Đừng để bụi mịn 'nuốt chửng' tương lai của Hà Nội

Đừng để bụi mịn 'nuốt chửng' tương lai của Hà Nội
9 giờ trướcBài gốc
Ô nhiễm đến mức báo động
Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội không phải là vấn đề mới, nhưng có lẽ đang ngày càng trầm trọng hơn.
Để nhìn rõ thực trạng không khí của Hà Nội, trước hết, cần hiểu rõ: Thế nào là ô nhiễm không khí?
Ô nhiễm không khí là hiện tượng xảy ra khi nồng độ bụi mịn và một số khí độc hại như NO2, SO2, CO, O3 vượt quá giá trị quy định trong quy chuẩn. Bụi mịn là bụi có kích thước hạt bằng hoặc nhỏ hơn 10 mm (bụi PM10), 2,5mm (bụi PM2.5) và 1mm (bụi PM1.0). Loại bụi này do kích thước quá nhỏ nên rất khó tự lắng đọng và có thể bị gió mang đi xa hàng ngàn km.
Ô nhiễm không khí có thể gây ra những bệnh lý nghiêm trọng như các bệnh phổi mãn tính, bệnh tim mạch, kích ứng da, thậm chí gây ung thư, bệnh não, đột quỵ và có thể tác động tới sức khỏe thai nhi.
Với cách hiểu như vậy, các số liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đều cho thấy Hà Nội đang là thành phố có mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất nước ta và là một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao trên thế giới, mà nguyên nhân chủ yếu là do bụi mịn.
Nồng độ bụi mịn PM2.5 và PM10 trung bình năm trong giai đoạn 2018-2020 ở Hà Nội vượt ngưỡng Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) từ 1,1 đến 2,2 lần và gấp nhiều lần khuyến nghị của WHO.
Nồng độ bụi mịn cao tập trung vào các khu vực trục đường giao thông lớn. Số ngày có nồng độ bụi mịn trong không khí ở mức kém và xấu chiếm tới trên 30% số ngày trong năm.
Bên cạnh các chỉ số quan trắc, về cảm quan cũng có thể nhìn thấy rõ tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội, bầu trời thành phố thường xuyên bị phủ một lớp khói mù xám xịt, tạo ra không khí ngột ngạt, khó thở và độc hại.
Hình ảnh mờ ảo của Hà Nội khi nhìn từ trên cao do bụi.
Bụi mịn phát sinh chủ yếu từ các hoạt động đốt như đốt nhiên liệu trong động cơ các phương tiện giao thông hoặc trong động cơ các máy móc, thiết bị công nghiệp, đun nấu, đốt rác,... và thường phát sinh gần mặt đất, nơi con người sinh sống.
Cũng có những trường hợp bụi mịn phát sinh từ các độ cao nhất định trên mặt đất, như bụi mịn từ các ống khói nhà máy, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện.
Các kết quả nghiên cứu, tính toán cũng của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho thấy nguồn phát thải bụi mịn lớn nhất tại Hà Nội là hoạt động giao thông, chiếm khoảng 56% tổng lượng bụi mịn, trong đó xe máy chiếm tỉ trọng rất lớn. Phát thải lớn từ xe máy là do loại xe này có tiêu chuẩn thấp hơn về phát thải lại không thường xuyên được bảo dưỡng định kỳ, cũng như số lượng xe máy quá lớn.
Nguồn phát thải bụi mịn lớn thứ 2 tại Hà Nội là sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp và làng nghề sử dụng các công nghệ cũ, thiết bị không đủ tiêu chuẩn và nhiên liệu bẩn nên tạo ra rất nhiều khói bụi và các loại khí độc.
Nguồn phát thải bụi mịn lớn thứ 3 tại Hà Nội là việc đốt các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ,... Việc đốt các phụ phẩm nông nghiệp thường xảy ra sau các kỳ thu hoạch và được thực hiện đồng thời trong thời gian tương đối ngắn trên những khu vực rất rộng.
Khói từ đốt phụ phẩm nông nghiệp có thể ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến chất lượng không khí trong các khu dân cư thuộc nội thành Hà Nội, đặc biệt là về đêm khi có sự ổn định của lớp không khí gần mặt đất.
Cách thức bụi mịn vận động
Thông thường, giai đoạn ô nhiễm không khí ở Hà Nội nghiêm trọng nhất sẽ tập trung vào thời kỳ cuối thu, mùa đông và đầu xuân, trong điều kiện thời tiết đặc biệt như khi trời lặng gió trước những đợt gió mùa đông bắc.
Điều này là bởi đặc tính của bụi mịn nói chung là chất háo nước nên khi có mưa, bụi mịn sẽ bị hấp thụ vào các hạt nước mưa và bị cuốn trôi xuống đất. Khi trời có gió lớn, gió sẽ tạo ra những xoáy lớn gần mặt đất, cuốn bụi mịn lên cao và pha loãng. Do vậy, nồng độ bụi mịn tại khu vực gần mặt đất sẽ bị giảm đi tới mức không còn gây hại cho con người.
