“Đâu lại vào đó”, là nhận xét của nhiều người khi chứng kiến chợ “cóc” hoạt động nhộn nhịp tại một số tuyến đường hay tình trạng lấy trọn vỉa hè làm nơi buôn bán, để xe, đặt biển quảng cáo vẫn diễn ra trên nhiều tuyến phố ở địa bàn TP. Đông Hà. Đơn cử như chợ “cóc” hoạt động từ khoảng 9 - 12 giờ hằng ngày tại đoạn giao đường Trương Hán Siêu - Lê Thế Hiếu ở Phường 1.
Trước đó, vào tháng 10/2024, để nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo trật tự đô thị, UBND TP. Đông Hà đã tổ chức phát động ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn với sự tham gia của cấp ủy, chính quyền các phường, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thành phố.
Tại sự kiện này, lãnh đạo UBND 9 phường, các cơ quan chức năng đã ký cam kết triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đảm bảo trật tự đô thị. Sau buổi lễ, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm, nhờ vậy trật tự đô thị được đảm bảo, diện mạo phố phường thông thoáng, văn minh hơn.
Vậy nhưng, sự vào cuộc đồng bộ, liên tục của lực lượng chức năng không được duy trì thường xuyên nên “đâu lại vào đó”, một bộ phận người dân vẫn bất chấp các quy định về trật tự đô thị để mưu sinh, làm mất trật tự, mỹ quan thành phố trung tâm tỉnh lỵ.
Sau khởi đầu rất ấn tượng của phong trào “Chống rác thải nhựa” với hàng loạt cuộc phát động, ra quân hưởng ứng cùng rất nhiều hoạt động thiết thực ở các địa phương thì đến nay, phong trào mang nhiều ý nghĩa này đang lắng xuống.
Điều này thể hiện rất rõ qua việc sau một thời gian gần như tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị dùng chai thủy tinh đựng nước thay thế cho chai nhựa sử dụng một lần thì đến nay việc dùng chai nhựa đựng nước đã phổ biến trở lại. Túi ni lông vẫn được rất nhiều người sử dụng, phổ biến trong đựng vật dụng, hàng hóa, khi đi chợ, siêu thị. Đến một bất kỳ một cơ sở kinh doanh nào, đặc biệt là đồ ăn, thức uống, khách hàng đều nhận được thứ mình cần được gói trong túi ni lông, hộp nhựa, ly nhựa kèm theo đó là thìa, nĩa, ống hút cũng được làm bằng nhựa. Thực tế này khiến rác thải nhựa chiếm tỉ lệ cao trong tổng lượng rác phát sinh hằng ngày ở các địa phương.
Những vấn đề trên không chỉ diễn ra ở địa bàn tỉnh Quảng Trị mà còn là thực tế ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.Vì sao đảm bảo trật tự đô thị và chống rác thải nhựa chưa mang lại hiệu quả như mong muốn?
Có thể thấy rằng, nguyên nhân sâu xa là các phong trào, đợt cao điểm này được phát động rộng khắp nhưng các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội chưa duy trì thường xuyên hoạt động hưởng ứng. Công tác tuyên truyền, vận động; việc kiểm tra, đánh giá quá trình triển khai thực hiện chưa được quan tâm đúng mức.
Chưa có hình thức động viên, biểu dương những nhân tố có nhiều việc làm thiết thực, có sức lan tỏa cao trong đảm bảo trật tự đô thị, chống rác thải nhựa cũng như phê bình hay xử lý những trường hợp thiếu ý thức trong thực hiện... Bên cạnh đó là những khó khăn trong huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện; nhận thức của một bộ phận cán bộ, người dân chưa cao.
Thực tiễn cũng cho thấy, có không ít phong trào, đợt cao điểm được phát động nhưng hiệu quả chưa cao do tình trạng làm qua loa, chiếu lệ.
Việc tổ chức các phong trào, đợt cao điểm là cần thiết, nhất là khi nó khởi đầu cho một chuỗi hành động để hướng tới một xã hội ngày càng văn minh và tiến bộ hơn. Để các phong trào, đợt cao điểm có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo các giai tầng xã hội hưởng ứng tham gia, mang lại hiệu quả tích cực và lâu dài hơn thì cần phải khắc phục được tính hình thức, làm không đến nơi đến chốn.
Khi phong trào phát huy được hiệu quả cần phải duy trì, nhân rộng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thực hiện. Cùng với đó, cần xây dựng hoàn thiện, thống nhất hệ thống pháp luật để bảo đảm cho xã hội luôn vận động, phát triển trong trạng thái ổn định và được kiểm soát tốt.
Anh Quân