Được thưởng Tết cả trăm triệu đồng cũng tiêu hết sạch nếu không làm được việc này

Được thưởng Tết cả trăm triệu đồng cũng tiêu hết sạch nếu không làm được việc này
2 ngày trướcBài gốc
Nhận thưởng Tết gần trăm triệu vẫn không đủ tiêu
Chuyện mua sắm gì, chi tiêu ra sao cho mấy ngày Tết chưa bao giờ là chuyện đơn giản với mỗi gia đình. Không ít chị em đã phải đau đầu xây dựng kế hoạch chi tiêu, làm bảng hạch toán các khoản thiết yếu, thậm chí cắt giảm tối đa những khoản không cần thiết. Thế nhưng cũng không ít người với quan niệm đi làm vất vả cả năm mới có 3 ngày Tết nên phải xông xênh, sẵn sàng chi tiêu vượt tiền thưởng Tết.
Chi tiêu dịp Tết như thế nào để hợp lý luôn là vấn đề chị em băn khoăn.
Vợ chồng chị Hoài Thương (nhân viên văn phòng) và anh Tuấn Ngọc (nhân viên ngân hàng) có thu nhập hàng tháng khoảng 30 triệu đồng. Cặp đôi có 1 bé trai 2 tuổi, đang thuê một căn chung cư tại Hà Nội với mức giá 10 triệu đồng.
Tết năm ngoái, vợ chồng chị Thương nhận thưởng gần 100 triệu. Dù có tiền thưởng Tết cao nhưng cặp đôi vẫn bị cháy túi sau Tết do chi tiêu quá tay.
Chị Thương chia sẻ, để được nhận khoản thưởng Tết cao, vợ chồng chị đã phải cố gắng nỗ lực, làm miệt mài trong năm, không có ngày nghỉ. Với suy nghĩ “vì mình xứng đáng”, ngay sau khi nhận tiền thưởng Tết, cặp đôi đặt ngay một chuyến du lịch Singapore giá 13 triệu đồng/người.
Với số tiền còn lại, gia đình tính toán dành 20 triệu biếu ông bà nội ngoại 2 bên, 7 triệu mua quà biếu Tết người thân, 10 triệu mừng tuổi họ hàng, 4 triệu mừng tuổi đồng nghiệp, 4 triệu mua đồ thắp hương và đồ ăn ở nhà, 3 triệu mua cây cảnh và đồ trang trí nhà cửa, 2 triệu tiền làm tóc, 5 triệu mua quần áo mới cho 2 vợ chồng và em bé.
Với tính toán này, gia đình chị tiêu khoảng 82 triệu tiền thưởng Tết, để dành được hơn 10 triệu. Tuy nhiên, khoản tiết kiệm này cũng nhanh chóng hết sạch vì vợ chồng chị liên tục chi tiền cho những bữa liên hoan xa xỉ. Không chỉ vậy, hễ thấy món đồ nào lạ lạ hoặc giảm giá, chị Thương tiện tay thêm vào giỏ hàng và thanh toán mà không đắn đo suy nghĩ món đồ ấy có cần thiết hay không.
“Ngày 30 Tết, vợ chồng tôi cảm thấy “sốc” khi nhìn vào số dư tài khoản. Tôi cảm thấy mình đang chạy theo những ảo ảnh hào nhoáng, quên mất rằng tiền thưởng cần phải phục vụ cho những mục tiêu lớn hơn. Giá mà...”, chị Thương ngậm ngùi.
Thực tế, việc tiền thưởng Tết vừa về tài khoản đã tiêu hết không chỉ xảy ra với vợ chồng chị Hoài Thương mà còn với xảy ra với nhiều người trẻ khác. Vì sao thu nhập ổn nhưng chưa lúc nào thấy dư, đặc biệt sau mỗi dịp Tết phải quay ra trả nợ là câu hỏi không của riêng ai.
Phân bổ thưởng Tết thế nào để không lạm chi?
Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, bà Nguyễn Thu Giang – Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, cho biết từng có khoảng thời gian không thực hiện quản lý tài chính, do đó các khoản thu nhập cũng như tiền thưởng âm thầm đi về đâu không ai biết. Đó là điểm khác nhau giữa người không quản lý tài chính và người quản lý tài chính.
Bà Nguyễn Thu Giang - Chuyên gia tư vấn tài chính Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT.
Đối với người không quản lý tài chính, các khoản thu nhập hàng tháng và tiền thưởng sẽ bị phân tán đi các hướng, sau nhiều năm thì chỉ còn lại một ít tiền. Còn đối với người quản lý tài chính, giả sử mỗi tháng dư ra 10 triệu đồng, hoặc thưởng Tết sau khi chi tiêu dư ra được 10 triệu, thì tất cả các khoản 10 triệu này đều chung một con đường là bảo vệ và gia tăng tài sản.
Theo chuyên gia Thu Giang, thưởng Tết là khoản thu nhập đặc biệt, vì vậy việc phân bổ và sử dụng vừa có nét chung vừa có nét riêng với các khoản thu nhập khác. Do đó trước hết cần nắm cách phân chia thu nhập hàng tháng.
