Đừng để thói vị kỷ biến mình thành người vi phạm pháp luật!

Đừng để thói vị kỷ biến mình thành người vi phạm pháp luật!
8 giờ trướcBài gốc
Hình ảnh chiếc ô-tô bị chủ nhà trên đường Lý Thái Tổ (Đà Nẵng) gắn thêm “ốp-sình” để “dằn mặt” chủ xe.
Tình trạng chủ nhà, cửa hàng mặt phố ngang nhiên chiếm dụng toàn bộ chiều ngang vỉa hè trước nhà và cả lòng đường xảy ra khá phổ biến, khi họ tự ý đặt biển cấm dừng, đỗ xe ô-tô... Không chỉ “xí phần” vỉa hè, lòng đường mà có trường hợp còn có hành vi cố tình phá hoại, sơn vẽ bậy lên xe ô-tô đậu trên đường (trước mặt nhà) để “dằn mặt” chủ xe.
Mới đây, dư luận tại Đà Nẵng “dậy sóng” với nhiều ý kiến trái chiều về vụ việc chủ nhà trên đường Lý Thái Tổ (P. Thạc Gián, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) gắn thêm “ốp-sình” không đụng hàng lên 1 chiếc ô-tô đậu đỗ trên đường Lý Thái Tổ. Điều đáng nói, chủ xe cũng rất chú ý khi đậu xe chừa lối đi thông thoáng cho gia chủ nhưng không hiểu sao lại bị đối xử như thế. Ngay sau đó, Công an phường Thạc Gián đã gửi giấy mời vợ chồng chủ nhà ấy đến cơ quan Công an làm việc và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Như Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã nhiều lần phản ánh về tình trạng chiếm dụng lòng đường thành của riêng, tự ý đặt vật cản, để bảng cấm ô-tô đậu đỗ... Rõ ràng, những hành vi này là bột phát nhưng thực tế lại là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Thậm chí, những mâu thuẫn nhỏ xuất phát từ cách ứng xử chưa đúng mực đó cũng sẽ dẫn đến nguyên nhân gây mất trật tự công cộng, thậm chí xảy ra hậu quả nặng nề hơn.
Theo quy định của pháp luật, hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác (như xịt sơn, cào xước sơn xe…), tùy vào mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự, hành chính và phải bồi thường dân sự. Theo điểm a, khoản 2, Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ: Hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức thì bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Trường hợp giá trị tài sản bị hủy hoại đủ để cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt từ 10 triệu - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm - 5 năm.
Thiết nghĩ, vỉa hè, lòng đường là công trình công cộng, không ai được chiếm dụng. Vì vậy, cả người lái xe và chủ nhà mặt phố cần có cách ứng xử phù hợp. Người lái xe phải quan sát kỹ khi lưu thông; dừng, đỗ xe trước cổng cơ quan, trường học, hàng quán, nhà dân đúng quy định. Về phía các chủ nhà mặt phố không được chiếm dụng lòng đường, vỉa hè trước nhà mình làm của riêng, sống hài hòa để góp phần xây dựng hình ảnh văn minh, thân thiện. Đừng vì những lợi ích vật chất nhỏ mà trở nên ích kỷ, có hành vi ứng xử thiếu thân thiện, vi phạm các chuẩn mực về văn hóa, đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức trong thực hành nếp sống văn minh đô thị. Thay vì hành động bột phát, người dân nên phản ánh với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời đối với những trường hợp đậu xe sai quy định. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, nhằm tạo môi trường sống văn minh hơn.
QUANG PHÚC
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/dung-de-thoi-vi-ky-bien-minh-thanh-nguoi-vi-pham-phap-luat-post303476.html