Đứng dậy

Đứng dậy
4 giờ trướcBài gốc
Chị Liên hơn tôi bảy tuổi. Ngày sinh chị, cô chú bác tôi bảo: “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Chắc bố mẹ tôi cũng nghĩ như thế nên rất cưng nựng chị.
Ngày còn nhỏ, tôi hay chấm chóe với chị. Lần nào chị cũng nhường. Càng lớn, chị Liên càng xinh đẹp. Chị là công chúa trong gia đình tôi. Nhưng đừng tưởng chị em tôi muốn gì được nấy. Không phải vì gia đình tôi khó khăn mà là bố mẹ tôi rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái. Chị em tôi cứ thế lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ cho đến ngày chị Liên tròn 18 tuổi. Người ta thường nói tuổi 18 là tuổi long lanh nhất của người con gái. Là cái mốc quan trọng để bắt đầu thực hiện những ước mơ mình ấp ủ. Cánh cửa trường đại học mở rộng đón chị Liên. Bố mẹ tôi vui lắm. Bữa cơm nào mẹ tôi cũng dặn dò chị đủ thứ chuyện.
Đùng một cái chị Liên tuyên bố xanh rờn: “Con không đi đại học mà sẽ lấy chồng”. Bố tôi choáng váng như bị ai cầm thanh củi to phang vào đầu. Mẹ tôi hết lời khuyên can. Theo bố tôi nói thì ở cái tuổi 18 ăn chưa no, lo chưa tới mà đã vội lấy chồng để rồi sau này ân hận. Chị Liên không đổi ý. Chị còn nói: “Người ta đi học trường đại học thì con cũng đi học trường đời có kém cạnh gì đâu”. Có lẽ chị học được ý chí kiên định của bố nên không thay đổi. Bố tôi gầm lên: “Không nghề nghiệp, không kiến thức, mày định qua trường đời bằng tay không à?” Con tim chị không chịu nghe ai. Bất lực, bố mẹ tôi nén nỗi đau mà gật đầu khi nhà trai mang trầu cau đến hỏi. Ngày đưa chị về nhà chồng, bố tôi vừa thương vừa giận với ánh nhìn đau đáu khôn nguôi. Ông nói nhỏ với con gái: “Sau này sướng hưởng khổ chịu, đừng có về đây mà khóc than!”. Mẹ tôi níu tay chị mà dặn dò đủ thứ.
Người yêu chị Liên hơn chị 9 tuổi, là kỹ sư xây dựng đẹp mã, nói năng nhỏ nhẹ, dễ thuyết phục người nghe và biết cách kiếm tiền. Ngày hai người yêu nhau khi chị Liên vẫn còn là cô nữ sinh lớp 12 bồng bột ngây thơ, cuộc đời toàn là màu hồng. Cha mẹ chồng cũng như chồng chị hứa với bố mẹ tôi sau cưới vẫn để chị theo tiếp đại học. Ai cũng khen số chị tôi sướng.
Nhưng cánh cửa trường đại học mơ ước chưa kịp khai giảng thì chị Liên tôi đã mang bầu được hai tháng. Bố mẹ chồng, cả gia đình nhà chồng chị vui mừng khôn xiết. Họ bắt đầu nghĩ đến việc đặt tên cho cháu đích tôn. Anh rể tôi chiều vợ không để đâu cho hết. Bất kể người con gái nào khi lấy chồng cũng chỉ mong có thế. Có chăng chỉ bố tôi là lo lắng bởi cái tình cảm non nớt của chị Liên. Sự đau đớn lẫn giận hờn mỗi lúc ăm ắp trong lòng ông.
