Dưới sự lãnh đạo của Elon Musk, DOGE đã thực sự làm được những gì?

Dưới sự lãnh đạo của Elon Musk, DOGE đã thực sự làm được những gì?
9 giờ trướcBài gốc
Cover
Trong bối cảnh nước Mỹ đối mặt với thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, Elon Musk bất ngờ được bổ nhiệm đứng đầu Ban Hiệu quả Chính phủ, viết tắt là DOGE, một cách chơi chữ ám chỉ đồng tiền kỹ thuật số yêu thích của tỷ phú gốc Nam Phi.
Sáng kiến này được đặt nhiều kỳ vọng sẽ cắt giảm mạnh chi tiêu chính phủ, với mục tiêu tuyên bố ban đầu lên tới 2.000 tỷ USD. Con số này được tỷ phú Musk đưa ra trong một cuộc mít tinh của ông Donald Trump và đã khiến ngay cả chính những người tổ chức sự kiện bất ngờ, theo lời kể của Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick.
Tỷ phú Elon Musk lần đầu đề cập đến khoản cắt giảm chi tiêu liên bang trị giá 2.000 tỷ USD tại một sự kiện của đảng Cộng hòa ở Madison Square Garden (New York). Ảnh: Reuters.
Sự xuất hiện của ông Musk trong vai trò công quyền, đặc biệt là với quyền lực đáng kể trong việc tái cấu trúc chi tiêu liên bang, ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận.
Thậm chí, nhiều chính trị gia thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã công khai ủng hộ sáng kiến này, cho rằng đây là một bước tiến trong việc "tái thiết lại lòng tin công chúng", theo Economist.
Những tuyên bố gây tranh cãi
Sau nửa năm hoạt động, DOGE tuyên bố đã xác định được 170 tỷ USD trong các khoản chi tiêu có thể cắt giảm. Tuy nhiên, theo Financial Times, chỉ khoảng 12,4 tỷ USD trong số này là có thể xác minh được, chủ yếu thông qua hợp đồng cụ thể với các nhà cung cấp.
Phần còn lại, theo đánh giá từ các chuyên gia ngân sách, phần lớn đến từ những hợp đồng đã hết hạn hoặc chưa từng được thực hiện. Một số hợp đồng có giới hạn pháp lý được DOGE sử dụng để tính toán "tiết kiệm tiềm năng", khiến con số trở nên thiếu thực tế.
“Chúng tôi phát hiện ra rằng phần lớn những gì được gọi là 'tiết kiệm' không thực sự tiết kiệm gì cả”, ông Steve Ellis, Giám đốc điều hành của Taxpayers for Common Sense, tổ chức giám sát ngân sách liên bang phi đảng phái có trụ sở tại Washington, nhận định.
Trang web của DOGE, dù công khai các con số, lại gộp chung giữa tiết kiệm dài hạn và thu tạm thời. Cách tính này đã bị chỉ trích là dễ gây hiểu nhầm. Tổng chi tiêu của chính phủ liên bang thậm chí không hề giảm trong thời gian DOGE hoạt động, theo báo cáo từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO).
Việc DOGE tiến hành cắt giảm hàng loạt nhân sự chính phủ, từ nhân viên kiểm lâm, nhà nghiên cứu ung thư cho đến nhân viên y tế dành cho cựu chiến binh, đã khiến công chúng phản ứng gay gắt. Các cuộc biểu tình nhỏ diễn ra tại nhiều bang phản đối cách tiếp cận của đội ngũ ông Musk.
Một vụ tai nạn máy bay tại sân bay Reagan xảy ra ngay sau khi DOGE cắt giảm nhân sự tại Cục Hàng không Liên bang (FAA) đã khiến dư luận hoang mang. Dù không có bằng chứng trực tiếp liên hệ, sự trùng hợp về thời điểm tạo ra phản ứng trái chiều mạnh mẽ.
Một số bộ trưởng trong nội các của Tổng thống Trump cũng bày tỏ sự không đồng tình. Ngoại trưởng Marco Rubio nói với Politico: “Thật không thể tin được khi DOGE cắt giảm ngân sách của Bộ Ngoại giao, cơ quan vốn đã chịu nhiều căng thẳng trong những năm qua".
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cũng đề nghị đình chỉ toàn bộ đề xuất ca DOGE liên quan đến lĩnh vực thuế và tài chính. “Những biện pháp này đang gây tổn hại trực tiếp tới năng lực thu ngân sách”, ông Bessent cảnh báo.
Ngoại trưởng Marco Rubio (trái) được cho là đã khuyên Tổng thống Trump tiết chế hoạt động của DOGE dưới thời tỷ phú Musk. Ảnh: Reuters.
