Chỉ nên bôi nghệ khi vết thương đã khô và lên da non (thường từ 2–4 ngày sau chấn thương nhẹ). Ảnh minh họa
Hoạt chất curcumin và vai trò trong làm lành vết thương
Thành phần chủ yếu mang lại tác dụng chữa lành của nghệ là curcumin – một hợp chất có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa mạnh mẽ. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng curcumin giúp thúc đẩy quá trình tái tạo mô, tăng sinh tế bào mới và làm giảm tình trạng sưng đỏ, nhiễm trùng trên da.
Theo một công trình nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Wound Healing (Mỹ), curcumin có khả năng ức chế các gốc tự do và thúc đẩy hoạt động của các enzyme chống viêm, giúp vết thương mau khô, giảm tiết dịch và nhanh lên da non. Đồng thời, hoạt chất này còn có thể làm giảm hình thành sẹo lồi bằng cách điều chỉnh quá trình sản sinh collagen tại vị trí vết thương.
Những lợi ích nổi bật của nghệ đối với vết thương ngoài da
Kháng khuẩn, ngừa nhiễm trùng
Nghệ có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, nấm và virus gây bệnh ngoài da. Việc bôi nghệ lên vết thương đã được chứng minh có thể giúp ngăn chặn nhiễm trùng, đặc biệt trong các vết trầy xước, đứt tay nhẹ hoặc vết mụn.
Giảm viêm, giảm sưng tấy
Khi da bị tổn thương, phản ứng viêm sẽ diễn ra để loại bỏ vi khuẩn và kích hoạt cơ chế sửa chữa. Tuy nhiên, viêm quá mức có thể kéo dài thời gian phục hồi. Curcumin giúp điều hòa phản ứng viêm, hạn chế sưng đau, từ đó rút ngắn thời gian lành thương.
Thúc đẩy tái tạo mô và liền sẹo
Nghệ giúp kích thích sản sinh tế bào biểu mô và collagen – hai yếu tố quan trọng trong việc phục hồi tổn thương da. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với những người có cơ địa để lại sẹo thâm hoặc sẹo lồi.
Làm sáng vùng da bị tổn thương:
Sau khi lành, vùng da bị thương thường có màu sẫm hơn bình thường. Nhờ đặc tính chống oxy hóa mạnh, nghệ giúp làm mờ vết thâm và đều màu da, mang lại làn da sáng khỏe tự nhiên.
Khi nào nên bôi nghệ để vết thương mau lành?
Dù nghệ mang lại nhiều lợi ích, nhưng không phải lúc nào bôi nghệ lên vết thương cũng mang lại hiệu quả tích cực. Việc chọn thời điểm bôi nghệ đúng cách, đúng lúc là yếu tố quyết định sự thành công của phương pháp này.
- Giai đoạn nên bôi nghệ:
Chỉ nên bôi nghệ khi vết thương đã khô và lên da non (thường từ 2–4 ngày sau chấn thương nhẹ), không còn chảy máu hoặc dịch mủ. Giai đoạn này, da bắt đầu tái tạo, curcumin sẽ giúp hỗ trợ làm lành nhanh hơn và hạn chế hình thành sẹo. Với mụn trứng cá, chỉ nên bôi nghệ sau khi nhân mụn đã được lấy sạch và vết thương bắt đầu khô.
- Giai đoạn không nên bôi nghệ:
Tuyệt đối không bôi nghệ vào vết thương hở, đang rỉ máu hoặc chảy dịch. Điều này có thể gây nhiễm khuẩn, thậm chí khiến vết thương lâu lành hơn do nghệ tạo môi trường ẩm dễ sinh vi khuẩn nếu không được vệ sinh đúng cách. Tránh dùng nghệ tươi trực tiếp khi không đảm bảo vệ sinh, vì có thể gây kích ứng da, đặc biệt với người có cơ địa nhạy cảm.
Một số lưu ý khi dùng nghệ để chăm sóc vết thương ngoài da
Hiện nay, nghệ có thể được sử dụng ở nhiều dạng: nghệ tươi giã nát (nên dùng nghệ đã rửa sạch, sát khuẩn để tránh vi khuẩn từ đất, bùn); tinh bột nghệ (an toàn hơn và ít gây kích ứng. Có thể trộn với mật ong để đắp mặt hoặc bôi lên vùng da lành); kem nghệ, gel nghệ y tế (các sản phẩm chiết xuất curcumin được bào chế chuyên biệt, dễ sử dụng, hiệu quả và vệ sinh hơn so với nghệ tươi).
- Không nên dùng nghệ bôi quá nhiều lần trong ngày. Trung bình nên bôi 1–2 lần/ngày và theo dõi phản ứng của da.
- Luôn vệ sinh sạch vùng da trước khi bôi nghệ để tránh viêm nhiễm.
- Dừng sử dụng nếu có dấu hiệu kích ứng, ngứa, nổi mẩn.
- Không dùng nghệ bôi cho vùng da quá rộng hoặc vết thương sâu mà chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Nếu lo ngại nghệ vàng gây loang màu da, có thể chọn các sản phẩm gel nghệ không màu hoặc tinh chất curcumin dạng nano.
Vân Lê