Chưa đầy 19 tuổi chị Liên tôi sinh con, một thằng cu bụ bẫm kháu khỉnh. Chị tôi sinh con ở cái tuổi mà bao bạn bè vẫn còn đang ngồi trên ghế giảng đường. Anh rể tôi tuy yêu vợ thương con nhưng cuộc đời này đâu chỉ có thế. Anh còn ngàn vạn thứ phải quan tâm. Từ khi có con, anh rể tôi như người khác. Anh ít về thăm vợ con. Chị Liên có hỏi thì anh bảo: “Công việc ngập đầu ngập cổ, đến uống nước còn không kịp”. Lúc khác anh lại bảo đi công tác dài ngày. Cái lý do mê mải kiếm tiền về nuôi vợ con rất dễ thuyết phục lòng người. Nhưng cái kim lâu ngày trong bọc phải lòi ra. Những chuyến công tác dài ngày cũng như lúc bận rộn là những lúc chồng chị vùi đầu vào những canh bạc thâu đêm. Mọi lời can gián khi nhẹ nhàng lúc to tiếng của chị cũng như của bố mẹ chồng đều như nước đổ lá khoai. Lần nào anh cũng hứa... Căn nhà vắng lặng tới mức chị nghe rõ cả tiếng thở của mình. Nhiều đêm nằm ôm con, chị nhớ bạn bè, nhớ sân trường nước mắt đẫm gối. Chị giận chồng, trách chồng. Nằm bên cạnh chồng mà chị cảm thấy xa lạ. Có lần mẹ chồng mắng chị: “Làm vợ thì phải biết giữ chồng chứ. Không biết chăm lo cho cái gia đình bé nhỏ thì làm được việc gì?”. Nhưng giữ bằng cách nào thì chị hoàn toàn không biết. Mới 19 tuổi đầu làm sao chị biết được mọi ngóc ngách của cuộc sống. Vả lại mái ấm gia đình chỉ có một người vun đắp thì chưa đủ. Mỗi ngày trôi qua là cảm giác chị như đi lạc vào một nơi không phải của mình. Chị tôi không có nhiều tham vọng. Chị chỉ cần một mái nhà nhỏ, kinh tế ổn định, một người chồng yêu thương, vài đứa con ngoan là đủ.
Những cuộc cãi vã xảy ra thường xuyên. Đồ dùng, bát đĩa tan nát sau một đêm. Chị Liên nức nở ôm con. Nếu không vì thằng nhỏ chắc chị tôi đã chia tay rồi. Tuổi thanh xuân tươi đẹp của chị đã vụt trôi trong nỗi đau mất mát của cuộc hôn nhân vội vã. Một cái tát nảy lửa từ bàn tay người chồng giáng vào má khiến chị chết lặng. Cái tát như giọt nước tràn ly. Thằng nhỏ sợ hãi khóc thét. Trong chị vỡ nát. Hai bàn tay chị nắm chặt run rẩy. “Phải ra đi thôi!”. Một tiếng nói bật lên trong chị. Chị không muốn con trai sống trong môi trường này mãi. Nếu không hôm nay thì ngày mai, ngày kia chị vẫn phải ra đi. Trong màn đêm gió mưa, bao nhiêu tủi hờn như lưỡi dao cứa sâu vào tim chị. Chị lặng lẽ ôm con về cha mẹ đẻ. Chị trở về với vòng tay bố mẹ, với hạnh phúc tuổi ấu thơ ngọt ngào, ấm áp.
Thế nhưng đón chị là cái nhìn sắc nhọn và câu nói lạnh lùng của bố tôi: “Mày cút đi cho khuất mắt tao. Bế con về với ông bà nội nó. Nhà tao không chứa đứa con như mày”. Chị tôi sững người định quay ra. Tôi bật lên: “Kìa bố! Chị Liên...”. Tiếng gọi của tôi chưa kịp thoát qua bờ môi đã bị ngay cái nhìn giận dữ của bố chặn lại. Mẹ tôi quỳ dưới nền nhà giá lạnh mà lạy lục van xin chồng: “Ông không thương con thì cũng nên thương cháu. Mưa gió này mẹ con nó biết đi đâu”. Tiếng ọ ẹ của thằng nhỏ như đánh thức bố tôi khiến lòng ông chùng xuống. Ông quay lưng bước vào nhà bỏ mặc mấy mẹ con tôi cùng thằng nhỏ. Mẹ tôi tay bồng cháu, tay dắt chị vào buồng trước đây là của chị em tôi.
Mấy hôm sau như chờ cơn sốc của mọi người dịu xuống, bố tôi giận dữ nói với chị: “Tao muốn mày trở lại giảng đường đại học. Mẹ mày đi theo chăm sóc thằng nhỏ. Tao cho thêm một năm ôn luyện”. Bố tôi còn nói nhiều... Theo ý tôi hiểu là bố mẹ tôi không thể đi theo chị em tôi hết đời được. Bản thân chị em tôi phải có nghề nghiệp để tự nuôi mình, nuôi con. Chị tôi im lặng. Từ trong khóe mắt tuôn rơi những giọt lệ ân hận nuối tiếc. Bố tôi hỏi lại vẫn với âm lượng như cũ: “Mày có làm được không?”. Chị tôi nhìn bố lấm lét trả lời khẽ: “Con làm được ạ”. Tôi nhìn bố. Chao ôi, mới có vài ngày mà bố tôi như người khác. Khuôn mặt ông hốc hác, da sạm, mắt trũng sâu, mái tóc gần như bạc hết. Bố mẹ tôi năm nay chạm ngưỡng sáu mươi mà vẫn còn phải chất lên vai những mối lo về con cái. Nhớ cái đêm chị Liên ôm con về trong mưa gió, lập tức bố mẹ tôi phóng xe hơn bốn chục cây số đến nhà thông gia tìm hiểu cụ thể. Tôi loay hoay với mẹ con chị Liên nhưng mắt vẫn dõi theo ánh đèn xe chìm dần trong màn mưa.
