Được mùa hoa vải, nhãn, người nuôi ong trúng đậm

Được mùa hoa vải, nhãn, người nuôi ong trúng đậm
19 giờ trướcBài gốc
Nếu như năm ngoái, hoa vải, nhãn bị mất mùa thì năm nay sai trĩu cành. Mùa vụ thuận lợi tạo cơ hội cho người nuôi ong thu hoạch mật hoa vải, nhãn tại các địa phương. Theo chia sẻ của các chủ ong, với những gia đình có từ 100-200 đàn ong, năm nay sản lượng mật vải, nhãn dự kiến khai thác từ 500-1.000 lít (chưa kể mật hoa rừng, hoa sưa). Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu về của các chủ ong đạt hàng trăm triệu đồng.
Thu lãi hàng trăm triệu đồng
Từ cuối tháng 2 đến nay, những người nuôi ong ở xã Tam Quan, huyện Tam Đảo tất bật với công việc thu hoạch mật ong. Năm nào cũng vậy, vụ thu hoạch mật ong của người dân địa phương kéo dài 2-3 tháng, công việc tuy vất vả nhưng tràn ngập niềm vui, sự phấn khởi bởi họ được thu về một món tiền kha khá từ nguồn lợi thiên nhiên, nhất là vào thời điểm vải, nhãn năm nay được mùa hoa.
Ông Lăng Quang Túy, một chủ ong ở xã Tam Quan cho biết: “Mấy hôm trước thời tiết rét đậm, thỉnh thoảng có mưa phùn nên hoa tiết ít mật, ong cũng không đi lấy mật nên tôi bị lỡ 1-2 vòng quay mật ong. Cuối tuần này, thời tiết ấm hơn, tôi bắt đầu chuẩn bị đồ nghề đi quay mật ong. Năm nay hoa vải, nhãn được mùa, vì thế sản lượng mật ong so với năm ngoái tăng gấp đôi, gấp ba. Còn so trung bình với mọi năm thì tăng khoảng 50%”.
Với hơn 100 đàn ong, gia đình ông Túy quay được 2 vòng và khai thác được hơn 150 lít mật ong. Từ nay đến cuối vụ hoa vải, nhãn, ông Túy sẽ quay thêm được 2-3 vòng nữa, dự kiến thu thêm từ 200-300 lít mật ong, nâng tổng số lên gần 500 lít, tăng gần 200 lít mật ong so với những năm trước.
Lớp sáp ong bên ngoài được cắt bỏ để chuẩn bị đưa vào thùng quay lấy mật.
Do nhu cầu thị trường, người tiêu dùng thích sử dụng mật ong nhãn nhiều hơn mật ong vải nên các chủ ong tận dụng tối đa các vườn nhãn trong dân để đặt nhờ các thùng ong dưới gốc cây. Với thời tiết thuận lợi như năm nay, nếu không mưa, cứ 3-5 ngày, chủ ong có thể quay lấy mật 1 lần.
Trước khi bắt tay vào khai thác mật ong, các chủ ong phải đi thăm dò, kiểm tra những thùng ong được đặt nhờ tại các hộ gia đình. Hễ thấy những lỗ tròn trên các cầu ong được vít kín lại có nghĩa lượng mật đượm và nhiều.
Các cầu ong vàng rộm, đượm mật.
Công việc khai thác mật kéo dài 4 tháng, nhưng cao điểm là vào tháng 3, 4 hằng năm. Hiện nay, các chủ ong ở huyện Tam Đảo đang khai thác mật ở địa phương và các khu vực lân cận như Tam Dương, Bình Xuyên... Sau khi khai thác hết, các chủ ong sẽ di chuyển đàn ong đến tỉnh Hưng Yên 15 ngày rồi lại quay về địa phương để lấy mật hoa sưa.
Nghề nuôi ong khá đặc thù, mỗi lần đến lượt khai thác mật của gia đình nào, các chủ ong lại đi làm giúp, hỗ trợ nhau lấy mật, tạo thành các nhóm từ 6-8 người. Mỗi người một việc, người đi thu gom các cầu ong đặt rải rác trong vườn, người cắt sáp ong, người quay mật… tất cả các thành viên trong nhóm đều có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý để lấy được nguồn mật tối đa.
Đầu vụ hoa, mật ong thường có màu vàng tươi, nhưng đến cuối vụ hoa, mật sẽ chuyển màu sậm hơn. Trung bình, chủ ong có thể khai thác (quay) từ 10-15 đợt mật ong/năm. Riêng mùa hoa vải, nhãn quay được từ 5-6 đợt; hoa sưa 2-3 đợt, còn lại là hoa rừng. Mỗi thùng ong có thể thu hoạch tối đa được 20 lít mật/năm nên chủ ong nào cũng nỗ lực duy trì từ vài chục đến hàng trăm đàn ong để khai thác mật.
Nuôi ong lâu năm nên mật ong của các chủ ong ở xã Tam Quan được nhiều người biết đến. Dù được mùa mật nhưng họ không sợ tình trạng rớt giá như các loại nông sản khác.
Ông Nguyễn Văn Hùng, một chủ ong ở xã Tam Quan cho biết: “Dù được mùa nhưng giá mật ong khai thác được luôn ổn định, dao động từ 250.000 – 300.000 đồng/lít, cao điểm là hơn 300.000 đồng/lít. Năm nào mật ong của các gia đình cũng “cháy” hàng vì được người tiêu dùng, bà con địa phương tin tưởng đặt mua nhiều.
Sản lượng mật ong tiêu thụ mỗi năm đều tăng nhưng không có để bán bởi việc khai thác phụ thuộc vào thời tiết, hoa vải, nhãn có được mùa hay không? Chưa kể việc nuôi ong ngày càng khó khăn do số lượng cây cối trong dân ngày càng ít, ảnh hưởng đến nguồn hoa, nguồn mật tự nhiên; nhiều vườn cây ăn quả bị phun thuốc làm chết ong, phải gây dựng lại đàn… khá tốn kém kinh phí”.
Mật ong được lọc trước khi đưa vào thùng để mang về.
Năm nay, thời tiết thuận lợi, hoa vải, nhãn được mùa giúp người nuôi ong có điều kiện khai thác tối đa nguồn mật ong từ thiên nhiên. Phần lớn những người đi quay ong đều không có mật đem về bởi người dân, thương lái đã chờ để mua ngay tại chỗ.
Theo các chủ ong, với mức giá ổn định, sản lượng thu hoạch tăng cao, những gia đình có từ 150-200 đàn ong năm nay dự kiến sẽ thu về khoản tiền lớn, từ 200-300 triệu đồng (đã trừ chi phí).
Một mùa thu hoạch mật ong mới lại về trên vùng đất Tam Đảo. Giống như những chú ong thợ cần cù, chăm chỉ, sự siêng năng giúp chủ ong được hưởng “mùa vàng” trên chính quê hương mình.
Không chỉ đem về nguồn lợi cho gia đình, thành quả sau mỗi vụ thu hoạch còn là động lực để những chủ ong duy trì, nhân rộng quy mô đàn ong nuôi ở các địa phương.
Bài, ảnh: Hà Trần
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/126125//duoc-mua-hoa-vai-nhan-nguoi-nuoi-ong-trung-dam