Đừng làm xấu hình ảnh du lịch

Đừng làm xấu hình ảnh du lịch
7 giờ trướcBài gốc
Du khách quốc tế tham quan tại đền Ngọc Sơn - hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: P.Sỹ.
“Con sâu làm rầu nồi canh”
Ngành du lịch đã ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc trong 6 tháng đầu năm 2025. Tuy nhiên, để không chỉ thu hút mà còn tạo được ấn tượng tốt và giữ chân du khách lâu dài, việc nâng cao chất lượng dịch vụ, giữ môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện vẫn là yếu tố then chốt.
Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ một hộ kinh doanh hải sản vì hành vi bán hàng hóa có sai lệch trọng lượng vượt quá phạm vi cho phép theo quy chuẩn đo lường.
Vụ việc bắt nguồn từ phản ánh của du khách trên mạng xã hội về tình trạng “cân một nơi, bán một nẻo” khi mua hải sản tại bãi biển Sầm Sơn. Đây chỉ là một hiện tượng nhỏ của một số cá nhân. Tuy nhiên dư luận nhanh chóng lan truyền các hình ảnh, bình luận tiêu cực, khiến ngành du lịch địa phương ảnh hưởng không nhỏ.
Hay như tại Hà Nội, cơ quan Công an đã khẩn trương truy tìm cặp vợ chồng giả mạo ứng dụng (app) đặt xe để chiếm đoạt tiền của khách nước ngoài. Cũng liên quan đến tình trạng taxi “chặt chém” du khách, vào cuối tháng 6 vừa qua, nhóm du khách người Philippines đến Việt Nam du lịch đã bị một tài xế taxi dù “chặt chém” 1,4 triệu đồng cho quãng đường chưa đầy 1km (quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tới nút giao phố Hàng Tre - Lò Sũ, Hà Nội). Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Công an phường Hoàn Kiếm xác định được danh tính của tài xế, người này thừa nhận hành vi và đã trả lại cho khách 1.370.000 đồng.
Chỉ vài vụ mang tính chộp giật cũng sẽ để lại ấn tượng xấu cho du khách quốc tế, bởi trong thời đại công nghệ số, những hình ảnh này sẽ lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, gây tổn hại đến uy tín du lịch Việt Nam và các địa phương.
Nhìn nhận về thực trạng này, PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, tình trạng “chặt chém” thường xuất hiện vào các thời điểm có lưu lượng khách lớn. Những hiện tượng xảy ra gần đây phần lớn tập trung vào mùa cao điểm du lịch, khi lượng khách đổ về đông, một người tranh thủ ép giá, nâng giá, gây ảnh hưởng cho ngành du lịch.
Tình trạng chặt chém du khách của một số người không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến danh tiếng và uy tín của điểm đến, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Không dừng lại ở đó, hành vi thiếu văn minh này còn tác động tiêu cực đến văn hóa xã hội, làm lu mờ hình ảnh thân thiện, mến khách vốn là giá trị cốt lõi của du lịch Việt Nam.
Ngăn chặn từ gốc
Những con số tăng trưởng ấn tượng của ngành du lịch những tháng đầu năm đã chứng minh, môi trường du lịch ở nước ta đã được cải thiện rất nhiều so với trước. Những vụ việc diễn ra trong thời gian qua là những hạt sạn khó tránh khỏi khi mà lượng khách du lịch tăng cao.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, thực tế, không ít nơi tuy có hành lang pháp lý khá đầy đủ nhưng lại buông lỏng quản lý, dẫn đến việc các hành vi tiêu cực vẫn tái diễn. Một quán ăn “chặt chém”, một tài xế taxi gian lận hay thái độ thiếu thân thiện của người phục vụ… đều có thể khiến nỗ lực quảng bá của ngành du lịch bị xóa nhòa trong mắt du khách. Chính vì thế, cần tăng cường chế tài xử phạt một cách mạnh mẽ, dứt khoát.
“Cụ thể, việc công khai thông tin, lên án hành vi sai trái, thậm chí nêu tên những cá nhân, tổ chức vi phạm là điều nên làm. Với những người kinh doanh sai phạm, có thể áp dụng hình thức tước giấy phép kinh doanh tạm thời; nếu tái phạm nhiều lần thì cần tước vĩnh viễn” - ông Long đề xuất, đồng thời cho rằng, cần thiết lập các đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh từ du khách, đồng thời ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.
Bên cạnh các biện pháp hành chính, căn cốt để giải quyết vấn đề này, theo ông Long, vẫn là công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng. Đây được xem là nhiệm vụ mà các Sở VHTTDL địa phương cần thực hiện nghiêm túc, không chỉ vào mùa cao điểm mà ngay cả trong mùa thấp điểm du lịch. Các doanh nghiệp, hội nghề nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhằm kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm.
Ở góc nhìn tương tự, GS.TS Từ Thị Loan - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, để ngăn chặn tình trạng bắt chẹt du khách, trước hết cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Song song đó, việc nâng cao nhận thức, giáo dục về đạo đức và văn hóa ứng xử cũng là yếu tố then chốt. Đặc biệt, cần tận dụng sức mạnh của dư luận xã hội thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là mạng xã hội, để phê phán, lên án và điều chỉnh các hành vi lệch chuẩn.
Cùng chung quan điểm, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á cho rằng, một trong những việc cần làm ngay là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc ứng xử văn minh với du khách. Chỉ khi nào người dân thực sự thay đổi nhận thức và hành động, ngành du lịch mới có thể phát triển bền vững. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần siết chặt quản lý hoạt động buôn bán hàng rong, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Việt Nam đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế
Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), ngành du lịch Việt Nam đã đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2025. Riêng trong tháng 6/2025, lượng khách quốc tế đạt gần 1,5 triệu lượt, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 đã tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước, vượt 25,7% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19). Con số này cũng vượt qua tổng lượng khách quốc tế của cả năm 2016 (10 triệu lượt).
Kết quả tích cực này là thành quả từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là các chính sách miễn thị thực, cấp thị thực điện tử thông thoáng và các chương trình xúc tiến du lịch đa dạng, sáng tạo.
So với mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách trong năm nay của Cục Du lịch, 6 tháng đầu năm lượng khách đón thực tế tại Việt Nam mới đạt gần 49%. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Việt Nam vẫn có thể đạt được con số 22 triệu lượt vì mùa cao điểm du lịch cuối năm (tháng 10 đến 12) mới là thời điểm bứt phá khi khách đổ xô đến tránh đông.
T.H.
Phạm Sỹ
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/dung-lam-xau-hinh-anh-du-lich-10309722.html