Năm 2025, ông Phạm Văn Hải bước sang tuổi 61. Trước khi công tác trong ngành nông nghiệp, ông từng là giáo viên từ năm 1984 -1992. Khi chuyển về làm ở ngành nông nghiệp, ông phụ trách nhiều mặt như: nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, địa chính… Qua quá trình công tác, nhận thấy Thới An Hội là một xã thuần nông nhưng trình độ canh tác của người dân còn rất lạc hậu dẫn đến năng suất lúa thấp, đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn nên năm 1996 ông đã tự bỏ tiền túi đăng ký học lớp Trung cấp thủy lợi để có thêm nhiều kiến thức nông nghiệp hỗ trợ nông dân trong sản xuất.
Ông Phạm Văn Hải đo độ mặn trên sông vào mùa khô. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN
Bước ngoặt cuộc đời ông Hải được mở ra từ năm 2000 khi ông được dự án DANIDA của Đan Mạch chọn tham gia làm cộng tác viên trong chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng. Trong quá trình tham gia dự án, ngoài việc được học tập kiến thức chuyên môn qua các lớp tập huấn, ông còn được tạo điều kiện đi học tập kinh nghiệm ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, nhờ vậy mà chuyên môn về nông nghiệp của ông ngày càng hoàn thiện, góp phần hỗ trợ nông dân địa phương giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, cải thiện thu nhập.
Năm 2005, Dự án DANIDA tại địa phương hoàn thành với nhiều kết quả khả quan, ông Phạm Văn Hải được nhiều chuyên gia của dự án gợi ý tạo điều kiện cho ông học tập nâng cao trình độ chuyên môn để tiếp tục đồng hành cùng chương trình tại nhiều địa phương khác nhưng ông đã từ chối để ở lại quê nhà hỗ trợ nông dân trong sản xuất. Và cứ như chú chim sâu cần mẫn giúp người nông dân, ngày từng ngày qua, đôi chân ông Hải không biết đã lội qua bao nhiêu cánh đồng, bao nhiêu vườn cây ăn trái ở quê nhà, nơi nào ông đi qua là nơi ấy rộn vang tiếng cười vui, mừng vụ mùa thắng lợi.
Rồi thiên tai bất ngờ ập đến Kế Sách quê ông, đó là vào những ngày cuối năm 2015 khi mà những cơn gió chướng ngoài sông Hậu bắt đầu ồ ạt kéo về báo hiệu một mùa xuân mới sắp đến, người người nhà nhà lại nô nức chuẩn bị đón Tết sau một vụ mùa thắng lợi thì “giặc” mặn bất ngờ xâm nhập, chỉ trong một thời gian ngắn chúng đã “làm chủ” được tất cả các sông, rạch trên địa bàn huyện. Người dân thì hoàn toàn bất lực, trở tay không kịp, bởi trước giờ Kế Sách luôn là một vùng đất ngọt lành, cây trái quanh năm tươi tốt, mấy ai lại nghĩ đến việc một ngày nào đó nước mặn sẽ kéo đến bủa vây tứ phía. Vậy mà…!
Dù vậy, trong cái khó lại ló cái khôn. Hạn, mặn thì sức người không thể chống chọi được nhưng việc phòng ngừa để giảm thiểu thiệt hại do chúng gây ra thì hoàn toàn nằm trong tầm tay con người. Thế là ông Hải và những cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Kế Sách lại nghĩ ra cách lập nhóm Zalo Thông tin hạn, mặn của huyện cũng như của từng xã trong huyện để kịp thời dự báo tình hình thời tiết giúp người nông dân phòng tránh những rủi ro do thiên tai gây ra trong sản xuất. Bên cạnh đó, địa phương cũng được cấp trên đầu tư lắp đặt nhiều trạm đo độ mặn cũng như cung cấp thiết bị đo độ mặn đến tất cả các xã trong huyện. Một hành trình mới lại mở ra với ông Hải.
Việc đo độ mặn tưởng chừng đơn giản nhưng không hề dễ dàng chút nào, bởi ngoài yêu cầu biết sử dụng thành thạo máy móc thì người đo mặn phải có kinh nghiệm nhất định trong khâu dự báo. Chẳng hạn khi nắm được thông tin độ mặn tại vàm Đại Ngãi lên đến 4‰ thì vàm Nhơn Mỹ của huyện Kế Sách bắt đầu ảnh hưởng, phải kịp thời kích hoạt cơ chế đo mặn trên toàn địa bàn huyện để nông dân kịp thời phòng tránh. Ngoài ra, các thông số khác như: gió, thủy triều, lượng mưa, lượng nước từ thượng nguồn đổ về… cũng ảnh hưởng nhất định đến công tác dự báo hạn, mặn.
Thường thì việc đo độ mặn ở nhiều nơi chỉ diễn ra vào con nước lớn ban ngày nhưng ông Hải lại lựa chọn phương án “săn mặn” cả ngày lẫn đêm để đảm bảo an toàn cho việc sản xuất của nông dân. Suốt mấy tháng dài của mùa hạn, mặn, không đêm nào ông Hải được tròn giấc ngủ, khi mọi người yên giấc cũng là lúc ông bắt đầu công việc một cách thầm lặng. Đường sá ở quê nhiều chỗ vẫn còn khó khăn nên khi lưu thông vào ban đêm gặp phải tai nạn không phải là chuyện hiếm. Ông Hải cũng không nhớ là cả mình và xe đã từng “tắm” sông vào giữa khuya bao nhiêu lần nữa. Những lúc như vậy, ông lại nghĩ đến những thiệt hại to lớn của nông dân nếu rơi vào tình cảnh hạn, mặn, vậy là ông lại gạt bỏ nỗi đau riêng mình để tiếp tục hành trình đem lại niềm vui cho mọi người.
Ngoài việc thông tin kịp thời về diễn biến độ mặn của con nước đến nông dân, ông Hải còn chú trọng việc tuyên truyền ý thức phòng, tránh hạn, mặn để bà con thực hiện tốt. Theo ông, đây là khâu then chốt quyết định kết quả của “cuộc chiến” chống “giặc” mặn. Bởi nếu chuẩn bị tốt các khâu từ gia cố bờ bao, cống bọng, xảm mội… thì “giặc” mặn có mạnh đến đâu cũng không thể nào vượt qua được những phòng tuyến vững chắc ấy.
Sắp tới, hệ thống cống ngăn mặn được tỉnh Sóc Trăng đầu tư trên địa bàn huyện Kế Sách sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Công việc đo mặn của ông Hải rồi cũng dừng lại, ông sẽ bớt đi những đêm dài trăn trở, nụ cười cũng sẽ viên mãn trên môi, nhưng với nông dân thì hình ảnh người cộng tác viên nông nghiệp hiền lành, chân chất, mấy mươi năm gắn bó với đồng ruộng, vườn cây cùng họ vẫn còn đọng lại mãi, cùng đồng hành trên con đường xây dựng nền nông nghiệp huyện nhà ngày càng hiện đại hơn, tiên tiến hơn.
QUÁCH TẤN THUẦN