Vào cuối mùa xuân, mùa hè và đầu thu, nhiệt lượng do ánh nắng mặt trời đưa tới mặt đất lớn nên mặt đất nóng hơn lớp không khí bên trên cả ban ngày và ban đêm. Do vậy, không khí gần mặt đất bị mặt đất đốt nóng, nhẹ hơn lớp không khí ở bên trên nên chuyển động lên phía trên và mang theo toàn bộ bụi mịn ở gần mặt đất lên cao và xáo trộn với các lớp không khí cao hơn.
Ngược lại, không khí từ xung quanh sẽ tràn vào để bù đắp cho lượng không khí bị mang lên cao. Quá trình này xảy ra liên tục sẽ làm lượng bụi mịn bị pha loãng và nồng độ bụi mịn tại khu vực gần mặt đất thấp hơn các giá trị quy định trong QCVN.
Do vậy, ngoại trừ những trường hợp lượng phát thải quá lớn (thí dụ như hỏa hoạn), ô nhiễm không khí hầu như không xảy ra vào thời gian này.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã đến mức báo động.
Tình hình ngược lại xảy ra vào cuối thu, mùa đông vào đầu xuân. Vào thời gian này của năm, do mặt trời ở Bán cầu nam, lượng nhiệt do ánh nắng mặt trời mang tới mặt đất tại khu vực Hà Nội nói riêng và Bắc Bộ nói chung là khá nhỏ. Do vậy, ánh nắng mặt trời chỉ giúp đốt nóng được mặt đất ở một mức độ không lớn.
Vào đêm, mặt đất bị đốt nóng không đủ sẽ bị lạnh đi nhanh chóng, chủ yếu do nó luôn phát ra bức xạ sóng có bước sóng lớn (thường được gọi là sóng dài). Mặt đất bị lạnh đi sẽ kéo theo lớp không khí phía trên nó bị lạnh đi theo. Lớp không khí gần mặt đất bị lạnh hơn và nặng hơn lớp không khí phía trên nó tạo ra hiện tượng nghịch nhiệt.
Do vậy, nó có xu thế tồn tại ổn định gần mặt đất và ngăn trở việc trao đổi không khí và bụi mịn giữa lớp không khí gần bề mặt và lớp không khí ở phía trên. Đặc biệt, trước những đợt gió mùa đông bắc, ban đêm hầu như không có gió và không khí thường có độ ẩm khá cao.
Do nhiệt độ không khí gần mặt đất giảm tới mức thấp hơn nhiệt độ điểm sương, các hạt bụi mịn với tính chất háo nước sẽ trở thành các nhân ngưng tụ hơi nước và trở thành những hạt sương mù. Bụi mịn không thoát được lên cao sẽ gây ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại khu vực gần mặt đất.
Độ ẩm không khí cao cùng với sương mù và bụi mịn tạo ra cảm giác khó chịu và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người, đặc biệt là những người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ, người có bệnh phổi, bệnh tim, bệnh khớp và các bệnh kinh niên khác.
Đây là lý do chính gây ra hiện tượng trước những đợt gió mùa đông bắc số người nhập viện gia tăng.
Gió mùa đông bắc về thường kèm theo mưa và luôn tạo gió mạnh. Mưa sẽ cuốn trôi lượng bụi mịn trong không khí và gió mạnh sẽ phá vỡ sự ổn định của lớp không khí gần mặt đất, cuốn lượng bụi mịn còn lại lên cao và pha loãng chúng. Vì vậy, ngay sau khi gió mùa đông bắc về không khí sẽ trở nên sạch hơn.
Các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí
Mọi số liệu hay lý lẽ để nói về mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội, rốt cuộc đều cho chúng ta thấy rằng đã đến lúc phải "Hành động".
Sẽ không có bất kỳ Thủ đô nào "Văn hiến – Văn minh - Hiện đại" mà không khí lại ô nhiễm đến mức báo động và bụi mịn thường trực trong từng hơi thở của người dân.
Và việc hiện thực hóa khát vọng phát triển Hà Nội là thành phố đáng sống phải bắt đầu từ việc cải thiện không khí và trả lại "màu xanh" cho bầu trời thủ đô.
Biện pháp duy nhất để giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Hà Nội là giảm lượng phát thải chất ô nhiễm vào không khí.
Thứ nhất là giảm thiểu phát thải các chất ô nhiễm từ hoạt động giao thông bằng cách thay thế các xe chạy xăng, dầu bằng các xe chạy điện. Vì việc sở hữu các xe liên quan đến quyền tài sản và khả năng chi trả của người dân nên việc này cần làm từng bước theo kế hoạch. Trước mắt, cần thực hiện kiểm định xe máy càng sớm càng tốt để đảm bảo giảm lượng khí thải từ loại phương tiện này.
Thứ hai là thu gom phụ phẩm nông nghiệp và phân loại rác thải để đốt rác phát điện.
Thứ ba là thực hiện tốt việc kiểm tra, áp dụng các công nghệ mới, sạch hơn cho các cơ sở công nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp để giảm thiểu phát thải chất ô nhiễm.
PGS.TS. Vũ Thanh Ca là một chuyên gia về các vấn đề môi trường. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, sau đó là Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học Công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hiện ông là Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
PGS.TS Vũ Thanh Ca
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/dung-de-bui-min-nuot-chung-tuong-lai-cua-ha-noi-204250403011600973.htm