Đừng để hậu quả cả đời

Đừng để hậu quả cả đời
17 giờ trướcBài gốc
Trước đó, Công an thị xã Phú Thọ tiến hành kiểm tra, phát hiện tại nơi ở của các đối tượng có hoạt động chế tạo, sản xuất pháo. Cơ quan Công an đã thu giữ 7 giàn pháo hoa tự chế, khối lượng 18kg và 150kg dây cháy chậm, hóa chất dùng để sản xuất pháo hoa giả. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thị xã Phú Thọ đang tiếp tục điều tra mở rộng.
N.V.L và vợ là N.T.T.V bị khởi tố về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”. Ảnh: baovephapluat.vn
Càng về thời điểm cuối năm, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo diễn biến càng phức tạp, nhất là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép. Bên cạnh đó, tình trạng tự chế pháo dẫn đến tai nạn cũng gia tăng. Đáng chú ý, đối tượng trong nhiều vụ việc lại là thanh niên, học sinh, sinh viên. Như ngày 7-12, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) tiếp nhận cấp cứu 4 học sinh bị thương nặng do pháo nổ. Các em trong độ tuổi 13-14, cùng trú tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), nhập viện cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng, sưng phù toàn bộ vùng mặt, cẳng tay, bàn tay, cẳng chân với diện tích bỏng 10-20% cơ thể. Trước đó, nhóm học sinh kể trên lên mạng xem hướng dẫn chế tạo pháo rồi mua nguyên vật liệu về làm theo, trong quá trình làm pháo thì xảy ra vụ nổ.
Điều 5 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo quy định nghiêm cấm các hành vi như: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, sử dụng pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ. Đồng thời, nghiêm cấm hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức. Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình: Phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo; hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng pháo dưới mọi hình thức. Ngoài bị xử lý về mặt hành chính, người có hành vi liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo còn có thể bị xử lý hình sự theo các tội quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể: Người đốt pháo nổ, pháo hoa nổ trái phép gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội có thể bị phạt tiền 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.
Tự chế, tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ là hành vi vi phạm pháp luật, dễ gây nên những hiểm họa khôn lường. Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức của mình trong chấp hành nghiêm pháp luật.
NGUYỄN HUYỀN
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/dung-de-hau-qua-ca-doi-808870