Thu nhập hàng tháng có thể chia thành 3 hạng mục. Việc đầu tiên là sau khi nhận được thu nhập thì phải cắt đi một phần dành riêng cho tiết kiệm. Tỷ lệ này thay đổi tùy theo thu nhập. Cụ thể, thu nhập dưới 20 triệu và có 1 người phụ thuộc thì cắt 10-20%, không có người phụ thuộc thì cắt nhiều hơn. Thu nhập 20-40 triệu cắt 20-30%. Thu nhập 50-70 triệu cắt 30-40%. Thu nhập cao hơn nữa thì cân nhắc tỷ lệ tiết kiệm cao hơn.
Bước tiếp theo chúng ta khoanh vùng nhu cầu hưởng thụ (ăn ngoài với gia đình, bạn bè, đi du lịch, mua sắm vượt nhu cầu cơ bản) và các khoản nhu cầu không thiết yếu khác (du lịch, tập gym, tập yoga...). Hạn mức trung bình và tối đa cho phép đối với khoản này lần lượt là 10% và 15% thu nhập hàng tháng.
Hạng mục cuối cùng là chi tiêu thiết yếu. Phần này chiếm tỷ lệ lớn nhất nên việc quản lý nên chia thành 3 bước nhỏ. Đầu tiên là chi các khoản định phí (tiền nhà, điện, nước, bảo hiểm, tiền học, tiền hỗ trợ người thân). Tiếp theo là dự tính tiền chợ. Cuối cùng là dự tính các chi tiêu phát sinh như mua đồ gia dụng, chăm sóc cá nhân.
Theo bà Thu Giang, thưởng Tết cũng là một khoản thu nhập nên ưu tiên cắt một phần cho tiết kiệm và tái đầu tư trước, rồi mới đến phần quà biếu, mừng tuổi người thân và mua sắm trong gia đình.
Tuy nhiên thưởng Tết lại là khoản thu nhập đặc biệt, nên khác với tỷ lệ các tháng trong năm thì phần chi tiêu cho nhu cầu ăn chơi trong tháng cuối năm có thể tăng lên tối đa 20-30% (đã bao gồm quà Tết, mừng tuổi). Riêng phần du lịch vẫn phải tính dựa trên tổng quỹ du lịch trong năm chứ không nên lấy tiền thưởng Tết làm quỹ riêng cho du lịch.
Nhiều người có quan niệm “làm cả năm chơi 3 ngày Tết” dẫn đến việc dồn toàn bộ tiền thưởng vào những ngày đầu năm mới. Tuy nhiên khi phân bổ tiền thưởng Tết cần cân nhắc một số điều để tránh bị cháy túi sau Tết.
Theo đó, không nên chi tiêu tiền thưởng Tết theo kiểu thưởng càng nhiều thì chi càng nhiều, mà nên tăng tỷ lệ tiết kiệm, đầu tư. Công thức cũng giống việc phân chia thu nhập hàng tháng, tức là cần có tỷ lệ phù hợp và khoanh vùng từng khoản lại.
Như đã đề cập, thưởng Tết là phần phụ trội so với tháng lương thứ 12 trở đi nên chúng ta vẫn cần tuân nguyên tắc chia làm 3 phần.
Đầu tiên là trích tiền tiết kiệm từ thưởng Tết ngay sau khi nhận tiền thưởng theo tỷ lệ phù hợp tương tự công thức trích tiền tiết kiệm từ thu nhập hàng tháng.
Tiếp theo là khoanh vùng khoản tiền dành cho việc mua sắm trong gia đình theo tỷ lệ 30-40% tiền thưởng Tết. Khoản này bao gồm cây cảnh, hoa tươi, đồ trang trí nhà cửa, bánh kẹo tiếp khách, đồ ăn, mâm ngũ quả, trang trí bàn thờ trong các ngày ông Công ông Táo, tất niên, 3 ngày Tết và Hóa vàng.
Cuối cùng là trích khoảng 20-30% tiền thưởng Tết để mua quà biếu, mừng tuổi cho bố mẹ, anh em, người thân. Nếu mua quà Tết nhiều thì nên giảm tiền mừng tuổi và ngược lại để tránh trường hợp tiêu theo cảm xúc ngẫu hứng.
Vị chuyên gia tài chính nhấn mạnh lưu ý nên xác lập thứ tự ưu tiên khi chi tiền thưởng Tết, bởi mỗi người sẽ có một thứ tự ưu tiên khác nhau. Có người thì ăn uống ngày Tết là số 1, có người thì quà biếu tặng gia đình nội ngoại là số 1, có người thì trang trí nhà cửa lại được đặt lên hàng đầu. Do đó cần xác định thứ tự ưu tiên để không bị động và áp lực đối với các khoản không thể không chi, dẫn đến lạm chi và không tiết kiệm được tiền thưởng Tết.
Ngoài ra, thưởng Tết là khoản tiền nhận 1 lần nên dễ phát sinh nhu cầu mua đồ đắt tiền như xe máy, xe hơi, đồ nội thất, đồ điện tử mà thiếu đi sự cân nhắc như giai đoạn trong năm. Bạn cần hạn chế thói quen này để tránh bị tâm lý chi phối.
“Cần nhớ rằng thưởng Tết là các khoản tăng đột biến chứ không phải đều đặn năm nào cũng như năm nào, vì vậy đừng tăng tỷ lệ chi tiêu lên quá nhiều”, bà Thu Giang lưu ý.
Vân Anh
Nguồn Vietnamdaily : https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/doi-song-24h/duoc-thuong-tet-ca-tram-trieu-dong-cung-tieu-het-sach-neu-khong-lam-duoc-viec-nay-234240.html