Dừng tìm kiếm người mất tích trong vụ lũ quét Làng Nủ

Dừng tìm kiếm người mất tích trong vụ lũ quét Làng Nủ
4 giờ trướcBài gốc
Thông tin trên được ông Nông Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai cho biết vào sáng nay 10/10. Việc dừng tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích đã được thống nhất với người dân địa phương trong cuộc họp vào cuối tháng 9 trước đó.
Tính đến nay vụ sạt lở đất, lũ quét rạng sáng 10/9 khiến 33 hộ dân ở Làng Nủ bị vùi lấp, 40 gia đình bị ảnh hưởng, 60 người chết, 7 người hiện vẫn mất tích.
Hết hôm nay 10/10, dừng tìm kiếm người mất tích tại vụ sạt lở Làng Nủ.
Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã huy động 650 người, bao gồm bộ đội Quân khu 2, biên phòng, các đơn vị chó nghiệp vụ, công an và dân quân địa phương để tham gia tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, việc tìm kiếm gặp khó khăn do hiện trường sạt lở rộng, bùn đất cứng lại và có lúc bị gián đoạn do mưa lớn kéo dài khiến nước lũ tràn về kéo theo bùn đất.
Hiện những người may mắn thoát nạn, các hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao được bố trí tập trung ở nơi tạm cư trong khi chờ khu tái định cư đang xây dựng cách vị trí cũ 3 km. Dự kiến đến hết tháng 12/2024, khu tái định cư sẽ hoàn thành.
Ông Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ cũng cho biết, trong những ngày qua, gần 200 người của địa phương cùng với nhiều máy móc đã tiếp tục khoanh vùng tìm kiếm nhưng không phát hiện thêm nạn nhân mất tích.
"Sau khi dừng tìm kiếm, nếu hộ gia đình nào nghi ngờ người thân mất tích ở các điểm, khu vực nào sẽ thuê máy móc hoặc báo cáo chính quyền địa phương để hỗ trợ tìm kiếm...", ông Diệp nói.
Trước đó, Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tại Làng Nủ đã thông báo có thêm hai nạn nhân được xác định danh tính từ kết quả giám định ADN các mẫu thu thập từ cuối tháng 9, đầu tháng 10.
Xác định nguyên nhân ban đầu của vụ lũ quét
Theo PGS. TS Nguyễn Châu Lân, Phó trưởng Bộ môn địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết: Bước đầu chúng tôi xác định nguyên nhân gây nên thảm họa Làng Nủ là lũ bùn đá. Theo đó có tới 1,6 triệu m³ bùn đất, đá và nước xuất phát từ đỉnh núi Con Voi cách Làng Nủ 3,6km đã dội xuống thôn.
"Trong quá trình di chuyển khối đất đá đã bị tắc nghẽn tại một khu vực hẹp chỉ rộng khoảng 100m, cách điểm phát sinh sạt lở khoảng 2km. Vị trí này vô tình tạo thành một đập chắn tự nhiên, làm tăng nguy cơ vỡ lũ. Thời điểm xảy ra lũ, lượng mưa tại khu vực rất lớn, với tổng lượng mưa tích lũy lên tới 633mm, trong đó lượng mưa theo giờ đạt 57mm, khiến khối lũ bùn đá di chuyển cực kỳ nhanh", ông Lân nói.
Các nhà khoa học sử dụng mô hình 3D kết hợp dữ liệu thực địa và ảnh vệ tinh để tính toán, đã xác định, dòng lũ chỉ mất khoảng 5 phút (300 giây) để từ đỉnh núi tràn xuống ngôi làng. Kết quả mô phỏng cho thấy chiều sâu tích tụ dòng bùn là 8 - 15m, nơi sâu nhất khoảng 18m, vận tốc dòng chảy rất lớn tới 20 m/giây. Do đó, thời gian chảy từ trên núi xuống (cho cả quãng đường 3,6 km) là khoảng 10 - 15 phút.
PGS. TS Nguyễn Châu Lân cho biết thêm, tại khu vực xã Bảo Khánh, lượng mưa tích lũy ngày 9/9 là 500 mm. Như vậy, nhiều khả năng ở khu vực đỉnh núi Con Voi đã phát sinh trượt lở ban đầu từ ngày 9/9 nhưng người dân ở thôn Làng Nủ chưa ai cảm nhận được sẽ có lũ bùn đá.
Anh Thư
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/dung-tim-kiem-nguoi-mat-tich-trong-vu-lu-quet-lang-nu-94036.html