Đừng để con 'mất kết nối'

Đừng để con 'mất kết nối'
4 giờ trướcBài gốc
Học sinh sử dụng điện thoại trong giò ra chơi. Ảnh: Ng. Hòa
Đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học thông báo trong nhóm lớp, nhiều em khối 5, đem điện thoại lên lớp và suốt tiết học cứ thấp thỏm không yên. Trống đánh, các em tìm ngay điện thoại trong hộc bàn. Thậm chí, có em ít vận động trong giờ ra chơi và không muốn chuyện trò, tương tác với bạn bè. Một số trường, hình ảnh đá bóng, đá cầu, nhảy dây… trên sân trường dần vắng bóng. Không ngoa để nói rằng, khi điện thoại thông minh xuất hiện trong trường học, đã mất đi sự kết nối giữa thầy và trò, giữa trò và trò, cũng như những vận động cần thiết. Giải thích vì sao thích "ôm máy" hơn chơi với bạn, một cô bé học lớp 5 kể, từ lâu điện thoại như người “bạn thân’’ của em, ở nhà bố mẹ không ai chịu chơi với em, mà nếu có chơi thì được một lát, bố mẹ lại xem điện thoại.
Từng chứng kiến bà nội ngoài 70 tuổi hàng ngày phải chở cháu trai 6 tuổi đến Trung tâm chăm sóc và can thiệp sớm để học phát âm. Cậu bé bị rối loạn ngôn ngữ, không muốn tiếp xúc với ai. Bà bộc bạch, cháu tôi học lớp 1 nhưng vẫn chưa nói "tròn vành, rõ chữ". Bố mẹ lo làm ăn nên cứ sau bữa cơm, các con tôi cứ “bận rộn” với chiếc điện thoại, iPad. Lúc thì chúng lên mạng xem phim, giải trí, ít khi dành thời gian trò chuyện cùng nhau. Thậm chí, nhà có hai phòng, cần gì cứ nhắn tin, chứ không trao đổi trực tiếp. Cháu tôi chẳng làm phiền bố mẹ, cứ suốt ngày chơi máy. Các con tôi cũng chẳng có thói quen ngồi kèm con học... Khi phát hiện cháu có dấu hiệu bất thường trong giao tiếp cả nhà mới tá hỏa, tôi phải đến chăm và trò chuyện với cháu hàng ngày.
Nhiều phụ huynh băn khoăn khi ở thời đại số, người lớn có nhu cầu tiếp cận với thế giới thông qua thiết bị di động nên phải chấp nhận thực tế này. Tuy nhiên, cho con sử dụng điện thoại di động đồng nghĩa việc cha mẹ cũng cần đồng hành, giám sát thay vì bỏ mặc con sống trong thế giới ảo, lơ là việc tương tác trực tiếp với những người xung quanh. Cô giáo Lan Anh, có hai con đều học trung học phổ thông. Cô bảo, dù bận rộn đến đâu tôi cũng tổ chức bữa ăn cho cả gia đình, mỗi ngày dành ít nhất 1 tiếng để trao đổi và chia sẻ với các con, tạo sự gắn kết giữa các thành viên. Cũng theo cô Lan Anh, tôi không cấm con sử dụng điện thoại thông minh, nhưng tôi thỏa thuận với các con về giới hạn thời gian khoảng 2 giờ/ngày. Các con chỉ được xem những kênh, chương trình hoặc các loại mạng xã hội mà tôi cho phép. Tất nhiên, vợ chồng tôi phải khuyến khích các con tham gia thể dục thể thao, công tác xã hội… để các con thấy hoạt động ngoài trời cũng thực sự hấp dẫn.
Trở lại với câu chuyện của cô giáo Lan Anh, cô thừa nhận, thực ra trong thời đại 4.0, cân bằng giữa công việc và con cái là một việc khó. Tuy nhiên, cô vẫn muốn dành thời gian nhiều hơn cho con, sẵn sàng lắng nghe và ở bên con, vì tuổi thơ của các con chỉ "lưu lại" trong một thời gian nhất định. Đừng để mất kết nối giữa bố mẹ và con cái chỉ vì mải mê với những chiếc điện thoại thông minh.
An Nhiên
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://baothuathienhue.vn/giao-duc/dung-de-con-mat-ket-noi-146282.html