Công ty CP Dược phẩm Trung ương 1 - Pharbaco vừa chủ động xin chấm dứt nghiên cứu, khảo sát dự án nhà máy điện gió 50MW tại hai huyện Cao Lộc và Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn để tập trung nguồn lực thực hiện dự án nhà máy sản xuất thuốc.
Sau 2 năm theo đuổi, nghiên cứu dự án, hiện Pharbaco đã phải dừng cuộc chơi do khó khăn trong thực hiện dự án sản xuất thuốc đạt chuẩn EU, cộng với giá nguyên liệu tăng cao, giá thành sản phẩm tăng, cạnh tranh trên thị trường.
Điều này dẫn tới công ty gặp nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính cho thực hiện nhà máy điện gió, ông Tô Thành Hưng, Tổng giám đốc Pharbaco nêu trong văn bản gửi UBND tỉnh và Sở Công thương Lạng Sơn.
Tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm I, Pharbaco chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ năm 2007 với vốn điều lệ 49 tỷ đồng. Với mục tiêu và sở trường là sản xuất, kinh doanh dược phẩm, thiết bị y tế cũng như bất động sản, Pharbaco xác định trở thành một trong 10 doanh nghiệp dược phẩm có sản lượng sản xuất lớn nhất Việt Nam với định hướng đa lĩnh vực – đa ngành nghề.
Kết thúc năm 2023, Pharbaco ghi nhận chưa đầy 40 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi doanh thu bán hàng đạt 1.340 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 3.168 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cơ cấu cổ đông của Pharbaco có sự tham gia của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà với khoảng 36% cổ phần. Giữ vai trò cổ đông lớn nhất tại Pharbaco, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà hồi tháng 1 đầu năm nay đã bị cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Việc Pharbaco rời khỏi sân chơi điện gió tại Lạng Sơn được cho là không làm giảm nhiệt cuộc chơi năng lượng nơi đây - vốn đã và đang tập trung ngày càng nhiều tên tuổi mạnh trong giới (ảnh minh họa: Hoàng Anh)
Tại Lạng Sơn, tính đến cuối tháng 9 vừa qua, ghi nhận 20/22 dự án điện gió được UBND tỉnh chấp thuận cho nhà đầu tư đo gió, đồng thời đã có nhà đầu tư đề xuất dự án nhà máy điện gió trên địa bàn các huyện Cao Lộc và Lộc Bình.
Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng phê duyệt ngày 1/4/2024, Lạng Sơn được phân bổ công suất các nguồn điện theo các loại hình với tổng công suất 1.834 MW đến năm 2030.
Đến cuối tháng 10 vừa qua, Sở Công thương tỉnh cho biết đã nhận được hồ sơ của 23 dự án nguồn điện (gồm 20 dự án điện gió; 2 dự án điện sinh khối; 1 dự án điện rác) để cập nhật các quy hoạch liên quan. Đồng thời có 2 nhà đầu tư đã đề xuất dự án đầu tư điện gió, 1 nhà đầu tư đề xuất dự án điện rác.
Theo ông Hoàng Văn Nghiệm, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lạng Sơn, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực điện lực còn tồn tại một số bất cập, trong đó đối với điện gió, việc lựa chọn nhà đầu tư chưa được quy định cụ thể nên dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Cụ thể, hiện Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh đang hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Đấu thầu năm 2023, tuy nhiên còn vướng mắc liên quan đến quy định cụ thể về tiêu chí kỹ thuật, thông số đầu vào như khung giá trần mua bán điện đối với các dự án mới chưa được ban hành.
Bên cạnh đó, quy hoạch bố trí quỹ đất cho phát triển điện gió cũng đối diện khó khăn. Theo chỉ tiêu sử dụng đất cho cấp huyện tại Quyết định 927/QĐ-UBND năm 2022 của UBND tỉnh đối với đất năng lượng đến năm 2030, chỉ tiêu trên toàn tỉnh là 1.177 ha (trong đó hiện trạng đất năng lượng năm 2020 là 416ha), diện tích tăng thêm trong kỳ quy hoạch sử dụng đất đến 2030 đối với đất năng lượng là 761ha.
Đối với diện tích đất năng lượng theo chỉ tiêu này, cơ bản đảm bảo nhu cầu cho các dự án điện (nguồn điện, lưới điện) theo danh mục thuộc quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, đối với đất giao thông sử dụng để thực hiện các dự án điện gió hiện tại chưa được bố trí trong chỉ tiêu đất của tỉnh đến năm 2025. Dự kiến cần bổ sung chỉ tiêu đối với loại đất này khoảng 350ha.
Hiện tại, bên cạnh các thương hiệu mạnh trong ngành năng lượng đã có mặt tại Lạng Sơn vài năm nay như Sovico, T&T group, Trungnam Group, An Xuân, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô, Công ty TNHH Baywa r.e. Wind Projects Việt Nam, danh mục các nhà đầu tư tiếp cận tìm hiểu, nghiên cứu số liệu, lập dự án điện gió tại tỉnh Lạng Sơn đón nhận thêm một số tên tuổi mới như: Công ty CP Tập đoàn Hưng Hải, Liên danh Công ty TNHH Điện lực quốc tế Trung Quốc - Công ty CP Năng lượng tái tạo Lạng Sơn.
Trong số các tên tuổi đặt chân vào lĩnh vực năng lượng tại Lạng Sơn, hiện mới chỉ ghi nhận dấu ấn mạnh mẽ của Công ty CP Tập đoàn Hà Đô với việc đón nhận biên bản ghi nhớ đầu tư dự án điện gió Bình Gia 80MW, trị giá khoảng 3.000 tỷ đồng hồi tháng 4 vừa qua.
Với thời gian nghiên cứu đề xuất trong giai đoạn 2024 – 2025, đây là một trong những dự án điện gió đầu tiên dự kiến được triển khai trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng phê duyệt.
Nguyễn Cảnh