Người dân chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông khi tham gia giao thông.
Nghị định 168/2024/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe” có mức phạt tăng mạnh so với trước như người điều khiển ô tô vượt đèn đỏ bị phạt 18 - 20 triệu đồng (tăng khoảng 4 lần so với mức phạt cũ). Đối với người điều khiển mô tô, xe máy vượt đèn đỏ bị phạt 4 - 6 triệu đồng (tăng hơn 3 lần so với mức phạt cũ). Đi ngược chiều với người điều khiển xe máy sẽ bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng (tăng hơn 3 lần so với Nghị định 100)...
Mục tiêu chính của việc tăng mạnh mức phạt nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, qua đó góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc và tình trạng coi thường pháp luật của một bộ phận người dân hiện nay.
Song, với việc tăng mạnh mức phạt hành chính cũng đã và đang tạo ra những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, trong đó có ý kiến cho rằng số tiền phạt lớn hơn cả mức thu nhập hàng tháng của người lao động. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng với việc ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một số người còn thấp, thậm chí cố tình vi phạm thì việc “đánh vào kinh tế” chính là một biện pháp có tính răn đe và đòi hỏi người điều khiển phương tiện giao thông phải tuân thủ nghiêm các quy định khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, cũng có ý kiến phản ánh tình trạng hạ tầng giao thông ở một số nơi chưa đồng bộ, bảo đảm như cột đèn tín hiệu giao thông ở một số ngã ba, ngã tư bị lỗi khiến người tham gia giao thông lúng túng, lo ngại nếu vì lỗi tín hiệu đèn mà bị phạt sẽ mất tiền oan...
Lợi dụng tình hình trên, các tổ chức phản động đã đăng tải trên các trang mạng xuyên tạc, bóp méo sự thật và lan truyền thông tin sai lệch. Theo đó, trên trang của tổ chức Việt Tân có bài viết “Tăng mức phạt đối với vi phạm giao thông là để thưởng cho lực lượng cảnh sát giao thông”. Còn trên một số diễn đàn mạng xã hội, các đối tượng bóp méo nội dung Nghị định 168, rêu rao rằng việc tăng mức xử phạt giao thông chỉ là công cụ để làm giàu ngân sách, làm lợi cho lực lượng công an...
Thực tiễn cho thấy, việc tăng mức xử phạt là một trong những biện pháp để bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa. Trên thế giới, các nước phát triển như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan... sự nghiêm minh của pháp luật là một trong các yếu tố quan trọng và cốt lõi để góp phần đảm bảo trật tự xã hội và an toàn giao thông của các nước. Bởi vậy, các quốc gia này đã giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn tính mạng của người dân và tạo nên hình ảnh đẹp của một quốc gia văn minh khi du khách đến du lịch hay học tập, làm việc.
Ở nước ta, trước tốc độ đô thị hóa và mật độ giao thông tăng cao gần đây, việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển để đảm bảo giao thông an toàn là rất cần thiết. Bởi vậy, việc áp dụng mức xử phạt cao theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP chính là từng bước xây dựng ý thức chấp hành pháp luật giao thông, tạo nền tảng cho một xã hội tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi của mọi người dân.
Với việc Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực và đưa vào sử dụng, những người luôn có ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ hoàn toàn ủng hộ và hưởng ứng. Theo ghi nhận tại các nút giao thông có hệ thống đèn tín hiệu trên địa bàn TP Thanh Hóa khi bắt đầu chuyển sang đèn vàng, hầu hết người tham gia giao thông đều chấp hành dừng đèn đỏ. Tình trạng vượt đèn đỏ cũng gần như không còn xảy ra.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Đoàn ở phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) cho biết: “Từ khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, tôi và các thành viên trong gia đình đã nhắc nhở nhau cẩn trọng hơn khi tham gia giao thông, nhất là đến các nút giao có tín hiệu đèn đều nâng cao ý thức, không vượt đèn xanh khi sắp báo hiệu chuyển sang đèn vàng”.
Ngoài ra, dư luận chung cũng cho thấy, việc người dân nghiêm túc tuân thủ luật pháp sẽ tạo môi trường giao thông an toàn, văn minh, giảm đi sự lo lắng về tai nạn do người thiếu ý thức gây ra; đồng thời góp phần đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ chính cuộc sống, tính mạng, sức khỏe và tài sản của mỗi người.
Bài và ảnh: Lê Phượng