Dừng đèn đỏ: Chờ giây về 0 hay chờ đèn xanh mới di chuyển?

Dừng đèn đỏ: Chờ giây về 0 hay chờ đèn xanh mới di chuyển?
9 giờ trướcBài gốc
Tại các giao lộ trong các đô thị lớn của Việt Nam, đồng hồ đếm ngược trên hệ thống đèn giao thông đã trở nên quen thuộc. Nó giúp người điều khiển phương tiện có thể ước lượng thời gian chờ đèn đỏ hoặc thời điểm chuẩn bị chuyển sang đèn xanh. Tuy nhiên, không ít người điều khiển phương tiện dựa hoàn toàn vào con số trên đồng hồ đếm, thay vì căn cứ vào chính tín hiệu màu của đèn.
Theo đó, khi đèn đỏ còn một giây, nhiều người đã vội vã nhấn ga, thậm chí có người nhích xe trước khi đèn chuyển xanh. Điều này dẫn tới một câu hỏi: khi dừng đèn đỏ, người dân nên chờ cho đồng hồ về 0 hay phải đợi chính xác khi đèn chuyển xanh thì mới được phép di chuyển?
Theo Điều 11, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, tín hiệu đèn màu gồm ba loại cơ bản: đèn đỏ có nghĩa là cấm đi, đèn vàng là tín hiệu chuyển tiếp, yêu cầu dừng lại trừ khi đã vượt qua vạch dừng, còn đèn xanh là tín hiệu cho phép đi.
Quan trọng nhất, khoản 4 của điều luật này xác định rằng tín hiệu điều khiển giao thông có thể có hoặc không có thiết bị hiển thị thời gian đếm ngược, nhưng dù có hay không thì người tham gia giao thông bắt buộc phải tuân theo tín hiệu đèn màu, không phải theo thời gian đếm. Đồng nghĩa với việc, việc đèn đỏ còn 1 giây, 2 giây hay đã đếm về 0 hoàn toàn không cho phép phương tiện được rời vạch dừng nếu đèn vẫn chưa chuyển sang xanh.
Tình trạng người dân di chuyển khi đèn đỏ còn 1 - 3 giây diễn ra khá phổ biến, nhiều tài xế còn cho rằng đèn đỏ về 0 giây (dù chưa chuyển xanh) là đã có thể di chuyển.
Cách hiểu sai lệch rằng 'đèn đếm về 0 là được đi' xuất phát từ tâm lý nóng vội phổ biến của người tham gia giao thông, đồng thời cũng do nhiều người lầm tưởng rằng đồng hồ đếm là tín hiệu chính thức, thay thế cho màu đèn. Đây là nhận thức sai và có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông.
Đồng hồ đếm ngược, xét về bản chất kỹ thuật cũng chỉ là một công cụ hỗ trợ. Nó giúp người điều khiển chuẩn bị tinh thần cho việc dừng hoặc di chuyển. Tuy nhiên, như khẳng định từ đại diện Cục Cảnh sát giao thông, đây không phải là tín hiệu chính và hoàn toàn không có giá trị pháp lý để điều chỉnh hành vi.
Trên thực tế, ở một số nút giao, do lỗi kỹ thuật hoặc hạ tầng cũ, đồng hồ đếm có thể hoạt động không khớp hoàn toàn với tín hiệu đèn, dẫn đến tình trạng lệch giây, gây hiểu nhầm. Vì thế, luật chỉ thừa nhận duy nhất tín hiệu đèn màu làm căn cứ xác định vi phạm.
Người tham gia giao thông chỉ được phép di chuyển khi đèn giao thông chuyển sang xanh, bất kể đồng hồ đếm ngược đã về 0 hay chưa.
Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định người điều khiển ô tô vượt đèn đỏ hoặc di chuyển khi chưa có tín hiệu đèn xanh sẽ bị phạt tiền từ 18 đến 20 triệu đồng, người điều khiển xe máy bị phạt từ 4 đến 6 triệu đồng.
Người tham gia giao thông cần tuân thủ nghiêm túc tín hiệu màu của đèn, không hành xử theo đồng hồ đếm. Đồng hồ chỉ có giá trị hỗ trợ dự báo, không phải là căn cứ pháp lý. Việc di chuyển khi đèn chưa xanh không chỉ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn mà còn bị xử phạt nặng theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Tuân thủ đúng tín hiệu đèn là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo an toàn giao thông và chấp hành pháp luật.
CSGT Hà Nội xử lý hành vi điều khiển xe máy đi lên vỉa hè.
Thành Long
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/dung-den-do-cho-giay-ve-0-hay-cho-den-xanh-moi-di-chuyen-169250512220734662.htm