Đừng để bị phạt tiền triệu vì phạm luật giao thông khi đi xe máy

Đừng để bị phạt tiền triệu vì phạm luật giao thông khi đi xe máy
8 giờ trướcBài gốc
Nhiều người chọn phương án về quê ăn Tết bằng xe máy. Ảnh: Việt Linh.
Dịp cuối năm, không ít người lao động tại các thành phố lớn chọn phương án di chuyển về quê đón Tết bằng phương tiện xe cá nhân. Trong đó, xe 2 bánh được nhiều người lựa chọn làm phương tiện trên các chuyến hồi hương dịp Tết.
Để có được chuyến đi an toàn và trọn vẹn, dưới đây là một số lưu ý khi di chuyển về quê ăn Tết bằng xe máy.
Kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện
Khi di chuyển đường dài bằng xe 2 bánh, các chi tiết như lốp, bộ nhông sên dĩa, đèn chiếu sáng là những hạng mục quan trọng cần phải được kiểm tra.
Việc thay nhớt máy được khuyến khích để đảm bảo động cơ được hoạt động trơn tru trên suốt hành trình dài, có thể lên đến vài trăm km.
Gương chiếu hậu cũng là chi tiết cần được kiểm tra. Trong trường hợp chưa lắp ít nhất một gương chiếu hậu bên trái hoặc gương không đạt chuẩn, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt nặng. Chi tiết về quy định và mức xử phạt xem thêm tại đây.
Điều khiển xe máy thiếu gương chiếu hậu hoặc trang bị gương chiếu hậu không đúng tiêu chuẩn sẽ bị phạt. Ảnh: Đan Thanh.
Người điều khiển xe máy cũng cần lưu ý khung giờ từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau. Đây là thời điểm môtô, xe 2 bánh bắt buộc sử dụng đèn chiếu sáng, nếu không sẽ bị phạt 200.000-400.000 đồng theo nội dung Nghị định 168.
Mức phạt này cũng áp dụng cho hành vi điều khiển môtô, xe 2 bánh chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước.
Do đó, hệ thống đèn chiếu sáng cùng các đèn xi-nhan cũng cần được kiểm tra kỹ trước khi bắt đầu hành trình về quê bằng xe máy.
Hành lý gọn nhẹ để tránh bị phạt tiền triệu
Dịp cuối năm, nhiều gia đình di chuyển bằng xe máy về quê ăn Tết cũng tranh thủ mang theo quà biếu bên cạnh khá nhiều hành lý. Tuy nhiên, việc này có thể khiến người điều khiển xe 2 bánh bị phạt gần cả triệu đồng.
Nội dung điểm e khoản 3 Điều 7 Nghị định 168 quy định mức phạt 600.000-800.000 đồng với người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt vật nuôi, mang vác vật cồng kềnh.
Xe máy chở cồng kềnh có thể bị phạt nặng. Ảnh: Thế Bằng.
Trong trường hợp chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái của xe máy, người điều khiển phương tiện cũng bị phạt tương tự.
Do đó, hành trang về quê ăn Tết nếu chọn phương án di chuyển bằng môtô, xe 2 bánh cần gọn gàng, không quá cồng kềnh.
Trước mắt, việc này sẽ giúp quá trình điều khiển xe được an toàn, thuận tiện hơn, đồng thời cũng giúp tránh được khoản phạt vài trăm nghìn đồng.
Đừng đi nhầm vào cao tốc
Việc môtô, xe 2 bánh đi nhầm vào cao tốc không hiếm gặp tại Việt Nam, nhất là ở thời điểm lưu lượng xe máy tăng cao như các dịp lễ, Tết.
Người điều khiển xe máy có thể tránh được tình trạng đi nhầm vào cao tốc bằng cách chọn đúng chế độ dẫn đường trên ứng dụng Google Maps cho loại phương tiện phù hợp.
Chẳng hạn trên tuyến đường từ TP.HCM về tỉnh Đồng Tháp, chỉ đường cho ôtô sẽ vạch hướng đi qua 2 tuyến cao tốc gồm TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận.
Trong trường hợp lựa chọn chỉ đường cho xe máy, ứng dụng Google Maps sẽ bỏ qua các tuyến cao tốc này, thay vào đó hướng dẫn người dùng di chuyển qua các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Chỉ đường Google Maps cho xe máy (bên trái) sẽ không hướng dẫn người dùng đi vào cao tốc như chỉ đường cho ôtô (bên phải).
Nội dung điểm b khoản 7 Điều 7 Nghị định 168 quy định lỗi điều khiển môtô, xe 2 bánh đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng, đi kèm biện pháp xử lý bổ sung trừ 6 điểm giấy phép lái xe.
Trong trường hợp điều khiển môtô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc mà gây tai nạn, người vi phạm sẽ bị phạt 10-14 triệu đồng, trừ đến 10 điểm giấy phép lái xe.
Nếu không sử dụng các ứng dụng chỉ đường, người điều khiển môtô, xe 2 bánh cũng có thể tránh việc đi nhầm vào đường cao tốc bằng cách quan sát hệ thống biển báo.
Chạy đúng tốc độ, không vượt đèn đỏ
Những ngày cận Tết, lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao sẽ khiến việc điều khiển xe máy, ôtô trên đường đối diện nhiều nguy hiểm nếu di chuyển với tốc độ cao.
Nghị định 168 cũng đã tăng nặng mức phạt cho hành vi điều khiển môtô quá tốc độ, với tiền phạt 6-8 triệu đồng khi người vi phạm điều khiển xe quá tốc độ trên 20 km/h.
Đối với hành vi vượt đèn đỏ, người điều khiển môtô, xe gắn máy sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng, trừ 4 điểm giấy phép lái xe.
Phúc Hậu
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/dung-de-bi-phat-tien-trieu-vi-pham-luat-giao-thong-khi-di-xe-may-post1527001.html