Từ người có tiền "nhàn rỗi" nhận đáo hạn
Giữa tháng 11/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét chỗ ở đối với Phạm Thị Lệ (45 tuổi, trú Tổ 8, phường Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo hồ sơ điều tra ban đầu, từ tháng 02 đến 7/2023, Phạm Thị Lệ dùng thủ đoạn gian dối là hỏi vay tiền của nhiều người để làm đáo hạn ngân hàng, làm cho những người này tin là thật. Sau khi nhận được tiền từ những người này, Phạm Thị lệ không làm đáo hạn mà chuyển cho nhiều người khác nhau để cho vay, trả nợ, trả lãi cho những người mà Lệ đã vay trước đó. Bước đầu, Cơ quan CSĐT tra xác định có 5 bị hại với số tiền 3 tỷ đồng.
Trong vụ án này, nguồn tiền để bị hại cho vay không phải sẵn có mà phải đi vay mượn, huy động từ người thân, bạn bè để cho các đối tượng vay nhằm hưởng chênh lệch. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, đối tượng lừa đảo bị bắt giữ, các bị hại đều hy vọng sẽ được lấy lại được số tiền đã mất. Theo một số nạn nhân cho biết, từ trước đến nay, hoạt động cho vay tiền để đáo hạn ngân hàng diễn ra âm thầm nhưng rất phổ biến.
Nguyễn Tuấn Cường, Phạm Thị Lệ bị bắt tạm giam
Từ cuối tháng 11/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi nhận nhiều đơn của người dân tố cáo ông Nguyễn Tuấn Cường (SN 1986), Phó Giám đốc một ngân hàng tại Quảng Ngãi và vợ bà Nguyễn Thị Bích Khuê (SN 1987), làm việc tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh; cả hai trú phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền dưới hình thức mượn tiền làm đáo hạn ngân hàng, kinh doanh mua bất động sản....
Có trường hợp tố cáo vợ chồng Nguyễn Tuấn Cường và Nguyễn Thị Bích Khuê có hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên chục tỷ đồng. Cường và Khuê cũng đã đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi đầu thú và khai nhận rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cặp vợ chồng này tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản, mua đất rồi bán lại để kiếm lời. Ngoài ra, cả hai còn làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng, vay tiền của người dân để cho khách hàng (đang nợ tiền ngân hàng) vay trả nợ ngân hàng.
Đến lãnh đạo ngân hàng lừa đáo hạn
Vợ chồng Cường - Khuê vay tiền của nhiều người nên dẫn đến nợ tiền và mất khả năng trả nợ. Để có tiền trả lãi và tiền gốc cho những người đã vay, cả hai còn vay tiền của nhiều người dân và nói dối mục đích vay để làm đáo hạn ngân hàng hay kinh doanh... Các bị hại tin tưởng là thật, đưa tiền mặt hoặc chuyển tiền qua tài khoản cho vợ chồng Cường. Sau đó, cặp vợ chồng này viết giấy vay tiền, ghi rõ mục đích để "đáo hạn ngân hàng". Cường dùng tiền chiếm đoạt để trả nợ hết cho người khác.
Ngoài ra, Cường nói dối với người thân, bạn bè là đang cần tiền để làm đáo hạn ngân hàng và cần tiền để mua đất rồi bán lại kiếm lời. Cường nhờ những người bị hại đứng ra vay tiền của người khác rồi đưa cho mình vay lại, sau đó làm đáo hạn xong và bán đất sẽ trả lại tiền gốc và tiền lời. Tin tưởng thật nên nhiều người đứng ra vay tiền của người dân với mục đích "đáo hạn ngân hàng" rồi chuyển tiền lại cho Cường. Đối tượng chiếm đoạt và dùng số tiền này trả nợ cho những người đã vay trước đó. Bước đầu xác định Nguyễn Tuấn Cường và Nguyễn Thị Bích Khuê đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 13 bị hại với số tiền trên 61 tỷ đồng.
Theo Trung tá Trần Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của vợ chồng Cường - Khuê cũng như Phạm Thị Lệ với phương thức như trên thường lợi dụng sự hám lợi từ người cho vay.
"Lợi dụng kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn không có nguồn vốn sẵn để thực hiện đáo hạn ngân hàng. Các đối tượng thường lấy mác của nhân viên tín dụng của ngân hàng, hoặc là các đối tượng không có nghề nghiệp, tuy nhiên giới thiệu mình có những quen biết nhất định đối với nhân viên ngân hàng. Từ đó làm trung gian làm vốn của người dân thực hiện việc đáo hạn ngân hàng. Các đối tượng thường cam kết là trả lãi và gốc đúng hạn, đồng thời trả lãi suất cao 0.3% đến 0.5% trên ngày", Trung tá Trần Thanh Tùng thông tin.
Những năm vừa qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn đáo hạn ngân hàng diễn biến có chiều hướng gia tăng, tính chất rất phức tạp. Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi tập trung đấu tranh quyết liệt đối với loại tội phạm này.
Công an tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo người dân, khi thực hiện việc cho vay phải thực hiện đúng quy định pháp luật về cho vay vốn, đảm bảo lãi suất theo quy định; các ngân hàng cần kiểm tra thật kỹ thông tin của người vay từ các nguồn khác khác nhau. Ngân hàng Nhà nước cần phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động đáo hạn tại các ngân hàng thương mại tỉnh Quảng Ngãi; đồng thời nhanh chóng cung cấp thông tin liên quan khi cơ quan điều tra yêu cầu.
SỰ LUÂN