Được áp dụng các chính sách đặc thù, vượt trội trong Trung tâm tài chính

Được áp dụng các chính sách đặc thù, vượt trội trong Trung tâm tài chính
8 giờ trướcBài gốc
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì họp Hội đồng thẩm định
Huy động hiệu quả các nguồn lực, dịch vụ tài chính
Theo Báo cáo tại cuộc họp, mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm và chỉ đạo của Đảng về phát triển TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Phát triển thị trường tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực, dịch vụ tài chính để phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội các địa phương có TTTC nói riêng và Việt Nam nói chung theo hướng bảo đảm minh bạch, hiệu quả, hiện đại, tiên tiến, bắt kịp các chuẩn mực quốc tế; tạo động lực mới cho nền kinh tế phát triển; thúc đẩy quá trình tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới của Việt Nam.
Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của TTTC tại Việt Nam bảo đảm phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kết luận của Bộ Chính trị về việc xây dựng TTTC tại Việt Nam; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối của Đảng; sự quản lý tập trung, thống nhất, thông suốt và liên tục của Nhà nước.
Nghị quyết của Quốc hội quy định các nội dung mang tính nguyên tắc, khung chính sách phát triển TTTC và giao Chính phủ hướng dẫn nội dung chi tiết, xử lý các vấn đề cụ thể. Các chính sách áp dụng cho TTTC phải có tính đột phá, đảm bảo phát huy tối đa các lợi thế của Việt Nam; bắt kịp xu hướng phát triển quốc tế, theo chuẩn mực, thông lệ tiên tiến của thế giới, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền, hài hòa với cam kết quốc tế; bảo đảm sự đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững; cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, có tính cạnh tranh cao, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn và năng lực nội tại, trong đó ưu tiên lợi ích quốc gia là trên hết, đặc biệt là vị thế, uy tín và an ninh tài chính quốc gia.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại cuộc họp.
Phát triển TTTC tại khu vực có ranh giới xác định và áp dụng các chính sách đặc thù trong khu vực TTTC, đối tượng tham gia được xác định theo tiêu chí rõ ràng, với chính sách ưu đãi vượt trội để cho phép Việt Nam thử nghiệm có kiểm soát các chính sách đặc thù nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường tài chính toàn cầu; phân quyền, phân cấp cho cơ quan quản lý TTTC và cải cách thủ tục hành chính tối đa có thể; tập trung quản lý, giám sát dựa trên rủi ro; đánh giá tác động đối với các chính sách phát triển TTTC phù hợp với điều kiện trong nước theo từng giai đoạn để điều chỉnh phù hợp, linh hoạt.
Đồng thời bảo đảm cân đối lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro; cần dự báo và có thể phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định và đi kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp để tăng cường vị thế địa chính trị, địa kinh tế của Việt Nam, gắn lợi ích kinh tế các đối tác, các nước lớn; qua đó góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh "phi truyền thống"; ổn định và phát triển toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường.
Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam là hết sức cần thiết để huy động các nguồn lực, dịch vụ tài chính phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng minh bạch, hiệu quả, tiên tiến, bắt kịp các chuẩn mực quốc tế.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của TTTC tại Việt Nam được xây dựng theo 03 nhóm chính sách gồm: thành lập TTTC và các cơ quan thuộc TTTC; các chính sách áp dụng đối với TTTC; chính sách quản lý nhà nước đối với TTTC.
Nâng cao tính cạnh tranh nhưng vẫn phải kiểm soát, giám sát chặt chẽ
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Nội vụ cho rằng dự thảo Nghị quyết có nhiều nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì nên giao cho Chính phủ, không nêu quy định chi tiết. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết có nhắc đến khái niệm cán bộ quản lý thì cơ quan chủ trì soạn thảo nên làm rõ đây là cán bộ quản lý trong khu vực công hay khu vực tư.
Đại diện Bộ Công an thì cho rằng đối với lĩnh vực an ninh tài chính tiền tệ trong dự thảo Nghị quyết mới chỉ dừng ở định tính, muốn định lượng rõ ràng thì cần các Bộ, ngành cung cấp thông tin cụ thể hơn. Bên cạnh đó, cần có đánh giá về lộ trình chi tiết đối với lĩnh vực ngân hàng nhà nước và tài chính.
Đại diện Bộ Công an phát biểu tại cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đồng tình với việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của Trung tâm tài chính tại Việt Nam là cần thiết. Đồng thời nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết này phải xây dựng được các cơ chế, chính sách vượt trội để có nâng cao tính cạnh tranh nhưng cũng phải có kiểm soát, giám sát chặt chẽ.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại cuộc họp.
Thứ trưởng cho biết, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn để xây dựng Nghị quyết này đã rõ, vì vậy chỉ nêu một cách cô đọng, ngắn gọn tại Tờ trình; tập trung làm rõ vị trí, vai trò của TTTC đối với một nền kinh tế thông qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước đang phát triển khác.
Về nội dung chính sách, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định; đồng thời làm rõ nội dung của từng nhóm chính sách cụ thể. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể về: tổ chức, cơ cấu của TTTC; cơ chế giải quyết tối giản, thuận lợi, tiếp cận với quốc tế; bộ máy điều hành, cách thức giám sát, quản lý nhà nước (tiền kiểm hay hậu kiểm, cái gì quản lý gián tiếp, cái gì quản lý trực tiếp); cơ chế thu thập thông tin; cơ chế thí điểm đột phá; cách thức hạn chế rủi ro…
Ngoài ra, Thứ trưởng đã lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo về quy trình soạn thảo và đề nghị cơ quan chủ trì phối hợp với Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết.
Thiên Thanh
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/duoc-ap-dung-cac-chinh-sach-dac-thu-vuot-troi-trong-trung-tam-tai-chinh-post540555.html