Cơ quan công an đã phát hiện đường dây sản xuất 573 nhãn hiệu sữa giả, trong đó có nhiều loại dành cho trẻ sinh non, phụ nữ có thai, người già, người suy thận…, và đã bắt tạm giam một số đối tượng liên quan.
Gần 600 nhãn hiệu sữa giả đã được bán ra thị trường. Ảnh: VTV.
Dùng sữa giả và các sản phẩm sữa kém chất lượng có những nguy cơ gì?
Trước hết, phần lớn các sản phẩm mà chúng ta quen gọi là “sữa bột” thực ra không phải hoặc không đơn thuần là sữa, mà là sản phẩm (bột pha thức uống) dinh dưỡng, nếu theo đúng tiêu chuẩn thì cần đáp ứng được những nhu cầu dinh dưỡng nhất định của những nhóm người dùng nhất định. Người sử dụng khi dùng sẽ có được những chất dinh dưỡng, thường là dễ hấp thu, mà cơ thể họ cần, như canxi, protein, các loại vitamin…
Sữa giả, hoặc các sản phẩm sữa/ sản phẩm dinh dưỡng giả, thì không có hoặc có rất ít chất dinh dưỡng, thậm chí có thể được thay bằng các loại bột, phụ gia, hóa chất… Vì vậy, người dùng không những không có được những chất dinh dưỡng mà cơ thể cần (có thể dẫn tới thiếu dinh dưỡng) mà còn có thể chịu nguy cơ bị các bệnh về đường tiêu hóa, thận, gan, bị dị ứng, nếu dùng lâu dài có thể còn có nguy cơ bị các bệnh nan y.
Một số loại sữa bột giả bị cơ quan công an phát hiện. Ảnh: VTV.
Vậy làm sao nhận ra được sữa giả hoặc các sản phẩm sữa/ sản phẩm dinh dưỡng giả, kém chất lượng?
Việc này không dễ, vì các sản phẩm bị làm giả rất đa dạng. Theo một số trang y tế thì có một vài cách xác định phổ biến mà người dùng có thể thực hiện như sau:
- Kiểm tra mùi: Sữa giả thường có mùi không tự nhiên, đôi khi hơi giống mùi xà phòng, bởi một số đối tượng làm giả có thể cho một ít chất tẩy rửa vào sữa giả, khiến sản phẩm khi được khuấy lên có vẻ đặc, có màu giống sữa và có bọt.
- Kiểm tra cặn bột: Pha sữa xong (khuấy kỹ), bạn hãy múc một thìa nhỏ ra cái đĩa, nếu thấy có cặn hay bột trắng không tan được thì sữa đó có thể là giả hoặc kém chất lượng.
- Kiểm tra màu: Nhiều sản phẩm sữa có màu trắng, nhưng không trắng sáng. Nếu sữa trông rất trắng, thậm chí trắng lóa lên thì sữa đó có thể có hóa chất.
- Kiểm tra chất tẩy rửa: Trộn một lượng nhỏ sữa bột với nước vào cái cốc và lắc mạnh, nếu thấy có một lớp bọt dày như xà phòng thì sữa đó có thể có những chất mà không người dùng nào mong muốn.
Sau khi lắc sữa pha với nước, sữa thật chỉ có một lớp bọt mỏng (hình bên trái), còn sữa giả (có chất tẩy rửa) có lớp bọt dày, đặc (hình bên phải). Ảnh: Down To Earth.
Làm thế nào để tránh mua phải sữa giả hoặc các sản phẩm sữa/ sản phẩm dinh dưỡng giả, kém chất lượng?
Vì đây là những sản phẩm dinh dưỡng quan trọng, nên người dùng nên mua từ những cửa hàng uy tín và của những thương hiệu uy tín. Khi mua, nên xem kỹ bao bì sản phẩm, vì thường thì các hãng uy tín cũng làm bao bì rất cẩn thận, in chữ rõ ràng. Các sản phẩm giả hoặc không đạt chất lượng thì thường hộp đựng cũng không đẹp, in lô sản xuất và hạn sử dụng không rõ. Ngoài ra là giá cả, đồ giả thường được bán với giá thấp hơn nhiều so với đồ thật.
Thục Hân