Dùng UAV đưa vật tư lên đỉnh Everest

Dùng UAV đưa vật tư lên đỉnh Everest
8 giờ trướcBài gốc
Milan Pandey, đang ngồi tại trại Base Camp, ngắm nhìn quang cảnh ít ai từng thấy được mà không phải leo cực nhọc. Ông là người điều khiển máy bay không người lái (UAV) – công việc mới có thể là bước ngoặt thay đổi mọi thứ trên ngọn núi cao nhất thế giới này.
Thang, dây thừng, bình oxy mà Pandey có thể vận chuyển bằng UAV sẽ hỗ trợ đội ngũ hướng dẫn viên leo núi bản địa (Sherpa) tại thác băng Khumbu. Sherpa định vị và thiết lập lộ trình cho những người ưa thích mạo hiểm suốt 7 thập kỉ. Hàng chục người đã mất mạng trong hành trình này. Pandey tin tưởng chuyên môn kỹ thuật của bản thân kết hợp kiến thức nhiều thập kỉ của Sherpa sẽ khiến nỗ lực chinh phục “nóc nhà” thế giới trở nên an toàn hơn.
Người điều khiển UAV Milan Pandey - Ảnh: Airlift Technology Pvt. Ltd.
Base Camp nằm ở độ cao khoảng 5.364 mét so với mực nước biển, Camp One (một trại khác) thì cao 6.065 mét. Khoảng cách trên không giữa hai địa điểm là hơn 3 km, Sherpa cần leo 6 - 7 tiếng nhưng UAV chỉ mất 6 - 7 phút mà thôi.
Hướng dẫn viên Mingma G làm việc cho công ty thám hiểm Imagine Nepal nhận ra tầm quan trọng của dịch vụ vận chuyển vật tư bằng UAV khi ông mất 3 người bạn trong một trận tuyết lở năm 2023. Thi thể họ vẫn chưa được tìm thấy.
“Họ phải liên tục lên xuống núi 20 lần để thiết lập lộ trình rồi quay lại lấy trang bị. Tôi nghe nói ở Trung Quốc người ta sử dụng UAV hỗ trợ công việc này. Vậy tại sao không dùng ở đây chứ?”, ông Mingma G chia sẻ.
Cùng thời điểm đó, Giám đốc điều hành Công ty Airlift Nepal Raj Bikram liên hệ với chính quyền thành phố Khumbu bàn chuyện triển khai máy bay không người lái lập bản đồ 3D đỉnh Everest. Thị trưởng bỗng nhiên hỏi về trọng lượng mà UAV mang được. Đến tháng 4.2024, công ty bắt đầu thí điểm dịch vụ.
“Do lần đầu đến Base Camp nên chúng tôi không biết máy bay hoạt động ra sao ở độ cao lẫn nhiệt độ trên đó”, theo Giám đốc Bikram. Tầm nhìn cùng vận tốc gió là thách thức chính. Công tác tìm hiểu địa hình mất đến 1 tháng.
Tiếp đến, Airlift Nepal thực hiện chiến dịch dọn dẹp đầu tiên, đưa gần 500kg rác từ Camp One xuống Base Camp qua 40 chuyến bay. Mỗi lần UAV mang được 30kg nhưng để đảm bảo an toàn nên chỉ mang 20kg.
Đến mùa leo núi 2025, Airlift Nepal giúp Sherpa vận chuyển trang bị trước rồi tiến hành thu gom rác. Các hướng dẫn viên chỉ cho Pandey hướng họ cần đi, ông điều khiển UAV định vị. Sau đó Sherpa làm những gì họ vẫn luôn làm – leo lên thác băng nguy hiểm hoặc phần sông băng khó định vị. Khi xác định nơi đó cần thang hoặc dây thừng thì họ báo tọa độ qua bộ đàm để UAV chuyển đến. Máy bay còn chuyển cả vật tư cứu sinh như thuốc men hay bình oxy.
UAV đang làm nhiệm vụ - Ảnh: Airlift Technology Pvt. Ltd.
Airlift Nepal hiện có 2 UAV của hãng DJI, năm nay chỉ 1 chiếc hoạt động trên Everest. Chiếc còn lại đóng vai trò dự phòng.
Tiền bạc là thách thức lớn. Mỗi UAV trị giá 70.000USD, Base Camp không có điện nên phải tốn nhiều nhiên liệu để sạc lại máy bay. Ngoài ra, còn có chi phí di chuyển đến trại, chi phí nhân công, chỗ ở, thức ăn.
“Chúng tôi không chỉ cung cấp trang bị. Tìm kiếm - cứu nạn là một trong số ưu tiên chính của chúng tôi. Khi mọi người đi chệch khỏi lộ trình, chúng tôi có thể định vị họ”, Pandey cho biết.
Hướng dẫn viên Dawa Janzu (28 tuổi) đánh giá máy bay không người lái giúp giảm một nửa thời gian lẫn mức độ rủi ro: “Công việc của chúng tôi đòi hỏi cao về thời gian. Nếu không nhanh chóng lập tuyến đường leo núi thì chuyến thám hiểm sắp tới sẽ bị chậm lại. Do UAV đưa vật tư lên nên chúng tôi không phải quay lại lấy. Với thời tiết xấu trong năm nay, chúng tôi không thể tái lập lộ trình nếu không có sự giúp đỡ này”.
Tổng giám đốc Caroline Ogle của Công ty Adventure Consultants - người quản lý các chuyến thám hiểm tại Base Camp suốt 5 mùa leo núi - nhấn mạnh việc sử dụng UAV là một phần trong quá trình tiến hóa của hoạt động leo núi, giống như dùng điện thoại vệ tinh hay dự báo thời tiết trước đó. UAV nâng cao an toàn cho đội ngũ Sherpa.
Nhà leo núi Lisa Thompson từng chinh phục điểm cao nhất ở 7 châu lục chia sẻ: “Tôi không tin rằng sự đổi mới này làm mất đi công việc hoặc truyền thống leo núi. Ngọn núi vẫn là ngọn núi. Thách thức vẫn tồn tại”.
Cẩm Bình
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/dung-uav-dua-vat-tu-len-dinh-everest-231825.html