Trong tăm tối hoang vu của núi rừng vây hãm, Tây Nguyên từng là chốn “rừng thiêng nước độc”, nơi thực dân, đế quốc đọa đày những người con Việt Nam yêu nước. Trên vùng đất này, kẻ thù còn sử dụng chính sách “ngu dân”, “chia để trị”, gây mâu thuẫn và chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc anh em…
Bởi vậy, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, ai cũng ghi lòng tạc dạ lời Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku ngày 19/4/1946: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu của Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…”. Ghi nhớ lời dạy của Người, trong kháng chiến, những người con Tây Nguyên cùng anh em cả nước ra trận vì sự nghiệp thống nhất non sông. Đất nước thanh bình khi Bác đã đi xa, đồng bào ghi nhớ lời dạy thiêng liêng, tiếp tục cuộc hành trình kiến thiết quê hương ngày càng giàu mạnh như ước mong tha thiết của Người.
Từ sau ngày nước nhà thống nhất, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, thực hiện nhiều chương trình và đầu tư những nguồn lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Tây Nguyên đã được khơi thông các nguồn lực, thực thi các chương trình hành động mang tính đột phá để vùng đất đại ngàn ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng tầm là một địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước.
* * *
Ngày xưa, với tập quán du canh du cư, cuộc sống đồng bào đói nghèo, cơ cực. Từ ngày thống nhất, Đảng và Nhà nước tổ chức cho người dân định canh định cư, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, tiếp cận thành công kinh tế thị trường nên trên vùng đất này đã xuất hiện nhiều tỷ phú người dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai tích cực, hiệu quả đã tiếp thêm sinh khí và mang lại bộ mặt tươi mới cho Tây Nguyên. Đời sống người dân khởi sắc; điện, đường, trường học, cơ sở y tế và nhiều công trình hạ tầng, phúc lợi khác mọc lên nhiều hơn trên những vùng đất từng lạc hậu, đói nghèo.
Sắc màu nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Cùng với việc quy hoạch, triển khai đầu tư phát triển các đô thị, các tỉnh Tây Nguyên đang nỗ lực thực thi các giải pháp để nâng cao tốc độ phát triển nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách thu nhập và điều kiện thụ hưởng các lợi ích an sinh. Đồng thời mở mang các khu, điểm, cụm công nghiệp, các dự án lớn, và triển khai Chương trình xây dựng NTM đến tất cả các huyện, xã, buôn, làng đã góp phần cải thiện hạ tầng, nâng cao nhận thức và giúp đồng bào đẩy lùi nghèo đói, hướng đến sự no đủ giàu có.
Quy mô kinh tế của vùng Tây Nguyên tăng nhanh, năm 2024 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp 14 lần năm 2002 và 3,1 lần năm 2010. GRDP bình quân giai đoạn 2002 - 2024 gần 8%, tốc độ tăng trưởng của các khu vực kinh tế đều cao nhất so với các vùng; GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 50 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002.
Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt gần 3 tỷ USD, chiếm 5,6% nông sản xuất khẩu cả nước; trong đó có gần 600 nghìn héc-ta cà phê, 72 nghìn héc-ta hồ tiêu; cao su, điều, rau, hoa và cây ăn quả cũng phát triển với tốc độ nhanh.
Đại ngàn phía tây đã trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn; giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy; hệ thống giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được củng cố; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm…
Nhiều năm qua, Nhà nước phát huy mọi nguồn lực nhằm phát triển giao thông tại vùng. Ngày nay, đường bộ toàn mạng lưới dài gần 40 nghìn km đã kết nối các tỉnh Tây Nguyên, mở rộng cơ hội giao thương với các trung tâm lớn cả nước và các nước trong khu vực. Trong đó, các quốc lộ chạy qua Tây Nguyên có tổng độ dài 2.517 km; các liên tỉnh lộ gần 2.035 km và hệ thống giao thông liên cửa khẩu đã nối liền Tây Nguyên với các nước láng giềng.
Đường Hồ Chí Minh cùng đường hành lang Đông - Tây xuyên qua vùng đã làm thay đổi diện mạo những buôn làng từng là vùng sâu vùng xa. Hàng không phát triển nhanh với ba sân bay: Liên Khương, Buôn Ma Thuột và Pleiku. Dự án khôi phục đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm và mở tuyến đường sắt mới phục vụ cho các nhà máy alumin Nhân Cơ, Tân Rai đang được tính toán.
Giao thông tiện lợi, chuỗi các đô thị Tây Nguyên nối liền vào nhau, những thành phố trong khu vực trở thành những đầu tàu kinh tế - xã hội toàn vùng. Mỗi thành phố có những lợi thế và bản sắc riêng. Buôn Ma Thuột, đồng bằng giữa miền cao nguyên đất đỏ, là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk, nơi có diện tích cà phê trên 180 nghìn héc-ta và sản lượng xấp xỉ 440 nghìn tấn. Đà Lạt - Lâm Đồng, một trung tâm du lịch, vùng chuyên canh rau và hoa lớn nhất nước, trong đó có 8.651 héc-ta hoa, sản lượng đạt 3,081 tỷ cành/năm và 180 nghìn héc-ta rau với sản lượng mỗi năm 440 nghìn tấn. Pleiku, quê hương của hồ tiêu, cao su, nơi khởi nguồn của nhiều doanh nghiệp lớn ngành chế biến nông, lâm sản…
* * *
Hạ tầng giao thông ngày càng phát triển, kết nối từ phố thị đến buôn làng Tây Nguyên.
Để mở đường lớn cho Tây Nguyên phát triển, tháng 10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Triển khai thực hiện Nghị quyết, Chính phủ ban hành Chương trình hành động với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; 23 nhiệm vụ cụ thể, 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối; phân công cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện có lộ trình thời gian cụ thể để thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết đề ra.
Đây là một nghị quyết cực kỳ quan trọng, định hướng một tầm nhìn chiến lược, tạo ra những cơ hội mới cho Tây Nguyên hướng đến một khu vực phát triển xanh, phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy bản sắc không gian văn hóa độc đáo và đa dạng. Mục tiêu của Nghị quyết cũng chính là khát vọng Tây Nguyên, khát vọng về một vùng đất đại ngàn trong lòng Tổ quốc ngày càng mạnh giàu và thịnh vượng.
Tây Nguyên đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao. Liên kết để phát triển là một nhiệm vụ mang tính đột phá nhằm đưa Tây Nguyên phát triển trong kỷ nguyên mới, trong đó hạ tầng giao thông là khâu trọng yếu.
Xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế của vùng. Đi đôi với giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa thì việc quan tâm đến đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng…
Vùng đất Tây Nguyên ngày càng phát triển, trù phú và giàu có. Mỗi dáng nét của Tây Nguyên giàu mạnh hôm nay đều khắc sâu dấu ấn sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và công ơn của Bác kính yêu. Dù lúc sinh thời, chưa một lần Bác đến Tây Nguyên nhưng trong trái tim Người luôn dạt dào cảm xúc với vùng đất có những người con của đại ngàn trung dũng. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng ghi lòng tạc dạ những di huấn thiêng liêng của Bác, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh như ước mong tha thiết của Người.
Theo Uông Thái Biểu (baodaklak.vn)