinh là “con” mà luôn dùng từ “em”. Theo thầy, cách xưng hô này giúp duy trì ranh giới phù hợp giữa thầy và trò, đồng thời khuyến khích học sinh tự tin nêu ý kiến và bày tỏ quan điểm mà không cảm thấy gượng gạo. Thầy cho rằng tri thức từ sự truyền tải của giáo viên không phải là chân lý tuyệt đối, giáo viên cần khuyến khích học trò đặt câu hỏi, phản biện và từ đó sáng tạo ra tri thức mới.
Sự tôn trọng góp phần tạo nên trường học hạnh phúc
Không chỉ là quan điểm cá nhân, nhiều trường học đã đưa yếu tố "tôn trọng học sinh" vào quy tắc ứng xử dành cho giáo viên cũng như cán bộ, nhân viên nhà trường. Trường Tiểu học Đông Sơn (Ninh Bình) yêu cầu giáo viên lắng nghe ý kiến học sinh, không xúc phạm danh dự hay phân biệt đối xử. Tương tự, Trường Tiểu học Thạch Thắng (Hà Tĩnh) quy định giáo viên cần ứng xử bao dung, tôn trọng sự khác biệt và khích lệ học sinh tích cực tham gia.
Còn trong bộ quy tắc về việc ứng xử văn hóa trong trường học của Trường Tiểu học học Lang Sơn (Hạ Hòa, Phú Thọ), quy định, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động trong nhà trường phải luôn tôn trọng nhân cách của học sinh, mềm mỏng nhưng cương quyết, triệt để khi xử lý các vi phạm của học sinh.
"Luôn đặt tình thương và trách nhiệm lên hàng đầu, nắm bắt đặc điểm phát triển tâm lí để biết cách chia sẻ, lắng nghe học sinh, tôn trọng, đối xử công bằng với các em. Ứng xử thân thiện, hòa nhã, thấu hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh, quan tâm, giúp đỡ các em có hoàn cảnh đặc biệt", quy tắc ứng xử của trường nêu rõ.
Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học do Bộ GD-ĐT ban hành cũng nhấn mạnh vai trò của giáo viên trong việc lắng nghe, thấu hiểu và đối xử công bằng với học sinh.
Khi giáo viên tôn trọng học trò, các em sẽ cảm thấy tự tin hơn, tiềm năng được đánh thức và giờ học trở nên hiệu quả hơn.
Các chuyên gia giáo dục nhận định, nhiều vấn đề căng thẳng giữa thầy cô và học sinh xuất phát từ lối giáo dục quyền uy, áp đặt. Điều này không chỉ khiến học sinh mất động lực học tập mà còn tạo ra khoảng cách giữa thầy và trò. Giáo viên cần từ bỏ tư duy cho rằng mình "nói gì cũng đúng", thay vào đó là đồng hành, lắng nghe và truyền cảm hứng tích cực cho học sinh.
Tôn trọng học sinh không chỉ là một nguyên tắc ứng xử mà còn là chìa khóa xây dựng môi trường giáo dục hiệu quả và hạnh phúc. Giáo viên, với vai trò là người dẫn dắt, cần đồng hành cùng học trò, khuyến khích sự sáng tạo và phát huy tiềm năng của các em một cách tự nhiên nhất.