Mới đây, Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ) yêu cầu các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông ngăn chặn hoạt động của ứng dụng nhắn tin Telegram, do ứng dụng này ngày càng bị lạm dụng cho các hoạt động vi phạm pháp luật.
Telegram có trụ sở tại Dubai (UAE), ra đời năm 2013 và được phát triển bởi tỷ phú Pavel Durov, người được mệnh danh là "Mark Zuckerberg của Nga".
Ứng dụng được nhiều người dùng nhờ cung cấp miễn phí, hỗ trợ đa nền tảng, dễ sử dụng và khả năng bảo mật mạnh mẽ do sử dụng mạng lưới máy chủ phân tán để lưu trữ dữ liệu người dùng. Tuy nhiên, các đặc tính trên cũng khiến Telegram trở thành "hang ổ" của tội phạm mạng.
Tỷ phú đứng sau ứng dụng Telegram
Nhiều người tò mò về Pavel Durov - tỷ phú đứng sau ứng dụng nhắn tin Telegram, bởi ông được ví như là một trong những nhân vật thú vị của làng công nghệ.
Durov sinh ngày 10/10/1984 tại Saint Petersburg trong một gia đình sung túc, nhưng lớn lên tại Turin (Italy). Cha ông là một giảng viên ngành ngữ văn nhưng yêu công nghệ.
Trong cuốn The Durov Code. The True Story of VK and its Creator (2012), tác giả Nikolay Kononov cho biết, từ nhỏ, Durov sớm bộc lộ khả năng về công nghệ, khi từng tấn công mạng máy tính của trường và bị nhà trường cắt quyền truy cập Internet. Ông cũng tuyên bố muốn trở thành "biểu tượng Internet" sau này.
Trong những năm học tại Đại học Tổng hợp Saint Petersburg, Durov đã tạo ra một diễn đàn phổ biến cho sinh viên khi đó. Năm 2006, ông cùng bạn học cũ và anh trai thành lập mạng xã hội VKontakte (sau đó đổi tên là VK) với mục tiêu biến thành "Facebook của Nga".
Sau khi khởi chạy chính thức tháng 1/2007, VK nhanh chóng nhận sự chú ý, khi đạt một triệu người dùng vào tháng 7/2007 và 10 triệu vào tháng 4/2008. Tháng 12/2008, VK vượt qua đối thủ Odnoklassniki trở thành dịch vụ mạng xã hội phổ biến nhất của Nga. Công ty cũng được định giá 3 tỷ USD.
Năm 2011, Durov bắt đầu vướng vào nhiều vấn đề với chính quyền Nga. Ông quyết định rời Nga vào năm 2014 sau khi từ chối tuân thủ yêu cầu của chính phủ về việc đóng cửa các cộng đồng đối lập trên Vkontakte.
Trước khi rời Nga, Pavel Durov đã phát triển một ứng dụng nhắn tin bảo mật mang tên Telegram và trình làng vào năm 2013 nhưng không có bất kỳ thông báo chính thức nào để đảm bảo tính bảo mật. Sau khi rời Nga năm 2014, Durov có được quyền công dân Saint Kitts và Nevis - một quốc đảo nằm ở Tây Ấn - bằng cách quyên góp 250.000 USD.
Đến 2015, Telegram tiếp tục chuyển sang các khu vực khác nhau trước khi đặt tại Dubai.
Sau khi ra mắt Telegram, Pavel Durov đã dành ra hơn 1 triệu USD mỗi tháng để duy trì hoạt động của ứng dụng nhắn tin này trước khi nó tạo ra doanh thu. Điều này góp phần không nhỏ vào sự phát triển vượt bậc của Telegram.
Tuy nhiên, ứng dụng này cũng là đề tài tranh cãi lớn trên khắp thế giới khi ứng dụng nhắn tin này trở thành kênh liên lạc chính của tội phạm, hacker... mà không chịu các hình thức kiểm soát.
Theo tỷ phú Pavel Durov, sự thành công của Telegram đến từ việc ứng dụng này hoàn toàn độc lập và không bị kiểm soát bởi bất kỳ chính phủ và tổ chức nào. Ngay cả đội ngũ của Telegram cũng không thể kiểm soát nội dung của các cuộc trò chuyện bí mật.
Tỷ phú giàu thứ 118 thế giới theo danh sách của Forbes
Theo số liệu được thống kê bởi Forbes, tính đến ngày 26/5/2025, Pavel Durov hiện đứng thứ 118 trong danh sách những tỷ phú của thế giới với khối tài sản ròng lên đến 17,1 tỷ USD.
Năm 2022, ông được công nhận là người nước ngoài giàu nhất tại UAE, nhưng vẫn dùng điện thoại chưa tới 5 triệu đồng.
Tháng 2/2023, ông tiếp tục được Arabian Business vinh danh là doanh nhân quyền lực nhất tại Dubai.
Dù sống sung túc ở Dubai, Durov được cho là không nhận sự chào đón ở nơi khác, nhất là tại châu Âu và cũng tránh xa các quốc gia nơi Telegram bị lực lượng an ninh giám sát.
Tháng 8/2024, nhà sáng lập Pavel Durov từng bị bắt tại Pháp với cáo buộc không có đủ người kiểm duyệt và thiếu hợp tác với chính quyền, tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm diễn ra mà không bị ngăn chặn.
An An