Học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm trên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn thuộc phường Hóa An, thành phố Biên Hòa. Ảnh: Đ.Tùng
Bình luận dưới tin Một người đi xe đạp điện bị xe tải tông tử vong tại Biên Hòa được trích dẫn trên Facebook Báo Đồng Nai ngày 18-11 và trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người cho rằng, vụ việc đau lòng này là “lời” cảnh tỉnh cho phụ huynh khi cho con tự đi xe đến trường. Tai nạn sẽ còn tiếp diễn nếu phụ huynh cứ phó mặc, giao xe cho con điều khiển khi không được trang bị các kỹ năng lái xe an toàn, không nắm rõ pháp luật về giao thông đường bộ…
Thót tim với cách chạy xe của trẻ
Cho trẻ tham gia giao thông bằng xe đạp điện đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là các em học sinh chưa có kỹ năng chạy xe an toàn khi ra đường…
“Thấy thương cháu quá, một chút sơ sẩy phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình” - tài khoản Facebook Lê Minh viết.
Tài khoản Su Hồng bình luận: “Xin chia buồn cùng gia đình nạn nhân. Hiện nay, rất dễ bắt gặp cảnh học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện không quan sát, lấn làn đường, phóng nhanh, không đội mũ bảo hiểm. Vì sự an toàn của con, phụ huynh nên cân nhắc trước khi giao xe cho trẻ”. “Một số xe đạp điện còn gỡ kính chiếu hậu nên rất khó quan sát khi ra đường; ga của xe đạp điện cũng tăng tốc khá nhanh. Trẻ không đủ kỹ năng chạy xe rất dễ xảy ra tai nạn giao thông, phụ huynh nên cân nhắc” - tài khoản Thúy Hồng bình luận.
Tương tự, tài khoản Facebook Hồng Hạnh viết: “Có cháu chạy xe, phóng từ trong hẻm ra hết nửa lộ, chạy lạng qua lạng lại, muốn bang là bang. Chiều đi làm về thấy mấy cháu học sinh đi xe đạp điện là sợ lắm luôn”.
Tài khoản Ly Trần kể: “Hôm qua, thấy 2 bé chắc học trung học cơ sở phi xe đạp điện đoạn ngã tư Tân Phong về Hố Nai. Xe ô tô đã đi gần sát con lươn, chỉ còn một khoảng cách nhỏ thế mà tụi nhỏ cũng lách vô để vượt lên cho bằng được, mình thấy mà sởn da gà, hên là tụi nhỏ không bị gì, chắc người lái xe ô tô thót tim”.
“Trong hẻm nhà mình hôm bữa vì né xe đạp điện chạy ẩu mà một người chạy xe máy đâm thẳng vào cột điện. Phụ huynh nên nhắc nhở các con chạy cẩn thận, kẻo hại mình hại người” - tài khoản Facebook Hùng Phi viết.
Để hạn chế tai nạn giao thông
Nhiều lần chứng kiến các vụ việc mất an toàn liên quan đến học sinh chạy xe đạp điện, ông Trần Quang Đạt (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do các em chưa có kỹ năng chạy xe, chưa hình thành ý thức tốt khi tham gia giao thông. Nhiều phụ huynh chủ quan, phó mặc con sử dụng xe khi chưa nắm rõ cách vận hành, cách lưu thông trên đường sao cho đúng luật, an toàn. Thậm chí, khi chở con ra đường còn không đội mũ bảo hiểm cho trẻ, không chấp hành pháp luật giao thông dần tạo thói quen ỷ y cho con trẻ, không quan tâm đến việc bảo toàn tính mạng…
Thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh với tâm lý thương con, muốn mua sắm cho con phương tiện đi lại. Mặt khác, do bận đi làm nên không thể đưa đón con đến trường. Tuy nhiên, không ít phụ huynh lại không phân biệt được các loại xe máy điện, xe đạp điện, điều kiện độ tuổi được phép điều khiển… nên giao xe không phù hợp cho trẻ điều khiển. Nhiều trường hợp thiếu giám sát, dẫn đến trẻ tự ý “độ, chế”, nâng công suất của xe so với thiết kế, dẫn đến thiếu an toàn.
Phân tích những yếu tố thiếu an toàn khi sử dụng xe đạp điện, anh Phạm Bảo Quốc (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, xe đạp điện theo quy định thì tốc độ tối đa chỉ 25km/h. Nhưng hiện nay xuất hiện tình trạng “độ, chế”, tăng khả năng của loại xe này lên đến 40-50km/h, tương đương với tốc độ xe máy. Học sinh dưới 16 tuổi mà sử dụng xe với tốc độ này rất nguy hiểm. Mặt khác, khi vận hành không phát ra tiếng động nên khi vượt xe khác, phương tiện lưu thông cùng chiều rất khó phát hiện để tránh.
“Phụ huynh cần nắm rõ các yếu tố trên để chọn xe phù hợp với từng độ tuổi học sinh; chú ý hướng dẫn trẻ các kỹ năng sử dụng và chạy xe an toàn khi ra đường, nhất là nắm các quy định pháp luật về giao thông cơ bản khi ra đường. Thực tế, tai nạn giao thông liên quan xe đạp điện hoàn toàn có thể kiểm soát, phòng tránh được nếu người tham gia giao thông, nhất là các em học sinh, tự nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm quy định về tốc độ, đội mũ bảo hiểm và quy tắc giao thông” - anh Quốc nói.
Thời gian qua, ngành giáo dục và các cơ quan chức năng trong tỉnh thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị, trường học tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, phụ huynh chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ. Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã và đang đồng loạt ra quân xử lý học sinh vi phạm giao thông. Tuy nhiên, dù việc tuyên truyền, xử phạt học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông được quan tâm nhưng đến nay vi phạm vẫn còn nhiều. Từ đó cho thấy, vấn đề này cần tiếp tục được quan tâm nhiều hơn với các giải pháp hữu hiệu hơn từ phía gia đình và nhà trường để giúp học sinh đi học và về nhà an toàn hơn.
Kim Liễu