Sáng 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Hai tiếng nói từ thực tiễn của đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) và đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đã mang đến một thông điệp, nguyện vọng của hàng triệu công nhân lao động đang sống trong cảnh ở trọ chật chội, thu nhập thấp, khát khao một chốn đi về đúng nghĩa.
Kiến nghị từ thực tiễn công nhân
Mở đầu phát biểu, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân thay lời cho hàng triệu người lao động thu nhập thấp gửi đến Quốc hội: “Chúng tôi, những người lao động với những suy nghĩ rất đơn giản, sống làm việc, có gia đình và có một mái nhà nhỏ để an cư, yên tâm làm việc, nuôi dạy con cái và phụng dưỡng cha mẹ. Dù chỉ đơn giản như thế nhưng là cả một ước mơ của chúng tôi, bởi một thực tế là tiền lương thì không tăng nhưng giá nhà và giá tiêu dùng thì cứ tăng liên tục”.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương). Ảnh: VPQH
Bà nhấn mạnh rằng, dù Luật Nhà ở đã ban hành, dù nhiều chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội đã được triển khai nhưng với thu nhập chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng, công nhân vẫn phải đối mặt với chi phí sinh hoạt, học phí, viện phí, điện nước, tiền thuê nhà và không đủ điều kiện vay thêm để mua nhà. “Giá nhà dù đã gọi là nhà ở xã hội thì vẫn vượt quá xa khả năng người lao động cùng với tiêu chí, quy trình, quy định thủ tục được xét duyệt đưa ra không phải dành cho những người có mức thu nhập như chúng tôi”, bà nói.
Đại biểu Trân cho rằng, nghị quyết thí điểm cần đặt ra yêu cầu thực tế, xây dựng một cơ chế hỗ trợ thiết thực để người thu nhập thấp có thể tiếp cận được nhà ở xã hội. Bà kiến nghị thành lập Quỹ nhà ở quốc gia tại trung ương và địa phương, mở rộng nguồn thu từ ngân sách và xã hội hóa, trong đó có quy định trích tối thiểu 50% từ số tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, bà chỉ rõ nhiều điểm chưa rõ ràng, như chưa xác định cụ thể tỷ lệ tối thiểu phân bổ từ chi đầu tư phát triển hàng năm của ngân sách nhà nước: “Tôi kính đề nghị Quốc hội và cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung quy định ngân sách nhà nước hằng năm, cả trung ương và địa phương, phải bố trí tối thiểu từ 1 - 2% tổng chi đầu tư phát triển để hình thành và vận hành quỹ nhà ở quốc gia”.
Đồng thời, cần quy định trách nhiệm đóng góp giữa trung ương và địa phương theo tỷ lệ dân số lao động, tình trạng nhà ở xã hội hiện có và nhu cầu thực tế. Bà cũng đề nghị phân loại địa phương theo nhóm có nhu cầu cao, trung bình, thấp để tránh dàn trải nguồn lực.
Một đề xuất đáng chú ý khác là việc xác lập giá trần hoặc giá sàn nhà ở xã hội theo từng khu vực. “Nếu không quy định, người lao động có thể tiếp tục rơi vào cảnh nhà ở xã hội không thể chạm tới được vì giá vẫn vượt xa thu nhập”, bà cảnh báo. Cuối cùng, bà đề nghị xác định quy mô quỹ, mục tiêu hỗ trợ cụ thể để đảm bảo khả năng giám sát, đánh giá hiệu quả của chính sách.
“Chúng tôi không cần một căn hộ cao cấp, một căn nhà đầy đủ tiện nghi mà chỉ mong có được một nơi ở tươm tất để nghỉ ngơi, vui đùa cùng con cái sau những giờ làm việc cực nhọc, với giá cả hợp lý để thuê, để thuê mua hoặc sở hữu trong khả năng của mình,... Xin đừng để giấc mơ có nhà của công nhân mãi chỉ là mơ”, bà Trân nói và nhấn mạnh, đó là những lời chia sẻ, gửi gắm của cử tri là những người lao động thu nhập thấp gửi đến quý vị đại biểu Quốc hội để cùng suy ngẫm, cảm thông và chia sẻ.
Cần chính sách trả góp không lãi suất và cơ chế kép
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) tiếp cận nghị quyết từ góc độ thực tế địa phương, khẳng định nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn, đặc biệt tại các đô thị và khu công nghiệp. Ông nêu 4 bất cập lớn: Người dân có nhu cầu thật nhưng khó tiếp cận vốn vay; doanh nghiệp e ngại đầu tư do đầu ra thiếu ổn định; quy hoạch, quỹ đất và thủ tục hành chính chưa đồng bộ; chính sách mới chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, chưa quan tâm đúng mức tới người mua.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh). Ảnh: VPQH
Ông dẫn chứng cụ thể: “Người mua nhà ở xã hội vay được 500 triệu đồng với lãi suất 4,8% trong 25 năm thì hàng tháng phải trả 3,7 triệu đồng, trong đó 2 triệu đồng là tiền lãi. Với mức lương 8 triệu đồng, người lao động chỉ còn lại hơn 4 triệu để trang trải toàn bộ sinh hoạt”.
Từ đó, ông kiến nghị xây dựng gói chính sách kép: Một là cho vay ưu đãi dài hạn, cấp bù lãi suất hoặc hỗ trợ giá thuê nhà; hai là chính sách trả góp không lãi suất trong 3 - 5 năm đầu, phần còn lại được trả góp trong 10 - 15 năm, trả trước 10 - 30% giá trị căn hộ, sử dụng căn hộ làm tài sản đảm bảo và cam kết không chuyển nhượng trong 5 năm.
Ông đề xuất nguồn vốn cho chính sách từ Quỹ nhà ở quốc gia, qua Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các định chế tài chính được chỉ định. Cùng với đó, ông nhấn mạnh cần phân bổ ít nhất 30 - 50% nguồn quỹ cho hỗ trợ trực tiếp người dân mua nhà. Đặc biệt, cần thiết lập Hội đồng quản lý quỹ độc lập có đại diện Nhà nước, công đoàn, chuyên gia và người dân để bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả.
“Muốn phát triển thị trường nhà ở xã hội bền vững, không chỉ kích cung mà phải kích cầu bằng chính sách thiết thực, nhân văn và khả thi”, ông nói. “Người dân không chỉ là đối tượng được phục vụ mà còn là người tạo nên thị trường, tạo nên niềm tin, tạo nên động lực cho cả hệ thống”.
Hai phát biểu tại hội trường đã chạm tới trái tim của hàng triệu công nhân lao động, không chỉ kêu gọi chính sách nhân văn mà còn kiến tạo một hệ thống cơ chế có thể vận hành hiệu quả.
Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Tại phiên thảo luận có 18 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao và nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó các đại biểu tập trung thảo luận về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; quỹ Nhà ở quốc gia; giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Hoàng Nhưỡng