Nghe lời bố, sau một năm ôn tập lại, chị Liên đã thi đỗ đại học ngành kinh tế tài chính. Mẹ tôi cùng chị bế thằng nhỏ lên Hà Nội. Tháng tháng tôi lên Hà Nội thăm mẹ và thăm hai mẹ con chị đồng thời mang tiền của bố tôi gửi lên chu cấp. Nhìn thằng cháu lớn lên từng ngày tôi vui lắm. Bố tôi vui nhưng ông không hề tỏ thái độ. Chị tôi cũng trưởng thành hơn trước. Đã có vài người đàn ông bảo thương chị, thương thằng nhỏ. Lần này tim chị tôi như băng giá bỏ qua những lời ong bướm mà tập trung vào học. Chị như con chim bị bắn hụt sợ làn cây cong.
Bốn năm đại học vất vả rồi cũng qua. Chị trở về nơi đã sinh ra, nơi đã nhìn thấy chị lớn lên, thấy chị hạnh phúc và khổ đau. Một công ty liên doanh nhận ngay chị vào làm. Có lẽ người mừng nhất là bố tôi. Ông như trẻ lại. Ông gọi chị tôi về bảo: “Bố mẹ đã bàn với nhau sẽ xây cho con một ngôi nhà trên mảnh đất này. Rồi con cũng phải có gia đình riêng, ở mãi với bố mẹ sao được”. Thì ra dù giận con gái nhưng lòng thương của bố tôi không để đâu cho hết...
Thế nhưng đến một ngày chồng chị bất ngờ xuất hiện trước cửa nhà tôi. Bố mẹ tôi im lặng chờ phản ứng của con gái. Anh rể tôi khẽ hỏi chị cho có chuyện: “Em và con có ổn chứ? Trời ơi, con trai tôi lớn bằng ngần này rồi ư? Năm nay, con bắt đầu đi học hả?”. Anh ôm lấy thằng nhỏ. Thằng nhỏ lặng nhìn cha nó bằng đôi mắt lạ lẫm. Chị quay mặt đi. Ổn hay không thì mấy năm qua mẹ con chị đã chịu đựng rồi và anh cũng đã biết. Lòng chị bỗng xốn xang. Dù giận chồng nhưng từ trong sâu thẳm chị vẫn còn yêu anh nhiều lắm. Chưa khi nào anh ra khỏi tầm mắt chị. Ngược lại anh cũng thế. Anh là một kỹ sư giỏi, công ty nào cũng muốn có anh.
Từ đó cứ vài ngày anh lại đến thăm. Có lần anh dẫn cả bố mẹ cùng đến. Ông bà ngồi nói chuyện với bố mẹ tôi rất lâu. Chị tôi không vui vẻ đón nhận cũng không xua đuổi. Không phải chị tôi hết yêu chồng mà là chị tôi sợ cái quá khứ đã qua và lo lắng cho những ngày sắp tới. Mẹ đẻ anh khóc bảo chị tôi: “Nó đã biết sợ những ngày bài bạc gây ra tan cửa nát nhà rồi. Giờ tùy con quyết định”. Chị cũng muốn thằng con chị sống trong tình yêu thương của cả bố lẫn mẹ. Chị nợ con trai chị một mái nhà hạnh phúc. Chị nợ con trai chị một tuổi thơ êm đềm như bao đứa trẻ khác.
Một tối sau bữa cơm, bố tôi bảo chị: “Ông bà bên ấy trưa nay đến đây có lời xin lỗi. Cả chồng con nữa. Và muốn đón hai mẹ con về. Con nghĩ sao?”. Chén nước trong tay bố tôi xoay xoay. Lúc ấy tôi hiểu trong đầu bố tôi suy nghĩ mông lung lắm. Lâu sau bố tôi nói tiếp: “Đời người ai chả có lúc mắc sai lầm nhưng nó biết hối cải và phục thiện. Nghĩ cũng thương thằng chồng mày mấy năm xa con”. Chị tôi nén tiếng thở ra nhè nhẹ.
Hôm nay, anh rể tôi lại đến. Thằng nhỏ nhìn bố rồi nhìn mẹ. Chị khẽ đẩy vào vai con, bảo: “Con ra chào bố đi”.
Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/dung-day-394057.html