Dùng sâu bột để xử lý rác thải nhựa
Mới đây, Trung tâm quốc tế về sinh thái và sinh lý học côn trùng (ICIPE) ở Nairobi (Kenya) đã tìm ra giải pháp đầy hứa hẹn để phân hủy rác thải nhựa, đó là dùng sâu bột. Sâu bột (mealworm) là ấu trùng thuộc loài bọ cánh cứng tối màu, tên khoa học là Alphitobius, có khả năng tiêu hóa nhựa hiệu quả.
Theo bà Fathiya Khamis, tác giả chính của dự án ICIPE, trong khi châu Phi chỉ tạo ra 5% và sử dụng 4% nhựa toàn cầu thì việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đang gia tăng, khiến lục địa này trở thành nơi ô nhiễm thứ hai về nhựa.
Nhóm nghiên cứu đã xác định được các vi khuẩn quan trọng trong ruột của loại sâu bột này có khả năng phân hủy nhựa. Các nhà khoa học đã thử nghiệm khả năng tiêu thụ polystyrene của loài sâu bột nói trên với những loại nhựa siêu nhỏ tích tụ trên cả đất liền lẫn dưới nước.
Mặc dù thường bị nhầm với những con sâu thông thường nhưng sâu bột là ấu trùng của bọ cánh cứng sẫm màu. Loại sâu này cũng đã được sử dụng trên thế giới để phân hủy nhựa sinh học nhưng đây là lần đầu tiên, sâu bột ở châu Phi được kiểm chứng có khả năng phân hủy nhựa tốt.
Hiện các nhà khoa học đang đánh giá khả năng của loài sâu này trong việc phân hủy nhựa dẻo, một trong những loại vi nhựa chính đang tích tụ nhanh chóng cả trong đất và nước, nhất là vi nhựa có trong xốp, vật liệu được sử dụng trong hộp đựng thực phẩm, bao bì thiết bị, đĩa và cốc dùng một lần, vật liệu cách nhiệt trong xây dựng phổ biến ở châu Phi hiện nay.
Mai Nguyễn (Tổng hợp)