Trước sức ép ngày càng lớn, Tổng thống Trump đã phải can thiệp. “Tổng thống (Trump) nói với ông Musk rằng cần phải dùng dao mổ thay vì rìu”, tờ Financial Times dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết.
Cuối cùng, tỷ phú Musk tuyên bố rút khỏi vị trí lãnh đạo DOGE, chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, để "tập trung vào các công việc cá nhân và ưu tiên kinh doanh".
Dù tuyên bố về tính hiệu quả, DOGE vẫn không công bố danh sách đầy đủ các hợp đồng bị cắt giảm, số lượng nhân sự sa thải hay những cơ quan bị ảnh hưởng.
Danh tính các thành viên chủ chốt của tổ chức này cũng bị giữ kín, làm dấy lên nghi ngại về xung đột lợi ích, đặc biệt khi một số người có mối liên hệ với các công ty công nghệ.
“Không rõ ai ra quyết định, ai tư vấn và cơ sở nào để lựa chọn những cơ quan bị cắt giảm”, ông Ellis bày tỏ quan ngại.
Dù vậy, DOGE cũng đạt được một số thành tựu cụ thể. Đơn cử, tổ chức này đã số hóa quy trình nghỉ hưu cho nhân viên liên bang và cắt giảm các hợp đồng tư vấn không cần thiết.
Hơn 75.000 nhân viên liên bang đã được khuyến khích nghỉ hưu sớm thông qua các gói trợ cấp. Tuy nhiên, hiệu quả lâu dài của biện pháp này vẫn còn là dấu hỏi, nhất là khi không có kế hoạch thay thế tương xứng cho nhiều vị trí chuyên môn.
Các chương trình chi tiêu lớn như an sinh xã hội, Medicare và Medicaid, vốn chiếm gần một nửa ngân sách liên bang, hoàn toàn không bị động đến. Điều này khiến giới chuyên gia đánh giá DOGE mới chỉ “gãi ngứa bề mặt” mà chưa giải quyết vấn đề cơ bản về thâm hụt ngân sách.
Đặc biệt, việc DOGE đề xuất cắt giảm nhân sự tại Sở Thuế vụ (IRS) bị xem là phản tác dụng. Theo ước tính từ CBO, điều này có thể làm giảm thu ngân sách hàng năm hàng chục tỷ USD, vượt xa khoản tiết kiệm ngắn hạn từ chi tiêu nhân sự.
Cuộc thử nghiệm chưa trọn vẹn
Sự rút lui của người giàu nhất hành tinh đánh dấu sự chấm dứt sớm của một trong những cuộc thử nghiệm hiếm hoi kết hợp giữa tư duy công nghệ và quản trị công. Trong khi DOGE vẫn tiếp tục hoạt động dưới sự điều hành của những người kế nhiệm, triển vọng thành công của đơn vị này ngày càng mờ nhạt, Financial Times nhận định.
“Chúng tôi đang đánh giá lại toàn bộ chiến lược. DOGE có thể cần tái cấu trúc toàn diện nếu muốn tiếp tục”, tờ Economist dẫn lời một cố vấn Nhà Trắng.
Giới đầu tư được cho là cũng không mấy hào hứng. Việc ông Musk tham gia sâu vào chính trị khiến giá cổ phiếu Tesla tụt dốc mạnh, còn SpaceX bị mất một số hợp đồng quan trọng của chính phủ.
Một số vụ tấn công nhằm vào Tesla với động cơ chính trị liên quan đến ông Elon Musk đã khiến việc kinh doanh của hãng xe này gặp trở ngại. Ảnh: Reuters.
Ở góc nhìn rộng hơn, DOGE phản ánh giới hạn của các sáng kiến cắt giảm chi tiêu khi thiếu minh bạch, thiếu dữ liệu thực tiễn và thiếu sự phối hợp chính sách giữa các cơ quan, Financial Times nhận định.
Dù vậy, một số quan chức chính phủ vẫn xem DOGE là “bước đầu trong việc định hình lại cách nhìn về chi tiêu công”. Theo họ, bài học lớn nhất từ DOGE không nằm ở những con số mà ở việc châm ngòi cho một cuộc thảo luận cần thiết về hiệu quả của chính phủ.
Trong khi đó, Elon Musk vẫn giữ im lặng. Sau tuyên bố rút lui, ông không đưa ra thêm phát ngôn nào liên quan đến DOGE, tập trung vào các dự án AI và hàng không vũ trụ.
Đại Hoàng
Nguồn Znews : https://znews.vn/duoi-su-lanh-dao-cua-elon-musk-doge-da-thuc-su-lam-duoc-nhung-gi-post1553216.html